Sớm hoàn thiện các quy định pháp luật để thu hồi tài sản tham nhũng

08:55 11/10/2024
Công tác thu hồi tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là thước đo của hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, tiêu cực trong tình hình hiện nay.
Sớm hoàn thiện các quy định pháp luật để thu hồi tài sản tham nhũng
Tòa nhà Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở đường Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM). Ảnh: Hoàng Hùng

Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Thanh Sang, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, về những thách thức, giải pháp trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại TP.HCM.

Thách thức việc truy nguyên nguồn gốc tài sản 

* Phóng viên: Trong quá trình thực hiện công tác thu hồi tài sản tham nhũng, TP.HCM đã gặp phải những khó khăn và thách thức nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Thanh Sang: Một trong những thách thức lớn là việc đối tượng phạm tội hầu hết là người có trình độ chuyên môn, có chức vụ, quyền hạn, am hiểu pháp luật, đồng thời, do có chủ đích từ trước nên khi thực hiện hành vi phạm tội đã có sự chuẩn bị, che giấu tinh vi, xóa chứng từ tài liệu, sổ sách hoặc sử dụng tài sản chiếm đoạt chuyển cho nhiều người khác nhau để tẩu tán… Điều này dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn trong việc truy nguyên nguồn gốc tài sản để thu hồi.

Đồng chí Nguyễn Thanh Sang, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM

Tội phạm về tham nhũng, kinh tế phần lớn xảy ra trong các ngành, lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, đất đai, đầu tư, xây dựng…; trong khi đó, để có căn cứ xử lý thì cần phải xác định sai phạm và thiệt hại thông qua các thủ tục giám định, định giá rất phức tạp, mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế, như chưa có điều khoản quy định về việc phải xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được về nguồn gốc tài sản; chưa có quy định cụ thể về cơ chế thu hồi tài sản sớm trong giai đoạn phát hiện, kiểm tra, thanh tra, giải quyết nguồn tin.

* Thời gian qua, TP.HCM đã quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là về công tác thu hồi tài sản ra sao?

* Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo; Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM cũng đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp tăng cường mối quan hệ phối hợp, tổ chức thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan khi thực hiện công tác thu hồi tài sản, đưa công tác thu hồi tài sản là một trong những thước đo trong thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị.

Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị 30-CT/TU ngày 04-01-2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

"Việc nâng cao công tác thu hồi tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là thước đo hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, tiêu cực trong tình hình hiện nay, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng"

Đồng chí Nguyễn Thanh Sang, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM.

* Đồng chí đánh giá công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thu hồi tài sản hiện nay như thế nào?

* Từ khi Chỉ thị 30-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM được triển khai thực hiện đã góp phần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, các sở, ngành liên quan; hạn chế tình trạng không lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, dẫn đến chậm trễ, né tránh, đùn đẩy, không làm hết trách nhiệm, không công tâm, khách quan khi thực hiện nhiệm vụ thu hồi tài sản.

Đồng thời, hạn chế tình trạng chậm cung cấp thông tin, tài liệu liên quan làm ảnh hưởng đến hoạt động thu hồi, hoặc không ngăn chặn, chậm ngăn chặn tài sản cần thu hồi giữa các đơn vị; qua đó tránh việc tài sản bị tẩu tán, thất thoát, chậm thi hành án kéo dài, gây thiệt hại cho Nhà nước, tập thể và cá nhân.

Ứng dụng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về tài sản

* Những giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới như thế nào, thưa đồng chí?

* Cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; quán triệt, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ thực thi.

Đồng thời, xác định công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra các vụ việc, vụ án có thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, kịp thời áp dụng các biện pháp thu hồi triệt để, tránh tình trạng tẩu tán, gây thất thoát tài sản cho Nhà nước; chú trọng xác minh, áp dụng các quy định của pháp luật trong hợp tác quốc tế khi thu hồi tài sản có dấu hiệu chuyển dịch, tẩu tán ra nước ngoài.

* Vậy vai trò đội ngũ cán bộ và công tác tuyên truyền là rất quan trọng?

* Tôi cho rằng, từng đơn vị thực hiện các giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn bộ máy; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức chuyên ngành... nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị có chức năng phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án dân sự. Đồng thời, bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức này đủ số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự liêm chính, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng và khen thưởng, động viên kịp thời tập thể, cán bộ của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng và người dân có thành tích xuất sắc trong thu hồi tài sản tham nhũng.

Song song đó, rà soát, kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản, đề xuất việc nhanh chóng đưa vào ứng dụng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về tài sản để phục vụ hoạt động xác minh, truy tìm tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

* TS, Luật sư Hà Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM:

Các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng tập trung việc thu hồi tài sản trong các vụ án chiếm đoạt, tham nhũng.

Bên cạnh đó, rất cần thiết lập một hệ thống cơ sở dữ liệu kiểm soát biến động tài sản; có cơ chế xử lý tài sản, thu nhập và có cơ chế khuyến khích để các cơ quan thu hồi được nhiều tài sản tham nhũng nhằm tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cũng như nâng cao hiệu quả việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

* ThS Hồ Quân Chính, Trưởng Bộ môn đào tạo các chức danh thi hành án dân sự, thuộc Cơ sở tại TP.HCM của Học viện Tư pháp:

Để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, thì chúng ta cần có sự kết hợp đồng bộ từ nhiều giải pháp khác nhau, như cải thiện cơ chế pháp lý, tăng cường năng lực thực thi, cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Trong đó, cần xây dựng cơ chế để cán bộ, công chức kê khai tài sản một cách minh bạch và bắt buộc công khai để người dân, báo chí, các tổ chức độc lập có thể giám sát. Về chính sách xã hội, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, chúng ta cũng phải có những cơ chế để bảo vệ và khuyến khích người dân, báo chí tham gia vào quá trình giám sát, phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng.

 Nguồn: sggp.org.vn

Bình luận