Sáng 01/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn kỹ thuật an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hạn chế ở công trường xây dựng”.
Tham dự Hội thảo có ông Ngô Lâm - Phó Cục trưởng Cục Giám định NN về CLCTXD (Bộ Xây dựng) cùng đại diện cho các Bộ, ngành, Công đoàn Xây dựng Việt Nam, các hiệp hội, hội, các trường đại học, viện nghiên cứu; đại diện các chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn thiết kế, giám sát và các nhà thầu thi công xây dựng.
Tầm quan trọng của công tác an toàn trong xây dựng
Theo báo cáo tại Hội thảo, những năm qua Bộ Xây dựng đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành để nghiên cứu, xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về ATLĐ trong Tiêu chuẩn xây dựng (Hiện nay pháp luật về ATLĐ trong Tiêu chuẩn xây dựng gồm Luật Xây dựng 2014, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, 03 Nghị định, 06 Thông tư), quy định chi tiết các nội dung về ATLĐ trong hệ thống các văn bản pháp luật từ khâu thiết kế đến công tác tổ chức, giám sát thi công và quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng; với chính sách về ATLĐ được xây dựng, ban hành theo hướng chủ động phòng ngừa là chính; đồng thời ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến ATLĐ và phòng chống cháy, nổ trong xây dựng.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã tham gia soạn thảo, góp ý nhiều văn bản quy phạm pháp luật gồm Luật An toàn, vệ sinh lao động, các nghị định và nhiều thông tư do Bộ LĐ-TB&XH và các Bộ, ngành chủ trì biên soạn, trình ban hành, ban hành có liên quan đến công tác ATLĐ trong Tiêu chuẩn xây dựng.
Để đảm bảo các quyền lợi hợp pháp, tối thiểu cho hàng triệu người lao động làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong ngành Xây dựng (ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động) theo quy định, Bộ Xây dựng chủ động rà soát, xây dựng Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (Danh mục) trong lĩnh vực xây dựng từ giai đoạn 1995-2020; phối hợp với Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) để xây dựng, trình ban hành 02 Thông tư ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong đó tăng 43 nghề, công việc trong lĩnh vực xây dựng so với giai đoạn năm 1995-2020.
Hàng năm, Bộ Xây dựng ban hành theo từ 2-5 văn bản, chỉ thị, hướng dẫn tăng cường công tác quản lý ATLĐ trong Tiêu chuẩn xây dựng, đề nghị UBND các tỉnh, các Sở Xây dựng, các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chỉ đạo, hướng dẫn các chủ thể hoạt động xây dựng tuân thủ các quy định về ATLĐ, tổ chức Tháng hành động về ATLĐ trong lĩnh vực xây dựng; tăng cường các biện pháp đảm bảo về ATLĐ.
Tại Hội thảo, ông Ngô Lâm - Phó Cục trưởng Cục Giám định NN về CLCTXD khẳng định, thời gian qua Bộ Xây dựng luôn chú trọng đến công tác xây dựng và hoàn thiện các quy định hướng dẫn về an toàn trong xây dựng, nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng, sức khỏe cho người lao động, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển bền vững và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Phó Cục trưởng Ngô Lâm cho biết, hiện nay, Bộ Xây dựng đã ban hành QCVN 18:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong thi công xây dựng, trong đó quy định việc thực hiện đảm bảo an toàn đối với làm việc trên cao và làm việc trong không gian hạn chế ở công trường xây dựng.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn Bộ Xây dựng, hiện nay các nước phát triển (châu Âu, Anh, Mỹ, Nhật, Singapore,...) đều có các tài liệu kỹ thuật chuyên sâu, hướng dẫn chi tiết, cụ thể một số công việc xây dựng có nguy cơ mất an toàn cao. Mặt khác, theo thống kê, các tai nạn lao động chủ yếu tập trung vào các nhóm công việc liên quan đến: làm việc trên cao; làm việc trong không gian hạn chế; sử dụng giàn giáo; và sử dụng máy, thiết bị thi công.
Vì vậy, các hướng dẫn dưới dạng chỉ dẫn kỹ thuật chuyên sâu là rất cần thiết để áp dụng trong thực tế và để cụ thể hóa các nội dung có liên quan quy định trong Quy chuẩn về An toàn trong thi công xây dựng.
Để giảm thiểu sự cố, tai nạn lao động và đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã phê duyệt nhiệm vụ xây dựng 02 Tài liệu ”Hướng dẫn kỹ thuật an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hạn chế ở công trường xây dựng” do Cục Giám định NN về CLCTXD (Bộ Xây dựng) chủ trì soạn thảo.
Phó Cục trưởng Ngô Lâm mong muốn Hội thảo sẽ nhận được những đề xuất, ý kiến đóng góp để Dự thảo Hướng dẫn an toàn sớm hoàn thiện được áp dụng trong thực tiễn.
Tại Hội thảo, TS Lê Trường Giang - Phó Trưởng phòng Quản lý an toàn xây dựng Cục Giám định NN về CLCTXD đã báo cáo 02 dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hạn chế ở công trường xây dựng.
Theo đó, các hướng dẫn kỹ thuật chỉ dẫn sẽ giúp người có thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ/công việc liên quan đến bảo vệ, kiểm tra, kiểm soát, quản lý, giám sát/chỉ huy, cấp phép ra, vào hoặc làm việc và các nhiệm vụ/công việc xây dựng khác khi có người lao động ra, vào hoặc làm việc ở trên cao, trên mái nhà, mái dốc hoặc trong không gian giới hạn ở công trường xây dựng thông qua: Quản lý rủi ro; Lập và thực hiện kế hoạch làm việc an toàn; Hệ thống “Cấp phép làm việc”.
Nhận diện và quản lý rủi ro
Theo dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hạn chế, việc nhận diện yếu tố nguy hiểm và đánh giá rủi ro là những công cụ cơ bản để xác định các nguy cơ liên quan đến các loại công việc/nhiệm vụ tại các khu vực làm việc ở công trường, đánh giá mức độ rủi ro của chúng để thiết lập và thực hiện các biện pháp kiểm soát phù hợp.
Việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động trên cao và trong không gian giới hạn là việc phân tích, nhận diện nguy cơ và tác hại của yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, nhằm chủ động phòng, ngừa tai nạn lao động hoặc giảm thiểu nguy cơ rủi ro.
Do đó, người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá và hướng dẫn người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động trước khi làm việc, thường xuyên trong quá trình lao động hoặc khi cần thiết. Việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động phải được áp dụng bắt buộc và đưa vào trong nội quy, quy trình làm việc theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào kết quả đánh giá rủi ro, người sử dụng lao động phải thông báo, hướng dẫn cho cho tất cả những người ra vào, làm việc trực tiếp và những người liên quan các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, có hại, các nguy cơ rủi ro khi vào làm việc. Người quản lý/giám sát cần thông báo cho người lao động về các công việc/nhiệm vụ sẽ được thực hiện; và các mối nguy hiểm, có hại liên quan đến an toàn, sức khỏe ảnh hưởng đến họ và bản chất của các rủi ro liên quan.
Để đưa ra các biện pháp kiểm soát được thực hiện đảm bảo an toàn; tuân thủ các quy tắc và quy định chung về an toàn; Việc sử dụng các phương tiện/thiết bị bảo vệ cá nhân; Thực hiện theo Hướng dẫn được kèm theo khi thực hiện cấp phép làm việc; Phát hiện và báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm về nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây sự cố, tai nạn….
Ban hành hướng dẫn kỹ thuật an toàn
Theo dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật khi làm việc trên cao, yêu cầu người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ phương tiện đảm bảo an toàn.
Việc lập kế hoạch cung cấp/lắp đặt/bố trí lối ra vào phù hợp cần tính đến các dụng cụ, thiết bị mà người lao động mang theo (theo yêu cầu công việc) cũng như các khu vực được phép đi lại an toàn trên công trường.
Đảm bảo an toàn khi lên, xuống mái nhà, mái dốc, khi phải tiếp cận lên nóc/đỉnh các vật thể (như xe, máy, công ten nơ, thùng, bể chứa), người sử dụng lao động cần cung cấp các phương tiện hoặc thiết bị để cho phép người lao động làm việc như làm việc trên mặt đất (Ví dụ: lắp đặt các lối đi trên nóc các vật thể cho mục đích kiểm tra để loại bỏ nhu cầu trèo lên nóc vật thể; Đối với những công việc làm trên cao phải sử dụng các loại giàn giáo, để tạo ra chỗ làm việc cho công nhân, tùy theo dạng công việc và độ cao để chọn loại giàn giáo sử dụng cho phù hợp.
Nơi nào không sử dụng được giàn giáo, sàn thao tác hoặc trên sàn không có lan can thì công nhân phải được trang bị dây đeo an toàn. Tất cả các lỗ trống trên sàn công trình, trên sàn thao tác, các giếng trời phải được bao che, lan can che chắn và biển báo phù hợp….
Theo Hướng dẫn kỹ thuật an toàn trong không gian hạn chế, trước hết cần đánh giá nhu cầu, yêu cầu việc kiểm tra các thành phần của hệ thống làm việc để đảm bảo an toàn, sẵn sàng trước khi cho phép người vào hoặc làm việc trong không gian hạn chế. Đây là môi trường làm việc nguy hiểm nhiều rủi ro nên không ai được phép vào bên trong không gian hạn chế nếu chưa được cấp phép, chấp thuận bởi người có thẩm quyền.
Việc cấp phép xây dựng quy định thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cụ thể (bên trong không gian giới hạn) và những người thực hiện các công việc liên quan đến các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn cần thiết (Ví dụ: thực hiện việc cách ly, kiểm tra không khí, ứng phó trong tình huống khẩn cấp,...).
Một hệ thống cấp phép vào một không gian hạn chế phải được thiết lập và thực hiện đúng quy trình. Việc cấp phép vào không gian hạn chế phải đảm bảo các nội dung, công việc trong không gian hạn chế được thực hiện với sự xem xét, đánh giá cẩn trọng về an toàn và sức khỏe của người thực hiện nhiệm vụ; Tất cả những người thực hiện nhiệm vụ phải được thông báo rõ ràng về các mối nguy hiểm liên quan đến nhiệm vụ của họ trong không gian hạn chế đó;...
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận về các tồn tại của hệ thống pháp luật, hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn về ATLĐ liên quan đến an toàn trong xây dựng. Đồng thời đóng góp ý kiến, đề xuất hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hạn chế ở công trường xây dựng, để dự thảo sớm được ban hành, áp dụng có hiệu quả, góp phần hỗ trợ cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng quản lý, kiểm tra, tổ chức thực hiện công tác ATLĐ.