Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo TP.HCM chủ trì vào tuần qua, như làn sinh khí mới thổi vào khu vực này, vực dậy niềm tin cho người dân, nhà đầu tư…
Nói phải làm, làm phải đến nơi đến chốn
Phát biểu khai mạc hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, đánh giá hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hóc Môn và Củ Chi mang 3 ý nghĩa.
Một là thực hiện kế hoạch hành động của TP.HCM. Hai là thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội trước đồng bào, cử tri TPHCM, đặc biệt cử tri 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi trước khi ứng cử. Ba là tạo cơ hội để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục thực hiện sứ mệnh, cam kết đồng hành, thực hiện chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế của TP.HCM.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (thứ 2 từ trái qua), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (bìa phải), Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng (thứ 2 từ phải qua) và nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (bìa trái), xem đồ án quy hoạch KĐT Tây Bắc.
Thông điệp của lần xúc tiến đầu tư này, theo Bí thư Thành ủy TPHCM: “Nói phải làm, hứa phải giữ lời; làm phải làm đến nơi đến chốn”. Theo đó, hội nghị xúc tiến đầu tư lần này tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi, sẵn sàng tham gia, thực hiện nhiều dự án có ý nghĩa kinh tế - xã hội rất quan trọng, với quyết tâm tạo ra giá trị cao nhất, góp phần cho sự phát triển, nâng cao chất lượng sống của người dân tại 2 vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa.
“TP.HCM cam kết nỗ lực tối đa, triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất, thời gian nhanh nhất và hiệu quả nhất, với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến làm ăn. Đồng thời, không ngừng nâng cao năng lực phục vụ, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo chuyển biến mới nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại TPHCM” - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam, cho biết doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Nhật Bản dự kiến phát triển mô hình kinh doanh bán lẻ phù hợp với nhu cầu người dân và điều kiện thực tế của từng địa phương, với mong muốn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế xã hội bền vững, thúc đẩy kết nối và tiêu thụ hàng hóa tại địa phương, phát triển các dịch vụ thương mại văn minh và hiện đại cho các khu dân cư, nâng tầm phong cách sống và tạo thêm các cơ hội việc làm cho người dân và đóng góp vào ngân sách địa phương.
Ông Jun Sung Ho, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Lotte Properties TP.HCM, hy vọng tìm thấy những cơ hội đầu tư mới tại khu đô thị Tây Bắc, sẽ tích cực nghiên cứu cơ hội đầu tư cho các dự án được giới thiệu của 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi.
Đại diện cho CMIA Capital Partner và Surbana Jurong, ông Ken Chan thông tin về dự án “Đô thị sinh thái nông nghiệp thực phẩm công nghệ cao” tại xã Trung An, huyện Củ Chi. Đây là dự án đã được nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát từ năm 2018 với diện tích hơn 1.018ha.
Mục tiêu của dự án là hình thành khu đô thị sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm (300ha); khu logistics, kết nối vùng (Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai) nguyên vật liệu chế biến nông nghiệp - thực phẩm khép kín; khu đô thị sinh thái gần gũi thiên nhiên, cân bằng sinh thái, đáp ứng mức dân số 100.000 người là chuyên gia, công nhân lao động, dịch vụ thương mại và dân cư trong vùng; tạo ra doanh thu mỗi năm khoảng 2 tỷ USD và tạo việc làm ổn định cho hơn 50.000 lao động.
Kỳ vọng khu đô thị sinh thái, thông minh
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT), thông tin 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi chiếm hơn 26% tổng diện tích TPHCM, gần trọn lãnh thổ của TP hướng Tây Bắc. Trong đó, khu đô thị Tây Bắc được định hướng là cực tăng trưởng quan trọng phía Bắc. Đây là khu vực có địa hình cao ráo, bằng phẳng, có hệ sinh thái tự nhiên và cảnh quan đẹp, đa dạng. Gần đó có cửa khẩu Mộc Bài, hồ Dầu Tiếng, chuỗi đô thị Tân An - Thủ Dầu Một - Lái Thiêu…
Để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và đáp ứng nhu cầu phát triển của TP, phải định hướng mở rộng phạm vi đô thị hóa Hóc Môn và Củ Chi theo lộ trình bền vững, ổn định và hướng đến phát triển lên quận hoặc TP thuộc TP.HCM.
Giám đốc Sở QH-KT cho biết, trong tương lai đây sẽ là những trung tâm tài chính, dịch vụ, công nghiệp, nghiên cứu khoa học nông nghiệp, y tế, giáo dục, thể thao, các dự án dân cư được thiết kế bài bản.
“Trong định hướng điều chỉnh quy hoạch sắp tới, cần dành diện tích đất thỏa đáng cho nông nghiệp và du lịch sinh thái, phát triển Củ Chi thành vành đai xanh của TP. Không để tình trạng đô thị hóa tự phát, xây cất tự phát. Giữ hành lang ven sông, đặc biệt là hành lang ven sông Sài Gòn” - ông Nhã nói.
Cũng theo ông Nhã, TP sẽ xây dựng Củ Chi và Hóc Môn là nơi có không gian văn hóa đặc trưng, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, tiến đến có những bước đô thị hóa mạnh mẽ, trở thành TP, quận mới thuộc TP theo lộ trình hợp lý.
Cùng với đó, hệ thống giao thông, tuyến đường bộ, tuyến cao tốc TP.HCM - Tây Ninh và các tuyến đường sông, các tuyến xe buýt kết nối các địa điểm tham quan, du lịch... sẽ được đầu tư phát triển và hoàn thiện. Đầu tư phát triển 2 địa bàn này rất cần thiết và có nhiều triển vọng, đó là đánh thức đúng lúc tiềm năng của khu vực phía Bắc TP vốn dĩ như của để dành.
Thông tin về quy hoạch giao thông, Giám đốc Sở Giao thông -Vận tải Trần Quang Lâm, cho biết Hóc Môn và Củ Chi là địa bàn được nhiều lợi ích trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của TP. Đây là nơi xây dựng đường vành đai 3, 4. Các dự án giao thông này cùng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giúp TPHCM và tỉnh Tây Ninh kết nối với các tỉnh và nước bạn Campuchia.
TP.HCM cam kết nỗ lực tối đa, triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất, thời gian nhanh nhất và hiệu quả nhất, với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến làm ăn. Đồng thời, không ngừng nâng cao năng lực phục vụ, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo chuyển biến mới nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại TP.HCM. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên |
Nguồn: Báo SGGP