Sửa Luật Đất đai: Kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch

10:05 22/02/2023
Việc tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, tổ chức, nhà quản lý và các tầng lớp nhân dân rất thiết thực, là cơ sở quan trọng để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) để trình cấp có thẩm quyền.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 là sự kiện chính trị pháp lý quan trọng của đất nước, do đó việc tổ chức lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học, nhà quản lý và các tầng lớp nhân dân rất thiết thực, là cơ sở quan trọng để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) để trình cấp có thẩm quyền.

Phó Thủ tướng khẳng định, quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, Luật Đất đai có thể coi là đạo luật gốc. Do đó, giải quyết đúng chính sách, pháp luật về đất đai góp phần kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, giải phóng nguồn lực phát triển, bảo đảm an ninh - quốc phòng, ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải;  Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị.

Chia sẻ tại Hội nghị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội GS.TS Phan Trung Lý cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự thảo Luật đặc biệt quan trọng, vì vậy việc sửa đổi, điều chỉnh có các quan hệ trực tiếp liên quan đến đời sống người dân. Do đó, cần rà soát kỹ hơn để các quy định của dự thảo Luật lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Mặt khác, phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Cùng đó, ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân. 

Còn Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã xác định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng không khác so với Luật 2013, tuy nhiên với bối cảnh mới cần xem xét, điều chỉnh khái niệm đã nêu trong dự thảo như: đất xây dựng công trình ngầm, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất...

Bên cạnh đó, cần bổ sung một số khái niệm như: người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người sử dụng đất, mặt nước chuyên dùng, tích tụ đất...

Tại Hội nghị đóng góp ý kiến về việc sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận quyền sử dụng đất, ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, cần làm rõ nhà đầu tư được thỏa thuận với người có quyền sử dụng đất trong việc bồi thường, chuyển mục đích sử dụng đất trong dự án đô thị, nhà ở thương mại hay không?

Ông Ngô Sách Thực cho rằng, thỏa thuận quyền sử dụng đất là một quyền dân sự, nhưng việc thỏa thuận gắn với chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các dự án đô thị, nhà ở thương mại là nội dung liên quan đến lợi ích chung, phải bảo đảm tính thống nhất, công bằng, hài hòa lợi ích và mục đích phát huy hiệu quả sử dụng đất.

 

Bình luận