Sẽ có 38 khu vực đá vôi được cấp mới giấy phép khai thác để sản xuất xi măng

06:00 21/12/2023
Theo Quy hoạch vừa được Chính phủ ban hành, tổng tài nguyên và trữ lượng khoáng sản huy động vào Quy hoạch để sản xuất các loại VLXD là 26.561.433 nghìn tấn với 05 nhóm khoáng sản chính. Trong đó, sẽ có 38 khu vực đá vôi được cấp mới giấy phép khai thác để sản xuất xi măng với trữ lượng 514.746 tấn.

Quy hoạch 05 nhóm khoáng sản chính

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 15/12/2023 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch), có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.

Tổng tài nguyên và trữ lượng khoáng sản huy động vào Quy hoạch để sản xuất các loại VLXD là 26.561.433 nghìn tấn, gồm 05 nhóm khoáng sản chính: (1) Nhóm khoáng sản làm xi măng; (2) Nhóm khoáng sản làm đá ốp lát, mỹ nghệ; (3) Nhóm khoáng sản làm gốm sứ, vật liệu chịu lửa; (4) Nhóm khoáng sản chính làm kính xây dựng; (5) Nhóm khoáng sản làm vôi công nghiệp.

Khai thác khoáng sản làm xi măng. Ảnh minh họa. Nguồn: ITN.

Theo đó, giai đoạn đến năm 2030, đối với nhóm khoáng sản làm xi măng, dự kiến cấp mới giấy phép thăm dò 36 khu vực đá vôi, 46 khu vực sét và 31 khu vực phụ gia; phê duyệt trữ lượng 14 đề án thăm dò đá vôi, 19 đề án thăm dò sét, 09 đề án thăm dò phụ gia. Tổng trữ lượng thăm dò các khu vực quy hoạch dự kiến: Đá vôi khoảng 3.658.100 nghìn tấn, sét khoảng 962.600 nghìn tấn và phụ gia khoảng 499.300 nghìn tấn.

Dự kiến cấp mới các giấy phép khai thác 38 khu vực đá vôi, 52 khu vực sét và 34 khu vực phụ gia. Thực hiện 115 dự án khai thác đá vôi trữ lượng khoảng 1.758.700 nghìn tấn, 107 dự án khai thác sét trữ lượng khoảng 348.300 nghìn tấn và 49 dự án khai thác phụ gia trữ lượng khoảng 187.900 nghìn tấn.

Nhóm khoáng sản làm đá ốp lát, mỹ nghệ, dự kiến cấp mới giấy phép thăm dò tại 93 khu vực đá ốp lát, mỹ nghệ và 23 khu vực thạch anh, quarzit. Phê duyệt trữ lượng 83 đề án đá ốp lát, mỹ nghệ và 09 đề án thạch anh, quarzit. Tổng trữ lượng thăm dò các khu vực quy hoạch dự kiến: Khoáng sản đá ốp lát, mỹ nghệ khoảng 407.000 nghìn m3, thạch anh, quarzit khoảng 96.500 nghìn tấn.

Dự kiến cấp mới các giấy phép khai thác 163 khu vực đá ốp lát, mỹ nghệ, 32 khu vực thạch anh, quarzit. Thực hiện 260 dự án khai thác đá ốp lát, mỹ nghệ trữ lượng khoảng 64.100 nghìn m3 và 32 dự án khai thác thạch anh, quarzit trữ lượng khoảng 10.800 nghìn tấn.

Nhóm khoáng sản làm gốm sứ, vật liệu chịu lửa, dự kiến cấp mới các giấy phép thăm dò tại 52 khu vực cao lanh, felspat và 02 khu vực đất sét chịu lửa. Phê duyệt trữ lượng 19 đề án thăm dò khoáng sản cao lanh, felspat, 04 đề án thăm dò khoáng sản đất sét trắng. Tổng trữ lượng thăm dò dự kiến: Cao lanh, felspat khoảng 214.300 nghìn tấn, đất sét chịu lửa khoảng 15.200 nghìn tấn và đất sét trắng khoảng 8.200 nghìn tấn.

Dự kiến cấp mới các giấy phép khai thác tại 67 khu vực cao lanh, felspat, 04 khu vực đất sét trắng, 02 khu vực đất sét chịu lửa. Thực hiện 104 dự án khai thác cao lanh, felspat trữ lượng khoảng 135.300 nghìn tấn, 05 dự án khai thác đất sét trắng trữ lượng khoảng 2.900 nghìn tấn và 03 dự án khai thác đất sét chịu lửa trữ lượng khoảng 5.800 nghìn tấn.

Nhóm khoáng sản chính làm kính xây dựng, dự kiến cấp mới các giấy phép thăm dò tại 15 khu vực cát trắng, phê duyệt trữ lượng 12 đề án. Tổng trữ lượng thăm dò các khu vực quy hoạch cát trắng khoảng 305.500 nghìn tấn. Dự kiến cấp mới các giấy phép khai thác tại 26 khu vực và thực hiện 40 dự án khai thác cát trắng trữ lượng khoảng 57.700 nghìn tấn.

Nhóm khoáng sản làm vôi công nghiệp, dự kiến cấp mới giấy phép thăm dò tại 03 khu vực dolomit và 38 khu vực đá vôi. Phê duyệt trữ lượng 05 đề án thăm dò dolomit và 06 đề án thăm dò đá vôi. Tổng trữ lượng thăm dò các khu vực quy hoạch dự kiến: Dolomit khoảng 206.900 nghìn tấn và đá vôi khoảng 792.400 nghìn tấn.

Dự kiến cấp mới các giấy phép khai thác tại 08 khu vực dolomit và 43 khu vực đá vôi. Thực hiện 12 dự án khai thác dolomit trữ lượng khoảng 30.600 nghìn tấn và 48 dự án khai thác đá vôi với trữ lượng khai thác khoảng 171.900 nghìn tấn.

Tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ tái chế

Quyết định số 1626/QĐ-TTg quy định cụ thể về quy hoạch chế biến và sử dụng theo hướng tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và các ngành khác làm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất VLXD, giảm sử dụng tài nguyên khoáng sản tự nhiên, giảm ô nhiễm môi trường.

Thủ tướng Chính phủ khuyến khích nghiên cứu công nghệ tái chế chất thải công nghiệp làm nguyên liệu đầu vào thay thế khoáng sản trong sản xuất VLXD. Ảnh minh họa. Nguồn: ITN.

Khoáng sản làm VLXD được khai thác cung cấp nguyên liệu cho các dự án chế biến và sử dụng theo cân đối của nhu cầu thị trường. Sử dụng khoáng sản trước hết phải ưu tiên cho nhu cầu trong nước, bảo đảm cân đối hài hòa giữa xuất khẩu và nhập khẩu; chỉ xuất khẩu khoáng sản đã qua chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định.

Đầu tư các dự án sản xuất xi măng, vôi công nghiệp phải dự kiến nguồn nguyên liệu chính (đá vôi và sét, đá vôi, dolomit) nằm trong quy hoạch bảo đảm đủ trữ lượng và chất lượng.

Số liệu quy hoạch chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD được tổng hợp tại Phụ lục VI kèm theo Quyết định cho thấy, tổng tài nguyên và trữ lượng khoáng sản huy động trong quy hoạch là 26.561.433 nghìn tấn, tập trung nhiều nhất ở vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

Trong đó, đá vôi làm xi măng đã chiếm tới 12.864.665 nghìn tấn, tập trung nhiều nhất ở vùng Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung với trữ lượng 5.765.630 nghìn tấn; kế tiếp là vùng đồng bằng sông Hồng 3.101.559 nghìn tấn; Trung du miền núi phía Bắc 2.083.730 nghìn tấn; ĐBSCL 1.038.948 nghìn tấn và một số khu vực khác là Đông Nam Bộ, Tây Nguyên trữ lượng rất thấp.

Bên cạnh đó, đá vôi làm kính và vôi cũng có trữ lượng khoáng sản đáng kể trong tổng tài nguyên và trữ lượng, với 8.698.053 nghìn tấn cũng chủ yếu tập trung ở vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung với trữ lượng 5.953.673 nghìn tấn và vùng Trung du và miền núi phía Bắc với trữ lượng 1.628.976 nghìn tấn.

Điểm đáng chú ý, mặc dù khu vực Đông Nam Bộ không phải nơi tập trung nhiều khoáng sản đá vôi làm xi măng hay đá vôi làm kính và vôi, nhưng khu vực này lại tập trung đáng kể phụ gia làm xi măng, chiếm hơn 1/2 tổng trữ lượng phụ gia làm xi măng trên cả nước khoảng 757.606/1.024.237 nghìn tấn phụ gia xi măng.

Khoáng sản làm đất sét trắng hoặc dolomit chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng sông Hồng, trong đó đất sét trắng có trữ lượng 4.184/6.554 nghìn tấn, dolomit có trữ lượng 151.620/259.657 nghìn tấn…

Ngoài ra, Quyết định số 1626/QĐ-TTg cũng tổng hợp tại Phụ lục VII kèm theo Quyết định đối với Danh mục các khu vực khoáng sản làm VLXD giao thoa với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023.

Bình luận