Cụ thể, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo, bắt đầu từ cuối Quý I những dự án phù hợp với nhu cầu như nhà ở bình dân, nhà ở xã hội đang triển khai dở dang, vướng mắc ở giai đoạn trước khả năng sẽ được khơi thông, đẩy vào thị trường bất động sản (BĐS) một nguồn cung mới.
Cũng theo VARS, càng về cuối năm nguồn cung BĐS phù hợp nhu cầu thị trường càng được cải thiện. Cụ thể, nguồn cung BĐS văn phòng, bán lẻ tăng nhẹ tại các thành phố trung tâm, từ các tòa nhà văn phòng chuẩn bị đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, nguồn cung BĐS du lịch nghỉ dưỡng nhiều khả năng sẽ giảm, hạn chế. Chỉ các chủ đầu tư có đủ nguồn lực mới có khả năng phát triển. Mặt khác, nguồn cung BĐS công nghiệp vẫn tiếp tục có các dự án được triển khai.
Nhận định về lực cầu của thị trường trong năm 2023 VARS cho rằng, lực cầu cũ chưa được đáp ứng tiếp tục duy trì, nhưng có thể giảm do thu nhập và việc làm khó. Theo đó, nhu cầu về BĐS thương mại và bán lẻ sẽ có sức bật trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam và du lịch được phục hồi.
Đáng chú ý, phân khúc BĐS công nghiệp có tín hiệu khả quan, có thể duy trì được lực cầu. Đồng thời, với BĐS du lịch, nghỉ dưỡng mặc dù nhu cầu đầu tư cao nhưng thực tế giảm vì vướng mắc pháp lý, dòng tiền khó và phụ thuộc vào sự tăng trưởng của ngành du lịch.
VARS cũng dự báo, trong năm nay, lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao dẫn đến áp lực khó giảm giá BĐS khiến sức mua của thị trường vẫn duy trì ở mức thấp.
Đặc biệt, BĐS có ảnh hưởng trực tiếp đến 35-38 ngành nghề như: vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, nội thất…nếu chính sách vĩ mô được điều chỉnh, các dự án phù hợp nhu cầu thị trường BĐS được kích hoạt. Theo đó, thị trường BĐS sẽ được khởi động trở lại, giúp cho các ngành nghề khác liên quan sẽ được cải thiện.
Vì vậy, VARS cho rằng, cần có các chính sách kích hoạt sự phát triển của thị trường BĐS, cùng đó cần có các chính sách tín dụng linh hoạt đối với các dự án cần thiết, phù hợp với nhu cầu thực của thị trường BĐS...