Kinh tế xây dựng

Sớm đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại, thông minh

Sớm đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại, thông minh

Minh Thu Minh Thu - 09:03, 26/10/2023

Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du, miền núi Bắc bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội.

Quy hoạch tỉnh - nền tảng cho sự phát triển 

Ngày 15/4/2023, Thái Nguyên đã tổ chức công bố Quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, toàn diện trên mọi lĩnh vực; chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh liên kết vùng, chuyển đổi số nhằm đưa Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc. 

Cụ thể, đến năm 2025, Thái Nguyên sẽ là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ. 

Theo Quy hoạch, TP Thái Nguyên sẽ được xây dựng trở thành cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội. 

Về kinh tế, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; quy mô kinh tế đạt khoảng 13,5 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 45 tỷ USD. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60%; dịch vụ chiếm khoảng 32,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,2%.

GRDP bình quân/ người đạt khoảng 8.900 USD (giá hiện hành). Tỷ lệ lao động theo ngành kinh tế: Ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 37%; ngành nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 27%; ngành dịch vụ chiếm 36%. 

Mục tiêu đến năm 2050, phấn đấu xây dựng TP Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng và là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của Vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư 

Sau Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã xác định rõ những nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội...

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhìn nhận: Quy hoạch tỉnh là cơ sở quan trọng, "kim chỉ nam" để các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn tỉnh.

Để Quy hoạch tỉnh sớm đi vào cuộc sống, tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, ngành.

Đồng thời, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành về đất đai, xây dựng bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh và theo đúng các quy định của pháp luật.

Tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường công tác bảo vệ môi trường…

Trong tháng 5/2023, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện công bố công khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, công khai các bản đồ, đồ án quy hoạch tất cả lĩnh vực để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đều có thể tra cứu, tìm hiểu một cách thuận tiện. 

   

Việc công khai rộng rãi Quy hoạch, bản đồ, đồ án quy hoạch giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt và giám sát quá trình triển khai thực hiện. Doanh nghiệp cũng có điều kiện tìm hiểu đầy đủ hơn tiềm năng, lợi thế cũng như định hướng phát triển lâu dài của tỉnh, để từ đó có những quyết định đầu tư.

Theo đánh giá của Giám đốc Sở KH&ĐT Thái Nguyên Hà Văn Đương, với chiến lược phát triển toàn diện, có trọng điểm, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên là nền tảng để kiến tạo cơ hội, đưa kinh tế tỉnh tăng tốc toàn diện, nhất là trong thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng. 

Thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Vùng Thủ đô Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245 ha. Trong đó, có 1 khu công nghệ thông tin tập trung; quy hoạch 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067 ha để “đón đầu” nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo với các nhóm ngành chuyên môn hóa cao. Phát triển các cụm ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử và sản xuất kim loại, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường.

Những định hướng và giải pháp liên quan đến phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư được nêu trong Quy hoạch, sẽ góp phần củng cố năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của Thái Nguyên. 

Đặc biệt, việc triển khai có trọng tâm, trọng điểm các nội dung của quy hoạch sẽ giúp Thái Nguyên phát huy được lợi thế vị trí trung tâm vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong thu hút FDI. 
Thái Nguyên được biết đến là khu vực có tiềm năng, thế mạnh lớn về vị trí địa lý, tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, do đó, đây cũng là một trong những lợi thế hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn nước ngoài. 

Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, vị thế Vùng đã giúp Thái Nguyên định vị rõ hơn, biến lợi thế tiềm năng thành lợi thế hiện thực, thành một trung tâm công nghiệp công nghệ cao, mà nền tảng cốt lõi chính là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. 

Với định hướng và giải pháp liên quan đến phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư được nêu trong Quy hoạch sẽ góp phần củng cố năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh Thái Nguyên. 

Tỉnh Thái Nguyên đang sở hữu đầy đủ các yếu tố cần thiết để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Tiềm năng, lợi thế và chính sách thu hút đầu tư là rõ ràng. Tất cả đang rộng mở đón chào các dòng vốn đổ về, để từ đó hiện thực hóa các mục tiêu mà tỉnh đã đề ra.

Ý kiến của bạn