Sửa đổi QCVN 06:2022/BXD sẽ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

21:48 28/07/2023
Việc sửa đổi QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho người dân, các doanh nghiệp và chủ đầu tư.

Sửa đổi đảm bảo tính khoa học, phù hợp thực tiễn 

Ngày 28/7, tại Hà Nội, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Vụ KHCN&MT) phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng IBST (Bộ Xây dựng) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình.

Tại Hội thảo, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT cho biết, những năm gần đây, hoạt động đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật - xã hội diễn ra sôi động. Tuy nhiên, tình trạng cháy nổ cũng diễn ra phức tạp, gây thiệt hại lớn về con người và tài sản.

Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của Việt Nam tương đối đầy đủ và đồng bộ, có đủ các công cụ để đảm bảo an toàn cháy cho mọi lĩnh vực, trong đó có an toàn cháy cho nhà và công trình.

Trong lĩnh vực xây dựng, về đảm bảo an toàn cháy cho nhà và công trình, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có đầy đủ hành lang pháp lý, hành lang kỹ thuật để thiết kế, thi công, nghiệm thu, vận hành công trình, đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ khi hỏa hoạn xảy ra.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều bất cập ở khâu ban hành và thực thực thi các quy định về PCCC trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT phát biểu tại Hội thảo.

Ngày 5/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 220/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ Công an phối hợp cùng các ngành, địa phương khẩn trương rà soát, phát hiện kịp thời các khó khăn về PCCC trong đầu tư xây dựng nhà và công trình, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Từ đó, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp bổ sung, sửa đổi theo thẩm quyền những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo phù hợp với thực tiễn Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh. Đồng thời, kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về PCCC.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tiến hành rà soát vướng mắc, bất cập từ các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến công tác PCCC mà Bộ Xây dựng ban hành hoặc xây dựng nội dung để Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

Tiếp đến, Bộ Xây dựng và Bộ Công an đã tiến hành tổ chức, đối thoại theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với nhiều tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp…nhằm giải thích, hướng dẫn, đồng thời ghi nhận những bất cập trong tiêu chuẩn, quy chuẩn để sửa đổi, bổ sung.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ, cụ thể là Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng tiến hành rà soát, sửa đổi QCVN 06:2022/BXD nhằm đảm bảo tính khoa học, thực tiễn phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, thông qua Hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi QCVN 06:2022/BXD, các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đóng góp thêm nhiều ý kiến để việc sửa đổi, bổ sung diễn ra hiệu quả hơn nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Vướng mắc sẽ sớm được giải quyết

Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện Hiệp hội, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp thiết thực đối với nội dung dự thảo.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, TS Cao Duy Khôi - Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (IBST) nhấn mạnh về những nội dung lớn, quan trọng trong lần sửa đổi này, cụ thể như: Điều chỉnh phạm vi áp dụng, các nhà ở kết hợp kinh doanh chiều cao dưới 25 m được đề nghị đưa sang tiêu chuẩn nhà ở kết hợp kinh doanh.

Lý do là bởi khi xây dựng thường là nhà ở riêng lẻ, sau đó cải tạo kinh doanh, nên khó đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn. Vì thế, không thể phá vỡ hệ thống, cấu trúc, nguyên lý chung của quy chuẩn để đáp ứng riêng các đối tượng này.

Mặt khác, đề xuất không áp dụng cho các công trình phục vụ giao thông vận tải, NN&PTNT do không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

TS Cao Duy Khôi cho rằng, cần phân cấp mạnh hơn và rõ hơn cho các địa phương về quyền ban hành các quy chuẩn địa phương thay thế cho các yêu cầu của QCVN 06: 2022/BXD để phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương.

Bên cạnh đó, bổ sung các quy định về pháp lý và kỹ thuật, các tài liệu viện dẫn, tiêu chí đánh giá để người thiết kế có thể thiết kế an toàn cháy gắn với điều kiện cụ thể của công trình (thiết kế theo công năng). Mặt khác, cũng đề xuất các thiết kế này chỉ cần thẩm duyệt theo quy định pháp luật, không phải lấy ý kiến Bộ xây dựng, giúp cắt giảm thủ tục hành chính.

Các nội dung kỹ thuật khác về thoát nạn, ngăn cháy lan, chữa cháy, kết cấu, bảo vệ chống khói, khoang cháy và số tầng cao...sẽ được bổ sung thêm các yêu cầu cụ thể gắn với các đối tượng theo tính nguy hiểm cháy và thực tiễn xây dựng ở Việt Nam.

TS Cao Duy Khôi - Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (IBST) đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam cho rằng, các chủ đầu tư thường gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác thiết kế, thẩm duyệt, áp dụng quy định PCCC.

Bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Do đó, việc sửa đổi, điều chỉnh các nội dung liên quan trong QCVN 06:2022/BXD sẽ giúp tháo gỡ nhiều khó khăn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh, dự thảo lần 1 sửa đổi QCVN 06:2022/BXD mặc dù có nhiều điểm mới tích cực, tuy nhiên vẫn cần xem xét, cân nhắc về việc cắt giảm một số nội dung chưa phù hợp. Đồng thời, cần nghiên cứu thêm về các tiêu chuẩn cho phép áp dụng đồng bộ, nhất là các quy định phải phù hợp với thực tế địa phương, doanh nghiệp, cá nhân khi áp dụng.

Tiếp thu các ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân, Hiệp hội, doanh nghiệp tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT Vũ Ngọc Anh cho biết, đơn vị tham gia sửa đổi sẽ tiếp tục lấy ý kiến bằng văn bản, tổng hợp để sớm hoàn thiện dự thảo sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình. 

 

Bình luận