Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có kế hoạch kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận đạt 4.866,6 tỷ đồng, phương án tăng vốn điều lệ lên 22.690 tỷ đồng và bầu thêm thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) độc lập.
Thích ứng tình hình mới
Báo cáo tại Đại hội, bà Lê Thu Thủy - Tổng giám đốc SeABank cho biết, năm 2021 chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đại dịch COVID-19, nhưng SeABank tiếp tục có những bước tăng trưởng ổn định, hoạt động hiệu quả, kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.268,5 tỷ đồng, tăng 89% so với năm 2020 và hoàn thành 135% kế hoạch 2021;
Tổng tài sản đạt hơn 211.663 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2020. Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) lần lượt là 1,33% và 16,12%; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,65%.
Hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 12.087 tỷ đồng lên 14.785 tỷ đồng trong năm 2021 và lên 16.598 tỷ đồng trong quý I/2022, trở thành một trong 9 ngân hàng TMCP tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Tiếp tục được Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1 và nâng đánh giá triển vọng từ ổn định lên tích cực đồng thời là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam được tổ chức The Banker (Anh) bình chọn là “Ngân hàng của năm 2021”.
Lợi nhuận trước thuế hơn 4.866 tỷ đồng
Theo kế hoạch kinh doanh 2022 được ĐHĐCĐ thông qua, SeABank đặt mục tiêu tổng tài sản dự kiến tăng trưởng 10%; Huy động dự kiến tăng trưởng ròng 22.000 tỷ đồng tương ứng tăng 16% so với năm 2021; tỷ lệ tăng trưởng tín dụng dự kiến tối đa 17%, phụ thuộc vào chấp thuận của NHNNVN, tương đương tăng trưởng ròng 24.000 tỷ đồng so với năm 2021. Năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 4.866,6 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Trong năm 2022 SeABank sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung quản trị rủi ro và kiểm soát tuân thủ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, khai thác tối đa hệ sinh thái đối tác chiến lược, triển khai chiến lược hội tụ số, đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, đặc biệt là số hóa toàn diện các quy trình vận hành trong hoạt động tín dụng, thanh toán, dịch vụ khách hàng…
Đa dạng hóa sản phẩm cho khách hàng, cải thiện và phát triển các khoản thu ngoài lãi, bảo hiểm, ngoại hối... Ngân hàng cũng dự kiến tiếp tục tăng trưởng thu nhập từ phí để ổn định và đa dạng hóa nguồn thu nhập, tập trung vào các loại hình dịch vụ như bảo hiểm, ngoại hối, ngân hàng số và thẻ tín dụng.
Tăng vốn điều lệ lên 22.690 tỷ đồng
Một nội dung quan trọng khác được ĐHĐCĐ thông qua là kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua các hoạt động: Phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn dành cho CBNV của SeABank năm 2022 (ESOP 2022) và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
SeABank dự kiến phát hành 321.100.000 cổ phiếu phổ thông mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, trong đó 211.400.000 cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 12,7%) để trả cổ tức năm 2021 và phát hành 109.700.000 cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 6,6%) cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Như vậy, mỗi cổ đông SSB sẽ được nhận cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tổng tỷ lệ gần 20%.
Với phương án phát hành ESOP 2022, ngân hàng dự kiến phát hành 59.400.000 cổ phiếu cho CBNV. Ngoài ra, tùy theo điều kiện phù hợp với mục tiêu đề ra, SeABank dự kiến chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc chào bán cho cổ đông hiện hữu 228.700.000 cổ phiếu.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ SeABank cũng thông qua việc bầu bổ sung 01 thành viên HĐQT độc lập là ông Mathew Nevil Welch - Thạc sỹ Quản trị kinh doanh Trường Kinh doanh Harvard (Mỹ), có gần 40 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tại chính ngân hàng, nguồn vốn, giám sát tư vấn chiến lược tại các tổ chức tài chính quốc tế như: Ngân hàng Standard Chartered, Ngân hàng HSBC, Ngân hàng Afrasia (Mauritius), Ngân hàng Xacbank (Mông Cổ), Công ty Asia Capital & Advisors (Singapore), Công ty TNHH Tư nhân Thonglor Associates (Singapore)…