10 năm nghiên cứu, xây dựng chính sách
Có sở pháp lý cho việc áp dụng BIM được Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng và từng bước hình thành trong khoảng 10 năm. Trong đó, nền tảng được khởi nguồn từ khoản 3 Điều 4 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014, với quy định “ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng hệ thống thông tin công trình trong hoạt động đầu tư xây dựng”. Khoản 1, Điều 66 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 cũng đồng thời quy định nội dung về quản lý hệ thống thông tin công trình trong quản lý dự án đầu tư xây dựng...
Đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014 -2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 134/QĐ-TTg ngày 26/01/2015, đề ra 8 giải pháp chủ yếu, trong đó có giải pháp ứng dụng Mô hình thông tin công trình (BIM)...
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Tại Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15/02/2017 của Bộ Xây dựng công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, nội dung hướng dẫn áp dụng định mức chi phí tư vấn đầu tư xây dựng quy định: “Trường hợp áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong quá trình thực hiện công việc tư vấn thì bổ sung chi phí này bằng dự toán”.
Quyết định số 79/QĐ-BXD cũng đồng thời hướng dẫn chi tiết xác định dự toán chi phí tư vấn. Theo đó, chi phí cho áp dụng BIM nằm trong chi phí khác, xác định theo dự kiến nhu cầu cần thực hiện của từng loại công việc tư vấn.
Ngày 21/3/2017, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 203/QĐ-BXD về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình; và Quyết định số 204/QĐ-BXD Ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình”.
Căn cứ quy định tại Quyết định số 2500/QĐ-TTg, trong cùng ngày 11/10/2017 Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đồng thời ban hành Quyết định số 1056/QĐ-BXD công bố Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng áp dụng BIM trong giai đoạn thí điểm và Quyết định số 1057/QĐ-BXD công bố hướng dẫn tạm thời áp dụng BIM trong giai đoạn thí điểm với những nội dung hướng dẫn chi tiết các nội dung liên quan đến BIM như: Hướng dẫn sử dụng tài liệu; Khái niệm, nguyên tắc cơ bản trong triển khai BIM; Các ứng dụng BIM; Hướng dẫn sơ bộ quy trình áp dụng BIM.
Bên cạnh đó, Quyết định số 1057/QĐ-BXD ngày 11/10/2017 cũng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến hợp đồng mẫu cho các dự án áp dụng BIM, xác định chi phí tư vấn áp dụng BIM, quản lý thông tin trong BIM; Chỉ dẫn về mức độ phát triển thông tin; Hướng dẫn lập hồ sơ yêu cầu thông tin, xây dựng kế hoạch thực hiện BIM…
Ngày 02/4/2018, căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BIM cũng như đăng ký dự án thực hiện áp dụng BIM của các Bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư… Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 362/QĐ-BXD về danh sách các dự án/công trình thí điểm áp dụng BIM trong đầu tư xây dựng và quản lý vận hành. Danh sách gồm 20 dự án/công trình.
Đáng chú ý, tại thời điểm này, khoản 60 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật Xây dựng số 62/2020/QH14) được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020, quy định Chính phủ thực hiện quy định “việc xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng”; “Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng; quản lý, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động đầu tư xây dựng.”.
Theo đó, Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, đã dành hẳn Điều 6 quy định về ứng dụng BIM, trong đó khuyến khích áp dụng BIM, giải pháp công nghệ số trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình; đồng thời cũng quy định về thẩm quyền quyết định việc áp dụng BIM, giải pháp công nghệ số, yêu cầu mô hình BIM trong hồ sơ dự án, công trình áp dụng BIM…
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, tệp tin BIM là một thành phần trong hồ sơ thiết kế xây dựng, hồ sơ hoàn thành công trình đối với các dự án, công trình xây dựng áp dụng BIM. Nội dung và mức độ chi tiết của mô hình thông tin công trình thực hiện theo thỏa thuận của các bên có liên quan đến việc ứng dụng BIM trong hợp đồng xây dựng…
Ngày 02/4/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đồng thời ban hành 2 văn bản gồm: Quyết định số 347/QĐ-BXD công bố hướng dẫn chi tiết áp dụng BIM đối với công trình dân dụng và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; và Quyết định số 348/QĐ-BXD về công bố hướng dẫn chung áp dụng BIM.
Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định, chi phí áp dụng BIM được tính trong chi phí tư vấn đầu tư xây dựng theo quy định (tại điểm d khoản 1 Điều 31).
Thông tư số 12/2021/TT-BXD 31/8/2021 của Bộ Xây dựng về việc ban hành định mức xây dựng, các tập định mức dự toán xây dựng công trình, nội dung về áp dụng định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng quy định: “Trường hợp dự án, công trình, gói thầu có yêu cầu áp dụng BIM trong quá trình lập dự án, thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án; thì chi phí áp dụng BIM xác định bằng dự toán chi phí nhưng không quá 50% chi phí thiết kế xác định theo hướng dẫn tại Thông tư này”.
Sẽ có quy định mức chi phí cho từng công việc
Sau khoảng 10 năm nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý bắt đầu từ Luật Xây dựng 2014 và triển khai thí điểm ở các loại hình công trình xây dựng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg, ngày 17/3/2023, phê duyệt Lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng, có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành Quyết định.
Điểm đáng chú ý, Quyết định số 258/QĐ-TTg quy định cụ thể về Lộ trình bắt buộc áp dụng BIM theo giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2023, đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt; Giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2025, đối với các công trình cấp II trở lên. Nội dung áp dụng và mức độ chi tiết của mô hình BIM do chủ đầu tư dự án quyết định.
Theo các chuyên gia, việc quy định bắt buộc áp dụng BIM theo lộ trình và mức độ chi tiết của mô hình BIM do chủ đầu tư quyết định là phù hợp trong bối cảnh các quy định liên quan đến BIM, đặc biệt là chi phí cho việc áp dụng BIM mang tính tổng thể, chưa thể quy định được chi tiết.
Tại thời điểm ban hành Lộ trình bắt buộc áp dụng BIM theo Quyết định số 258/QĐ-TTg, pháp luật liên quan đến chi phí áp dụng BIM quy định tại điểm d khoản 1 Điều 31 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và tại Phụ lục VIII Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 về ban hành định mức xây dựng. Trong đó, chi phí áp dụng BIM được tính trong chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí áp dụng BIM xác định bằng dự toán chi phí nhưng không quá 50% chi phí thiết kế…
Lý giải về việc chưa có quy định về định mức áp dụng BIM cụ thể mà chỉ có mức trần bằng 50% tổng chi phí thiết kế dự án cho công tác tư vấn, ý kiến các chuyên gia đồng tình với phương án quy định này và cho rằng là phù hợp với quy định với Quyết định số 258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ quy định “nội dung áp dụng và mức độ chi tiết của mô hình BIM do chủ đầu tư dự án quyết định”.
Ý kiến một chuyên gia cho biết, trên thực tế, yêu cầu của mỗi chủ đầu tư là khác nhau, mỗi dự án cũng khác nhau, nên để xây dựng và ban hành được một khung giá chung bảo đảm thống nhất thực hiện trên toàn quốc, đối với toàn bộ các dự án, thật sự là một thách thức rất lớn. Cần có nhiều thời gian hơn để tiếp tục nghiên cứu, theo dõi, đánh giá các công tác trong thực tiễn, mới bảo đảm được độ tin cậy để xây dựng và ban hành định mức.
Sau 1 năm thực hiện Lộ trình bắt buộc áp dụng BIM theo Quyết định số 258/QĐ-TTg, Bộ Xây dựng đang tiếp tục hoàn thiện việc tính toán, xác định và ban hành đầy đủ hệ thống công cụ, chỉ tiêu liên quan đến áp dụng BIM bảo đảm thống nhất trên phạm vi cả nước, trên cơ sở nghiên cứu, theo dõi, đánh giá việc thực hiện trong thời gian dài, trên phạm vi đủ rộng để bảo đảm tin cậy, phù hợp của các công cụ, chỉ tiêu được ban hành… Thời gian tới, sẽ có định mức chi phí áp dụng BIM cho từng công việc cụ thể.