
Chiều 27/5, trước số nhà 25F phố Cát Linh (đối diện ngõ 32), đoạn đường khoảng 15 m bị phủ kín bùn do phụ gia từ hầm khoan tràn lên mặt đất. Bùn phủ kín toàn bộ vỉa hè rộng 7 m, lan ra lòng đường khoảng 3 m, chiếm gần 1/5 diện tích mặt đường phố Cát Linh thuộc phường Cát Linh, quận Đống Đa.
Nhà thầu thi công đã phải lập rào chắn, huy động hàng chục công nhân cùng xe hút bùn đến hiện trường để xử lý sự cố. Lực lượng công an phối hợp điều tiết giao thông, hạn chế phương tiện lưu thông qua khu vực.
Theo thông tin từ BQL Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), sự cố xảy ra khi robot TBM số 1 đang khoan từ ga S10 (Cát Linh) đến ga S11 (Văn Miếu). Ngay khi phát hiện, nhà thầu đã kích hoạt quy trình khẩn cấp, dừng máy khoan để hạn chế lưu lượng bùn phụt lên, đồng thời vẫn phải giữ ổn định gương đào, đại diện MRB khẳng định.
Cũng theo MRB, vật liệu trào lên mặt đất là hỗn hợp bùn, nước và phụ gia đào hầm. Phụ gia này được khẳng định là thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật châu Âu và đã qua kiểm định của chủ đầu tư.
Hiện MRB đang phối hợp cùng tư vấn giám sát (PIC), chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan kiểm tra lại điều kiện địa chất khu vực, đánh giá nguyên nhân và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn ngừa tình trạng tương tự tái diễn. MRB đang tiếp tục cập nhật thông tin thi công và phối hợp để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án.
Trước đó, vào ngày 20/2, hiện tượng phụt bùn từng xảy ra tại ngõ 7 phố Giang Văn Minh (phường Kim Mã, quận Ba Đình) cũng trong quá trình vận hành robot TBM. Khi đó, hàng loạt hộ dân bị ảnh hưởng vì bùn từ dưới lòng đất bất ngờ trào lên qua các miệng cống thoát nước.
Theo lý giải của ông Salvatore La Valle - Trưởng nhóm kỹ sư vận hành robot TBM, nguyên nhân xảy ra sự cố trên là do gặp phải các giếng khoan cũ hoặc hệ thống cống thoát nước đã bỏ hoang, tạo ra lỗ rỗng cho phụ gia khoan theo đó trào lên mặt đất.
MRB cho biết, trước mỗi đợt khoan hầm, tư vấn và nhà thầu đều khảo sát địa chất khu vực. Tuy nhiên, do nhiều công trình ngầm đã bị thất lạc hồ sơ qua thời gian chuyển giao chủ sở hữu, việc kiểm soát toàn bộ điều kiện ngầm còn gặp khó khăn. Một số giếng khoan khảo sát địa chất từ các dự án trước đó không được lấp lại, tạo ra khe hở cho phụ gia thoát ra ngoài khi áp lực khoan tăng cao.
Phía MRB khẳng định, các sự cố vừa qua không gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình và không có thiệt hại về người. Hiện robot TBM số 1 đã hoàn thành hơn 1,2 km đường hầm và đang thi công với tốc độ trung bình 10 - 12 m mỗi ngày.

MRB cho biết, trước mỗi đợt khoan hầm, tư vấn và nhà thầu đều khảo sát địa chất khu vực. Tuy nhiên, do nhiều công trình ngầm đã bị thất lạc hồ sơ qua thời gian chuyển giao chủ sở hữu, việc kiểm soát toàn bộ điều kiện ngầm còn gặp khó khăn. Một số giếng khoan khảo sát địa chất từ các dự án trước đó không được lấp lại, tạo ra khe hở cho phụ gia thoát ra ngoài khi áp lực khoan tăng cao.
Phía MRB khẳng định, các sự cố vừa qua không gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình và không có thiệt hại về người. Hiện robot TBM số 1 đã hoàn thành hơn 1,2 km đường hầm và đang thi công với tốc độ trung bình 10 - 12 m mỗi ngày.