Kiên định thực hiện quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều
Tháng 6/2023, sông Hồng, sông Đà cạn nước. Mực nước xuống thấp tới mức Nhà máy Nước sông Đà phải dùng trạm bơm dã chiến để khai thác.
Tháng 11/2023, Khu đô thị Thanh Hà có gần 2 vạn dân không có nước sạch, TP phải dùng xe chở nước tới giải cứu. Các vùng sản xuất nông nghiệp quanh Hà Nội nhiều năm nay khai thác nước ngầm để trồng hoa, tưới rau vì nước sông Hồng xuống thấp, trạm bơm không thể hoạt động, trong khi thủy lợi nội đồng xuống cấp. Những thách thức, khó khăn nêu trên đòi hỏi công tác quy hoạch Thủ đô Hà Nội cần nhận diện, có giải pháp phù hợp với hiện tại, đồng thời đáp ứng được những thách thức do biến đổi khí hậu trước mắt và lâu dài.
Trong Luật Thủ đô năm 2024, có nội dung quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước với sông Hồng. Điều 17 Luật Thủ đô năm 2024 nêu: “Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy”.
Liên quan thực thi nội dung này có quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi; quy hoạch phòng, chống lũ; quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đáy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để bảo đảm lưu thông dòng chảy, Khoản 3 Điều 32 Luật Thủ đô năm 2024 đã liệt kê các công trình gây cản trở dòng chảy cần loại bỏ.
Diễn giải những quy định này theo quy luật vật lý thông thường thì các không gian, công trình phục vụ mục đích công cộng được hiểu chỉ là giữ nguyên cao trình hiện trạng, không tôn cao, san lấp mà chỉ tạo ra những bề mặt bằng phẳng hay những chi tiết kiến trúc nhỏ, có độ mảnh, không tạo nên những khối tích bất kỳ kích thước nào để bảo đảm dòng chảy được lưu thoát. Những quy định của Luật Thủ đô năm 2024 cũng loại bỏ những nội dung trái với quy hoạch đê điều và Luật Thủ đô cũng có trong dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội.
Quy hoạch phòng, chống lũ, quy hoạch đê điều đã được thực hiện rất kiên định. “Vụ án đê Yên Phụ” (năm 1995) đã phá bỏ hơn 200 ngôi nhà xây dựng trái phép, cũng như xử lý các cán bộ liên quan... Đã gần 30 năm qua, có không ít đề xuất giải pháp quy hoạch khu vực ngoài đê sông Hồng. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, chưa phương án nào triển khai trên thực tế do gặp nhiều vướng mắc về quy hoạch. Quy hoạch Thủ đô có nhiều điểm mới nhưng vẫn phải phù hợp với quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan.
Nhiều thách thức lớn được hóa giải
Ngày 20/6/2024, thảo luận ở hội trường Quốc hội về quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường, người tham gia xây dựng quy hoạch Thủ đô, nêu vai trò của sông Hồng trong quy hoạch sẽ lồng ghép 3 nhiệm vụ: Tiết kiệm 5 tỷ mét khối nước sạch để phục vụ sinh hoạt và sản xuất; rửa trôi nước thải, làm sạch các dòng sông khô hạn ô nhiễm và tạo cảnh quan để xây dựng con đường di sản hai bên bờ sông.
Việc giữ lại 5 tỷ m3 nước xả từ hồ thủy điện trong thời gian rất ngắn đòi hỏi không gian trữ nước rất lớn, nếu trữ trong 1.000 km2 thì cột nước cao khoảng 5m, trong khi tổng diện tích trong lòng đê hai bên sông của 29 km sông Đà và 129 km sông Hồng chảy qua Hà Nội có diện tích 400 km2. Khi đập Xuân Quan, Long Tửu hình thành đập dâng thì 400 km2 dòng sông và vùng đất bãi lọt trong hai con đê có thể trữ được 2 tỷ m3 nước sạch, bảo đảm phần nào nguồn nước sạch và rửa trôi nước ô nhiễm nhưng sẽ nhấn chìm con đường và các công trình xây dựng trong khu vực. Tình huống này đặt ra câu hỏi xây tuyến đê mới, hai con đường mới và khu dân cư ở đâu? Câu trả lời là đường mới và tuyến đê mới đặt tại vị trí của tuyến đê hiện trạng. Đây là việc làm mang lại nhiều lợi ích đã được Luật Đê điều năm 2006 cho phép.
Việc định cư an toàn, lâu dài cho 0,3 triệu dân cư ngoài đê sông Hồng là thách thức lớn bao năm nay vì đất trong đồng đã dày đặc làng xóm cũ và ruộng lúa, thì nay đã được hóa giải: Quy hoạch thành phố mới phía Bắc Hà Nội đã giảm đất nông nghiệp, tăng đất ở để tiếp nhận thêm 1,6 triệu người. Với chiến lược làm đập tràn, lấy nước sạch sông Hồng cất giữ trong lòng sông và tràn vào các sông con, kênh mương, hồ ao, ruộng trũng… có thể tạo thành đô thị nước sinh thái, gia tăng chất lượng sống, giá trị bất động sản, cũng như phát triển nông nghiệp thủy sản hiện đại, làm giàu cho người dân trong đồng lẫn ngoài bãi và cho cả Thủ đô Hà Nội.
Dành không gian cho nước, bảo đảm thoát lũ nhanh mùa nước và dự trữ nước sạch cho mùa hạn sẽ góp phần quan trọng giúp Hà Nội trở thành thành phố an toàn và thịnh vượng.
Nguồn: Báo Hà Nội Mới