
1. Đặt vấn đề
Mỗi năm ước tính có khoảng 24.970 người tử vong và 499.400 người bị thương nghiêm trọng vì tai nạn giao thông đường bộ tại Việt Nam [1]. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ va chạm, trong đó vi phạm tốc độ chiếm 25%. Việc giảm tốc độ dù được thực hiện ở mức độ thấp cũng có thể giảm nguy cơ chấn thương và tử vong do va chạm giao thông.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) [2], một người đi bộ có 90% khả năng sống sót khi va chạm với ô tô đang chạy ở vận tốc 30 km/h hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, chỉ có thấp hơn 50% khả năng sống sót khi va chạm với ô tô đang chạy ở tốc độ 45 km/h.
Trong khi đó, nếu phương tiện di chuyển với vận tốc 60 km/h thì tỷ lệ tử vong của người đi bộ khi xảy ra va chạm có thể lên đến 90%. Còn ở tốc độ 80 km/h thì người đi bộ hoàn toàn không có cơ hội sống sót.
Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ và các quy định pháp lý nhằm giải quyết vấn đề vẫn còn nhiều bất cập. Việt Nam hiện vẫn chưa có các chế tài mạnh yêu cầu người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ quanh khu vực trường học, nơi tập trung đông các em học sinh thường xuyên đi bộ, đi xe đạp và ngồi sau xe gắn máy.
Đây là những những đối tượng dễ bị tổn thương khi tham gia lưu thông. Vào tháng 3/2019, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Pleiku. Một bé gái 13 tuổi đã bị xe khách 16 chỗ chạy tốc độ cao tông tử vong ngay bên ngoài cổng trường [3]. Vụ việc đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông và sự quan ngại của người dân địa phương về vấn đề an toàn xung quanh khu vực trường học.
Với mục tiêu giảm tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông trên đường đến trường của học sinh, dự án “Giảm tốc độ - trường học an toàn” được triển khai trên địa bàn TP Pleiku trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022, chú trọng vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng nâng cao an toàn giao thông cho học sinh tại khu vực trường học.
Dự án tiến hành nghiên cứu, khảo sát tốc độ của các phương tiện khi đi qua khu vực trường học trước và sau khi cải tạo cơ sở hạ tầng khu vực trường học, tập trung vào các giải pháp hạn chế tốc độ của phương tiện giao thông khi di chuyển qua khu vực này.
Một phần kết quả của dự án được nhóm nghiên cứu sử dụng nhằm đánh giá tác động mà dự án mang lại tại một số trường học trên địa bàn TP Pleiku (tỉnh Gia Lai).
2. Tổng quan
Hiện nay, ở Việt Nam chưa có các quy định cụ thể về tốc độ tối đa cho phép của các phương tiện khi đi qua khu vực trường học. Trong Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT “Quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ”, Điều 5 có đề cập đến việc các phương tiện phải giảm tốc độ khi đi qua khu vực có trường học khu vực đông dân cư.
Theo Điều 6 quy định tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc). Việc lắp đạt biển báo hạn chế tốc độ được cơ quan có thẩm quyền quyết định theo khoản 3 và khoản 4 Điều 10 trong thông tư này.
Tại địa phương, theo Văn bản số 1656/UBND-NC “Về việc triển khai thực hiện giai đoạn II Dự án Giảm tốc độ - Trường học an toàn và đặt biển báo tốc độ tối đa cho phép qua khu vực trường học trên địa bàn TP. Pleiku” của UBND tỉnh Gia Lai [5] có đề cập đến việc quy định tốc độ tối đa cho phép tại khu vực trường học, cụ thể:
- Trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa, đường một chiều có một làn xe cơ giới không quá 30 km/h.
Theo đó, tại các điểm trường thuộc dự án, các biển báo R.E, 9d “Hạn chế tốc độ tối đa trong khu vực” Zone 30 km/h kèm theo biển phụ S.508b “Biểu thị thời gian” biển báo R.E, 9d có hiệu lực theo 4 khung giờ (liệt kê tại Phần 3.1) được đặt tại các vị trí cách cổng trường 100 - 200 m theo cả hai chiều đường. Bên cạnh đó, khu vực cổng trường cũng được kẻ ô đỗ xe cho phụ huynh dừng đỗ khi đón học sinh (Hình 1).
Các giải pháp kể trên được áp dụng nhằm giảm tốc độ các phương tiện khi di chuyển qua khu vực trường học, tổ chức lại giao thông trước cổng trường, đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh. Tác động của các giải pháp được đánh giá thông qua việc phân tích số liệu tốc độ của các phương tiện tại hai thời điểm trước và sau khi can thiệp.

3. Công tác thu thập
3.1. Nội dung công tác khảo sát thu thập số liệu
Căn cứ vào mục tiêu thu thập, nhận dạng và phân tích các đối tượng nhằm đánh giá tốc độ các phương tiện tham gia giao thông khi đi qua khu vực trường học như đã đề ra, các thông số được lựa chọn để thu thập bao gồm: 1 - Yếu tố hình học của tuyến đường đi qua trường học; 2 - Tốc độ phương tiện đi qua khu vực trường học.
Tại mỗi điểm trường tiến hành lựa chọn hai vị trí để khảo sát (Hình 3). Hai vị trí này bao gồm: Mặt cắt 1 - mặt cắt ngang trước cổng trường học; mặt cắt 2- cách vị trí một khoảng cách từ 100 - 200 m, là vị trí lắp đặt các biển báo hạn chế tốc độ. Hướng phân tích sẽ là các phương tiện di chuyển theo chiều từ mặt cắt 2 về mặt cắt 1.


Thời gian khảo sát được tiến hành tại mỗi điểm trường với 4 khung giờ/ngày tương ứng với giờ cao điểm học sinh đến trường - ra về:
- 6:00 - 7:00
- 10:30 - 11:15
- 12:15 - 13:00
- 16:30 - 17:30
Bảng 1. Bảng thống kê hiện trạng khảo sát
3.2. Lựa chọn vị trí khảo sát
Trong bài báo này, 3 điểm trường tiểu học trên địa bàn TP. Pleiku được lựa chọn để tiến hành khảo sát tốc độ, bao gồm: 1 - Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh (NCT); 2 - Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (NĐC), 3 - Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (NVT). Vị trí các điểm trường cũng như hiện trạng tuyến đường trước cổng trường được chỉ ra tại Hình 4.
Các điểm trường này nằm tại các khu vực khác nhau, có mật độ dân cư và tình trạng giao thông được thống kê trong Bảng 1. Trong 3 điểm trường này, chỉ duy nhất điểm trường NVT nằm trong khu dân cư, đa số học sinh được bố mẹ đưa đón. Còn ở điểm trường NCT và NĐC, học sinh tự đi bộ đi học hoặc đạp xe đến trường.

3.3. Xử lý số liệu khảo sát
Đề khảo sát dữ liệu giao thông, nhóm nghiên cứu sử dụng hình ảnh trích xuất từ các camera được đặt tại các điểm đo ghi lại các phương tiện di chuyển qua khu vực. Các vị trí đặt máy là các vị trí có góc quan sát tốt (Hình 3), tầm đặt máy có chiều cao từ 4 - 5 m, phạm vi bao quát tương đối rộng nhờ các camera ghi hình góc rộng.
Các video sau đó được đưa vào công cụ phân tích giao thông trên máy tính T-Surveyor (Hình 5) do TS. Đặng Minh Tân - Bộ môn Đường bộ, Trường Đại học GTVT phát triển, qua đó các dữ liệu tốc độ phương tiện được thu thập.

4. Kết quả và phân tích
4.1. Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh
Tại mặt cắt 1, tốc độ phương tiện đã có sự điều chỉnh giảm so với trước khi cắm biển. Cụ thể, tốc độ trung bình của xe máy giảm từ 34,13 km/h xuống còn 30,86 km/h, đối với ô tô thì giảm từ 41,48 km/h xuống 35,47 km/h. Tốc độ V85 cũng chứng kiến mức giảm xuống còn 36,76 km/h (xe máy) và 42,78 km/h (ô tô).
Giải pháp hạn chế tốc độ cũng đã phát huy được hiệu quả khi các thống kê về tốc độ đều giảm. Tuy vậy, các giá trị này vẫn cao hơn so với tốc độ tối đa. Điều này có thể giải thích do khu vực nằm ngoài khu đông dân cư, lưu lượng phương tiện thấp, thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng dẫn đến việc người tham gia giao thông chưa tuân thủ tốc độ theo luật định.
4.2. Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh
Tại cổng Trường Tiểu học NĐC, kết quả phân tích tốc độ cho thấy sau can thiệp các phương tiện đã có xu hướng giảm tốc độ khi đi qua. Trước can thiệp, cá biệt ghi nhận những trường hợp xe ô tô chạy tốc độ lớn nhất là trên 70 km/h thì con số lớn nhất sau can thiệp là 51 km/h.
Tốc độ trung bình của hai loại xe cũng tương đồng nhau sau can thiệp ở mức xấp xỉ 36 km/h.
Tuy nhiên, đối với điểm trường này thì tốc độ trung bình và V85 vẫn còn khá cao so với tốc độ tối đa cho phép là 30 km/h. Cũng giống như điểm Trường Tiểu học NCT, Trường Tiểu học NĐC nằm ngoài khu vực đông dân cư, thiếu sự giám sát của các cơ quan chức năng. Điều này khiến cho khu vực này tiềm ẩn nguy cơ va chạm cao trước cổng trường học.
4.3. Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi
Đây là điểm trường duy nhất trong 3 trường nằm trong khu vực đông dân cư. Các giải pháp hạn chế tốc độ cho thấy được hiệu quả rõ rệt tại cổng trường học. Cụ thể, tốc độ trung bình của cả hai loại phương tiện đều giảm dưới tốc độ tối đa cho phép 30 km/h (26,72 km/h - xe máy; 24,40 km/h - ô tô).
5. Kết Luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhìn chung các giải pháp cải tạo hạ tầng giao thông và hạn chế tốc độ xung quanh trường học với 3 điểm trường ở Pleiku đã có những hiệu quả nhất định như:
- Tạo ra một môi trường cổng trường văn minh, sạch đẹp hơn, đảm bảo trật tự, tránh ùn tắc giao thông khi phụ huynh dừng, đỗ, đón học sinh;
- Các giải pháp vạch sơn, biển báo góp phần tăng cường sự nhận biết của người lái về sự hiện diện của trường học.
Một số nguyên nhân dẫn đến các phương tiện vẫn duy trì tốc độ cao có thể kể đến như:
- Ý thức người tham gia giao thông còn chưa cao;
- Công tác tuần tra kiểm soát tốc độ của cảnh sát giao thông khó khăn khi thực hiện với địa bàn rộng; những người tham gia giao thông ở địa phương quen thuộc đường sá, khi nắm được quy luật có thể sẽ né tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng;
- Các giải pháp biển báo hạn chế tốc độ theo 4 khung giờ là khá phức tạp, gây khó khăn cho người tham gia giao thông nhận biết và tuân thủ.
Từ những kết quả đạt được, nhóm nghiên cứu hi vọng, trong tương lai, các cơ quan quản lý sẽ ban hành được các quy định cụ thể về việc thiết kế đường trong khu vực trường học để đảm bảo an toàn cho học sinh trên đường tới trường.
* Tít bài do Tòa soạn đặt - Mời xem file PDF tại đây
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. AIP Foundation, AA Vietnam and AIP Foundation bring child car safety training to parents in Hanoi, link: https://www.aip-foundation.org/aa-vietnam-and-aip-foundation-bring-child-car-safety-training-to-parents-in-hanoi/, truy cập ngày 14/02/2025.
[2]. WHO, Road safety speed, link: https://www.who.int/violence_injury_prevention/publications/road_traffic/world_report/speed_en.pdf, truy cập ngày 03/3/2025.
[3]. Duy Lê, Gia Lai: 6 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2019, link: https://baogialai.com.vn/gia-lai-6-vu-tai-nan-giao-thong-dac-biet-nghiem-trong-trong-nam-2019-post67858.html, Báo Gia Lai, truy cập ngày 01/3/2025.
[4]. Bộ GTVT, Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT “Quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ”, ngày 29/8/2019.
[5]. UBND tỉnh Gia Lai, Quyết định số 1656/UBND-NC “V/v triển khai thực hiện giai đoạn II Dự án Giảm tốc độ - Trường học an toàn và đặt biển báo tốc độ tối đa cho phép qua khu vực trường học trên địa bàn TP. Pleiku”, ngày 12/8/2020 (Gia Lai).
[6]. Bộ GTVT, QCVN 41:2019/BGTVT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ”, ngày 31/12/2019.
[7]. Dang, M.T. (2018), A smoothing method to reduce data noise: a functional analysis od speed profile of road users, In: Conference proceedings, ICSCE 2018 international conference, ISSN-2354-0818.