Xây dựng cơ chế điều chỉnh là cần thiết
Theo dự thảo Tờ trình ban hành Nghị định của Bộ Tài chính, hiện có 31/63 địa phương có quỹ nhà, đất giao cho Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà, quản lý tổng số 87.664 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất 23.706.619,0 m2, tổng diện tích sàn là 5.237.139,6 m2.
Loại hình của “Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà”, phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà, phương thức khai thác, xử lý nhà, đất… hiện nay còn có sự khác nhau giữa các địa phương.
TP Hà Nội giao cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Xây dựng, UBND 2 quận/thị xã, 2 doanh nghiệp (100% vốn Nhà nước) quản lý cho các Tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ chức kinh tế của nhà nước thuê hoặc bố trí cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức sử dụng.
TP.HCM, trước ngày 06/6/2013, giao cho Sở Xây dựng, UBND các quận/huyện, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý, kinh doanh nhà Thành phố và các Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích quận/huyện làm đơn vị quản lý, giữ hộ Nhà nước; từ năm 2007, với chủ trương xây dựng mô hình tập trung thống nhất một đầu mối quản lý toàn bộ và quỹ nhà, đất thuộc sở hữu toàn dân do địa phương quản lý, UBND TP.HCM thành lập Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) để tiếp nhận toàn bộ quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố để quản lý vận hành.
Theo Bộ Tài chính, mặc dù pháp luật chuyên ngành có quy định về nguyên tắc quản lý chung cho tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, nhưng chưa có quy định riêng đối với việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất chuyên dùng hiện giao cho các Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý nên thực tế các địa phương còn lúng túng trong công tác quản lý, vận hành, khai thác và xử lý đối với quỹ nhà, đất này.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở nhà, đất sau khi thu hồi hoặc chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý nhưng chưa thể xử lý được ngay do phải điều chỉnh, cập nhật quy hoạch và các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, nếu không đưa vào khai thác sẽ bị bỏ trống, lãng phí, trong khi nhu cầu thuê rất lớn, đặc biệt là cho thuê để thực hiện các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực xã hội hóa, hỗ trợ cơ sở vật chất cho các tổ chức hội đặc thù thuê để làm văn phòng, cơ sở kinh doanh. Vì vậy, việc xây dựng cơ chế để điều chỉnh vấn đề này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Cơ quan nào giúp việc cho UBND tỉnh?
Theo Bộ Tài chính, mục đích xây dựng nghị định nhằm tạo lập hành lang pháp lý góp phần quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả nhà, đất phục vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Việc xây dựng Nghị định sẽ cụ thể hóa các nguyên tắc quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, phù hợp với đặc thù nhà, đất do các địa phương giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.
Tuân thủ các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định của pháp luật khác có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Đặc biệt, quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.
Liên quan đến nội dung quy định về quy định trách nhiệm quản lý nhà nước đối với quỹ nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, Bộ Tài chính đã dự thảo theo hướng (Điều 4 dự thảo Nghị định): UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý quỹ nhà, đất của địa phương giao cho Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác. Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công cấp tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm chủ trì, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với nhà, đất giao cho Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác…
Tuy nhiên, hiện còn có ý kiến khác nhau về vấn đề này, Bộ Tài chính tiếp tục lấy ý kiến các địa phương cho phương án thứ 2 về vấn đề này, quy định theo hướng: UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý quỹ nhà, đất của địa phương giao cho Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác. Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với nhà, đất giao cho Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác.