Đây là ý kiến của Bộ Xây dựng sau khi nghiên cứu Dự thảo Báo cáo việc triển khai nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Tại mục B.I.1. của Dự thảo Báo cáo về việc tách giai đoạn bồi thường, hỗ trợ tái định cư, GPMB thành dự án độc lập có nêu về khó khăn, vướng mắc đối với các dự án không phải dự án nhóm A và dự án quan trọng quốc gia, việc GPMB chỉ được triển khai tại bước thực hiện dự án theo Điều 54 Luật Đầu tư công. Đồng thời, theo quy định của Điều 134 Luật Xây dựng năm 2014, chi phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng dự án. Do vậy, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ kiến nghị nghiên cứu, điều chỉnh quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công phù hợp thực tiễn theo hướng cho phép xây dựng dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB riêng và xem xét đây là hoạt động chuẩn bị đầu tư hoặc chuẩn bị dự án.
Bộ Xây dựng cho biết, quy định tại khoản 9 Điều 1 Luật số 62/2020/QHQ14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng quy định “Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, việc phân chia dự án thành phần được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công”; khoản 3 Điều 4 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định: “Theo tính chất của dự án và điều kiện cụ thể, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện tại giai đoạn chuẩn bị dự án hoặc thực hiện dự án, đảm bảo phù hợp trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai”. Do vậy, không có vướng mắc với pháp luật về xây dựng khi thực hiện Đề án thí điểm hoặc sửa đổi pháp luật về đầu tư công để tách riêng dự án này, đề nghị Bộ KH&ĐT bổ sung nội dung này vào Dự thảo Báo cáo.
Về việc chưa thống nhất các loại hợp đồng theo quy định tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, Nghị định số 50/2021/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác (Luật đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP), là các loại hợp đồng phù hợp với đặc thù của ngành xây dựng. Do vậy, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ KH&ĐT để bổ sung loại hợp đồng này vào quy định pháp luật về đấu thầu khi sửa đổi Luật Đấu thầu 2013 thống nhất với pháp luật về xây dựng.
Về định mức chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi quy định tại Bảng 2.1 Thông tư số 12/2021/TT-BXD. Đối với việc chưa có định mức chi phí lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Thông tư số 11/2021/TT-BXD: “Đối với công việc tư vấn chưa có định mức hoặc đã có định mức nhưng chưa phù hợp thì chi phí tư vấn được xác định bằng dự toán phù hợp với nội dung công việc cần thực hiện theo hướng dẫn tại mục II Phụ lục VI Thông tư này”. Do vậy, chi phí lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư có thể xác định bằng lập dự toán theo quy định nêu trên. Bộ Xây dựng cũng đang tiếp tục thu thập để đủ dữ liệu ban hành định mức cho chi phí này trong thời gian tới.
Về quy định dự án/gói thầu/công trình khẩn cấp, nội dung còn chưa đảm bảo thống nhất giữa Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Xây dựng năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 62/2020/QH14), Bộ Xây dựng đã nêu vướng mắc, bất cập và đề xuất giải pháp tháo gỡ tại các văn bản: Văn bản số 2655/BXD-PC ngày 13/7/2021, Văn bản số 3045/BXD-KHTC ngày 02/8/2021 gửi Bộ KH&ĐT; Văn bản số 3663/BXD-HTKT ngày 09/9/2021 gửi Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Đề nghị Bộ KH&ĐT bổ sung, tổng hợp vào Dự thảo Báo cáo triển khai nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành.