UBND TP Hà Nội vừa công bố Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, với diện tích gần 11.000 ha và Đồ án Quy hoạch phân khu sông Đuống, tỷ lệ 1/5.000, đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng, với diện tích 1.152 ha.
Theo đồ án, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch trong không gian thoát lũ từ đê cấp 1 (tả ngạn) tới đê cấp đặc biệt (hữu ngạn) hiện có dựa trên ba nguyên tắc chính: Không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới.
Không thu hẹp không gian thoát lũ, không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ (không gian thoát lũ theo đê mới trong không gian thoát lũ theo đê cũ) và không làm thay đổi mục tiêu và tiêu chuẩn phòng, chống lũ của hệ thống sông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phân khu đô thị sông Hồng là trục không gian đặc trưng với cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm. Phát triển hệ thống giao thông và đầu mối hạ tầng kỹ thuật để cải thiện điều kiện sống khu vực ngoài đê, đặc biệt là hệ thống đường trục và hệ thống mạng lưới đường ven sông, đường cảnh quan, tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp; liên kết đô thị hai bên sông, giao thông đường bộ và đường thủy, tạo điều kiện và động lực phát triển cho khu vực và TP.
Theo đó, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là cơ sở pháp lý để thực hiện cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông Hồng.
Còn quy hoạch phân khu sông Đuống được xác định là khu vực đặc thù, tuân thủ các yêu cầu của Luật Đê điều, đoạn sông có hệ thống đê tiêu chuẩn cao để ổn định dòng chảy, chống ngập lụt; tăng khả năng phân lũ của sông Hồng kết hợp cải tạo giao thông đường thủy để liên kết với mạng lưới vùng. Bổ trợ cho cảnh quan trung tâm khu vực phía bắc sông Hồng, là nơi bố trí các công trình đầu mối đường thủy, hành lang sinh thái, cây xanh phòng hộ.
Đồng thời là khu vực có quỹ đất để khai thác phát triển hai bên sông theo hướng cây xanh sinh thái, kết hợp du lịch, bảo tồn và duy trì cảnh quan thiên nhiên tạo lập bộ mặt cho các phân khu đô thị, kết hợp cải tạo chỉnh trang, tái thiết làng xóm dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị và dự kiến phát triển hệ thống đường ven sông; cầu nối kết đô thị hai bên sông, tạo động lực phát triển cho khu vực.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu sông Đuống nhằm cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Đây là các đồ án quy hoạch quan trọng, được sự quan tâm của nhân dân và các cấp, các ngành; góp phần cơ bản hoàn thành phủ kín 100% quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.
Để các đồ án quy hoạch phân khu đô thị nêu trên triển khai đi vào thực tiễn ngay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh giao Sở Quy hoạch - kiến trúc kiểm tra, xác nhận hồ sơ, bản vẽ và quy định quản lý theo các đồ án quy hoạch phù hợp với nội dung các quyết định của UBND TP; lưu trữ hồ sơ quy hoạch theo quy định; không để phát sinh thêm về diện tích đất ở ngoài quy hoạch.
Theo số liệu thống kê, trong phạm vi quy hoạch hai bên sông Hồng hiện có khoảng 243.670 người (khoảng 66.195 hộ), hai bên sông Đuống có khoảng 14.000 người (khoảng 3.808 hộ). Các đồ án quy hoạch phân khu đã xác định rõ các yếu tố hạ tầng cơ bản để cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quyết định số 257/QĐ-TTg) và Văn bản số 4409/BNN-PCTT ngày 14/7/2021 của Bộ NN&PTNT; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông.