Sớm có hướng dẫn tạm thời để địa phương bổ sung quy hoạch về trạm/trụ sạc điện

13:08 12/08/2024
Bộ Xây dựng được giao phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố sớm có hướng dẫn tạm thời để các địa phương bổ sung quy hoạch về trạm/trụ sạc điện trong xây dựng đô thị, hạ tầng giao thông.

Trong tuần từ ngày 6 - 11/8, lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc có một số tin tức đáng chú ý như: (1) Bổ sung quy hoạch về trạm/trụ sạc điện trong xây dựng đô thị, hạ tầng giao thông; (2) Công nhận đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I; (3) Công nhận TP Đông Hà là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Quảng Trị; (4) Công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV; (5) Nam Định chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại bốn trung tâm đô thị lớn.

Sau đây là thông tin cụ thể:

Bổ sung quy hoạch về trạm/trụ sạc điện trong xây dựng đô thị, hạ tầng giao thông

Ngày 06/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành về triển khai chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc xe điện.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng trao đổi về việc lồng ghép hệ thống trạm/trụ sạc điện vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, nội dung trên đã được lồng ghép vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn; đồng thời hướng dẫn quy trình kỹ thuật lắp đặt trạm/trụ sạc điện bảo đảm an toàn công trình hiện hữu.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi sang phương tiện giao thông dùng điện, nhiên liệu xanh.

Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố sớm có hướng dẫn tạm thời cho chính quyền địa phương bổ sung quy hoạch về trạm/trụ sạc điện trong xây dựng đô thị, hạ tầng giao thông", đồng thời cần có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư trạm/trụ sạc điện về đất đai, quy hoạch, thuế, phí.

Công nhận đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I

Tuần qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 795/QĐ-TTg công nhận đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I.

Phạm vi đô thị Thanh Hóa gồm toàn bộ địa giới hành chính của TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn hiện hữu, có tổng diện tích tự nhiên là 228,214 km2. 

Khu vực nội thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính của 30 phường thuộc TP Thanh Hóa, 2 xã thuộc TP Thanh Hóa dự kiến thành lập phường (xã Hoằng Quang và xã Hoằng Đại), 1 thị trấn và 1 xã thuộc huyện Đông Sơn dự kiến thành lập phường (thị trấn Rừng Thông và xã Đông Thịnh), có tổng diện tích tự nhiên là 147,627 km2. 

Khu vực ngoại thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính của 2 xã thuộc TP Thanh Hóa và 12 xã thuộc huyện Đông Sơn, có tổng diện tích tự nhiên là 80,587 km2.

Công nhận TP Đông Hà là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Quảng Trị

TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Ảnh internet.

Ngày 08/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 813/QĐ-TTg công nhận TP Đông Hà là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Quảng Trị.

Phạm vi bao là toàn bộ địa giới hành chính TP Đông Hà, gồm 9 phường, tổng diện tích tự nhiên là 73,09 km2.

Trước đó, vào ngày 25/7 vừa qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án phân loại TP Đông Hà là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Quảng Trị.

Hội đồng đánh giá đã nhất trí bỏ phiếu thông qua Đề án phân loại TP Đông Hà đạt tiêu chí đô thị loại II.

Công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV

Ngày 02/8, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 750/QĐ-BXD công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Theo đó, phạm vi đánh giá phân loại đô thị là toàn bộ ranh giới hành chính hiện trạng của huyện Phong Điền, diện tích khoảng 945,66km², bao gồm 16 đơn vị hành chính cấp xã.

Khu vực nội thị dự kiến có diện tích là 196,77 km, có ranh giới gồm 09 đơn vị hành chính cấp xã.

Trong khi đó, tại Quyết định số 751/QĐ-BXD, Bộ Xây dựng công nhận khu vực dự kiến thành lập các phường trên địa bàn đô thị Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với phường của đô thị loại IV.  

Nam Định chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại bốn trung tâm đô thị lớn

Mục tiêu đến năm 2030, hệ thống đô thị tỉnh Nam Định có 26 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45-50%. Ảnh: Reatimes.vn

Ngày 09/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 816/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đối với các dự án đầu tư công, ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng.

Để thu hút đầu tư phát triển, Nam Định sẽ nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư. 

Bình luận