Sáng 28/8, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).
Đề nghị bổ sung quy định về thiết bị truyền tin báo sự cố
Tại Hội nghị, các ĐBQH tập trung thảo luận vào các nội dung: Chính sách của Nhà nước về PCCC&CNCH (Điều 4); Trách nhiệm PCCC&CNCH (Điều 6, nay là Điều 7); Phòng cháy đối với nhà ở (Điều 17, nay là Điều 18 và Điều 19); Phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện (Điều 20, nay là Điều 22); Nguồn tài chính và bảo đảm điều kiện cho hoạt PCCC&CNCH (Chương VII)...
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu quan điểm, khi lập, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế xây dựng mới, thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo công trình phải có giải pháp, thiết kế về PCCC phù hợp với công năng, đặc điểm của công trình và bảo đảm các yêu cầu từ điểm a đến điểm g của Điều 15.
Việc trang bị thiết bị truyền tin báo sự cố cũng cần được bố trí, thiết kế từ ban đầu để đảm bảo thông tin báo sự cố (cháy, tai nạn; báo lỗi của hệ thống thiết bị báo cháy) của các cơ sở được thực hiện thông qua thiết bị truyền tin báo sự cố đến hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC của cơ quan Công an kịp thời.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, tại khoản 1 Điều 15 của dự thảo Luật, bổ sung thêm 1 điểm về quy định về thiết bị truyền tin báo sự cố. Việc bổ sung quy định này tại Luật là phù hợp với thực tế và quy định hiện hành tại Điều 11 Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an.
Phát huy công nghệ hiện đại để cứu người trong nhà cao tầng
Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn trong công tác PCCC&CNCH, đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho rằng, Chính phủ cần sớm điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn - quy chuẩn kỹ thuật để đáp ứng với sự phát triển nhanh của lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng, phát huy công nghệ hiện đại để giải quyết tốt những yếu tố bất lợi trong việc thoát nạn, cứu người trong nhà cao tầng.
Cụ thể như: tăng cường trang bị hoặc có chính sách trợ giá, chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học trong nước, phát minh thêm nhiều tính năng của Robot - điều khiển từ xa trong chữa cháy, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng PCCC&CNCH, bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia chữa cháy trong những vụ việc nguy hiểm.
Ngoài ra, Chính phủ cần tăng cường biện pháp chế tài đối với các công trình vi phạm, các yêu cầu an toàn về PCCC, đặc biệt là trong việc thực hiện những quy định; trong công tác quy hoạch, xây dựng, thẩm định và nghiệm thu công trình. Mặc dù Điều 14 đã quy định về PCCC khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch xây dựng nhưng cần được nghiên cứu bổ sung đề hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận tại tổ (ngày 19/6/2024) và thảo luận tại hội trường (ngày 27/6/2024) về dự án Luật PCCC&CNCH; đã có 124 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến. Tổng hợp ý kiến thảo luận của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7, hầu hết ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật.