Siết chặt kỷ luật tài khóa, phân bổ vốn đầu tư có trọng tâm

07:01 26/02/2024
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu các cơ quan thuộc Bộ Xây dựng siết chặt kỷ luật tài khóa, phân bổ vốn đầu tư tập trung, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2024 đạt tối thiểu 95% kế hoạch…

Siết chặt kỷ luật tài khóa NSNN

Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa ký ban hành Quyết định số 70/QĐ-BXD ngày 29/01/2024 về Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2024 của Bộ Xây dựng. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

THTK, CLP năm 2024 được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP và pháp luật chuyên ngành có liên quan, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể: (1) Trong quản lý, sử dụng kinh phí NSNN; (2) Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; (3) Trong quản lý, sử dụng tài sản công; (4) Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; (5) Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp; (6) Trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động.

Theo đó, trong quản lý, sử dụng kinh phí NSNN, Quyết định số 70/QĐ-BXD giao Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ KHCN&MT, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ và các đơn vị sử dụng NSNN thuộc Bộ thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa NSNN; bảo đảm chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được Quốc hội, Chính phủ thông qua.

Triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bổ sung vốn đầu tư phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế; tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định.

Kiểm soát chặt chẽ công tác lập, phân bổ, quản lý, sử dụng chi NSNN, đặc biệt là các khoản chi mua sắm, sửa chữa tài sản bảo đảm đúng quy định pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả.

Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch tài chính; Văn phòng Bộ và các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thực hiện giảm dần chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN đối với đơn vị sự nghiệp công lập, nâng mức độ tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần chi thường xuyên theo lộ trình. Nâng cao hiệu quả chi NSNN cho đơn vị sự nghiệp công lập để góp phần cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Phân bổ, sử dụng vốn đầu tư tập trung

Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, Quyết định số 70/QĐ-BXD giao Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ VLXD, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Quy hoạch kiến trúc, Cục Phát triển đô thị, Cục Kinh tế xây dựng, BQLDA Đầu tư xây dựng chuyên ngành, Văn phòng Bộ và các đơn vị thuộc Bộ phân bổ, sử dụng vốn đầu tư NSNN bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo đúng quy định của pháp luật; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2024, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn NSNN tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2024.

Bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, dự án chuyển tiếp theo tiến độ.

Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại được bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật.

Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ VLXD, Vụ Quy hoạch kiến trúc, Cục Phát triển đô thị, BQLDA Đầu tư xây dựng chuyên ngành, Cục Kinh tế xây dựng, Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Cục Hạ tầng kỹ thuật và các đơn vị sử dụng NSNN thuộc Bộ siết chặt kỷ cương, kỷ luật đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn.

Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cá nhân, đơn vị được giao với tiến độ thực hiện giải ngân của từng dự án; kịp thời thay thế những cán bộ, công chức, viên chức và người lao động yếu kém hoặc nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ quản lý vốn đầu tư và trong công tác đấu thầu; phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2024 đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao.

Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ VLXD, Vụ Quy hoạch kiến trúc, Cục Phát triển đô thị, BQLDA Đầu tư xây dựng chuyên ngành, Cục Kinh tế xây dựng, Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Viện Kinh tế xây dựng và các đơn vị sử dụng NSNN thuộc Bộ thực hiện nghiêm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư công theo đúng quy định.

Vụ Pháp chế, Cục Kinh tế xây dựng, Viện Kinh tế xây dựng và các đơn vị liên quan hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hoàn thiện các chỉ tiêu như định mức kinh tế - kỹ thuật, chỉ số giá xây dựng, suất đầu tư xây dựng công trình và khung pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng…

Bình luận