Tái sử dụng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại Hải Dương - Giải pháp định hướng chuyển đổi trong quy hoạch sử dụng đất 

Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu về hiện trạng các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hải Dương, trên cơ sở điều tra khảo sát, thu thập thông tin từ các công bố và nghiên cứu liên quan nhằm đánh giá toàn diện đối với lĩnh vực nghiên cứu, đồng thời nhóm đã kế thừa và phân tích xu hướng tái sử dụng các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã đóng cửa phù hợp với điều kiện Việt Nam.

1. Đặt vấn đề 

Hiện nay, việc tái sử dụng lại bãi chôn lấp đang được nhiều địa phương quan tâm tìm giải pháp thực hiện nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đem chôn lấp phải dưới 30% và 90-95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất mà "Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050» đã đặt ra [2].

Việc đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Điều 32, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ TN&MT [3] đã nêu rõ: (i) Lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp trong bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã đạt dung tích lớn nhất theo khả năng tiếp nhận đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; (ii) Chủ xử lý chất thải không có khả năng tiếp tục vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và không có khả năng chuyển giao việc vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt; (iii) Chủ xử lý chất thải có nhu cầu đóng bãi chôn lấp thì phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp tỉnh; (iv) Đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thực tế hiện nay nhiều địa phương trong cả nước trong đó có tỉnh Hải Dương đã chuyển từ công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ chôn lấp sang đầu tư xây dựng các công nghệ xử lý hiện đại theo hướng thu hồi năng lượng như đốt rác và ủ phân hữu cơ,… Vì vậy, nhiều bãi chôn lấp tuy chưa khai thác hết công suất nhưng đã phải đóng cửa do không có nhu cầu sử dụng nữa.

Vấn đề, chuyển đổi, tái sử dụng các khu đất của các bãi chôn lấp sau đóng cửa như thế nào để phù hợp với điều kiện cụ thể của từng bãi, từng địa phương, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất hiệu quả hơn….là rất cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Bài báo này tập trùng đề cập về vấn đề chuyển đổi, tái sử dụng với các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã đóng cửa của các địa phương nói chung và của tỉnh Hải Dương nói riêng. Tuy nhiên, do khuôn khổ có hạn của bài báo, các vấn đề như hiệu quả kinh tế - xã hội, quy trình quan trắc môi trường các bãi chôn lấp rác đã chuyển đổi, tái sử dụng … không được đề cập trong bài báo này.

2. Hiện trạng xử lý và nội dung quy hoạch về xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hải Dương

2.1. Giới thiệu chung về tỉnh Hải Dương

Hải Dương là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của phía Bắc, ở tọa độ 20°40'10’’ đến 21°14'20’’ vĩ độ Bắc, 106°7'35” đến 106°36'35” độ kinh Đông. Trung tâm hành chính của tỉnh là TP Hải Dương nằm cách thủ đô Hà Nội 57 km về phía Đông, cách TP Hải Phòng 45 km về phía Tây. Phía Tây Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Đông giáp thành phố Hải Phòng, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình và phía Tây giáp tỉnh Hưng Yên, phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang.

Tỉnh Hải Dương có 12 đơn vị hành chính bao gồm 02 thành phố trực thuộc, 01 thị xã và 09 huyện (TP Hải Dương, TP Chí Linh, TX Kinh Môn, Nam Sách, Kim Thành, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện). Diện tích của toàn tỉnh là 1.668,28 km2, 235 đơn vị cấp xã, dân số tính đến hết năm 2022 là 1.946.820 người, mật độ dân số là 1.1467người/km2. Tỷ lệ tăng dân số (%) là 0,52, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên (‰) là 8,6. [3]

2.2. Hiện trạng phát sinh và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại tỉnh Hải Dương

Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.270 tấn/ngày (khu vực đô thị 508 tấn/ngày, khu vực nông thôn 762 tấn/ngày) [2]. Hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện đang áp dụng theo hai phương pháp: Đốt tiêu hủy tại các nhà máy và chôn lấp tại các bãi chôn lấp theo quy hoạch của UBND cấp huyện và cấp xã.

- Xử lý bằng phương pháp đốt tiêu hủy: tổng khối lượng chất thải rắn của TP Hải Dương, 40 xã và 03 thị trấn đem đốt khoảng 340-376 tấn/ngày, tương ứng 26,8 % lượng chất thải toàn tỉnh phát sinh.  [2]

- Xử lý bằng phương pháp chôn lấp: Chất thải rắn của các địa bàn còn lại (gồm 167 xã, phường, thị trấn) được xử lý chôn lấp tại 756 bãi chôn lấp của các địa phương với khối lượng khoảng 887-930 tấn/ngày, tương ứng 73,2 % lượng chất thải toàn tỉnh phát sinh [2].

Tất cả các bãi chôn lấp trên địa bàn tỉnh hiện chỉ áp dụng biện pháp lót đáy và thoát khí, nước thải chưa được xử lý gây ra tình trạng ô nhiễm nước thải cục bộ tại bãi chôn lấp và xung quanh. Do nước rỉ rác chưa được xử lý, chứa trong ô chôn lấp nên quá trình vận hành, chất thải nổi trong ô chôn lấp, dẫn đến ô rất nhanh đầy (từ 2-3 năm đã lấp đầy 1 ô chôn lấp quy mô cấp xã từ 500-1000 m2).

Trước năm 2018, để giảm khối lượng và thể tích chất thải chôn lấp, tại các bãi chôn lấp đều thực hiện đốt trực tiếp gây tình trạng ô nhiễm không khí khu vực xung quanh. Năm 2018, văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo không triển khai thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng lò công suất nhỏ quy mô cấp xã [4].

Vì vậy, hiện tỉnh Hải Dương đã không áp dụng mô hình lò đốt công suất nhỏ để xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 03 Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công suất thiết kế đốt tiêu hủy theo dự án đầu tư đã được phê duyệt là 498 tấn/ngày đêm, ủ mùn compost 90 tấn/ngày, cụ thể:

+ Nhà máy xử lý của Công ty Cổ phần quản lý công trình đô thị Hải Dương tại xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà: công suất thiết kế 248 tấn/ngày. Hiện Công ty đang tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố Hải, thị trấn Thanh Hà, thị trấn Lai Cách,… trung bình khoảng 255 tấn/ngày trong đó, 235 tấn/ngày xử lý đốt và 20 tấn/ngày chất thải phân loại chờ để ủ phân hữu cơ. Công ty có khả năng tiếp nhận thêm 5 tấn/ngày chất thải rắn sinh hoạt để đốt. [2]

+ Nhà máy xử lý của Công ty Cổ phần môi trường APT-Seraphin Hải Dương tại xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà: công suất thiết kế của Nhà máy là 200 tấn/ngày đêm với 3 lò đốt. Hiện Công ty đang tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt khoảng 115 tấn/ngày (của 33 xã và thị trấn Phú Thái). Công ty có khả năng tiếp nhận thêm khoảng 146 tấn/ngày chất thải rắn sinh hoạt [2]

+ Nhà máy xử lý của Công ty Cổ phần môi trường xanh Minh Phúc tại Khu 6 - TT Kẻ Sặt - huyện Bình Giang: công suất thiết kế 50 tấn/ngày đêm, hiện đang vận hành với công suất 26 tấn/ngày (chất thải rắn sinh hoạt của 07 xã và thị trấn Kẻ Sặt). Do vị trí của Nhà máy nằm trong quy hoạch phát triển đô thị của Thị trấn Kẻ Sặt, nên đã đề xuất xin chuyển về vị trí mới tại xã Thái Dương và xã Thái Hòa, diện tích khoảng 11ha, nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 100 tấn/ngày. [2] 

Bảng 1. Tổng hợp số bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hải Dương [2]

2.3. Quy hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại tỉnh Hải Dương

Theo dự báo, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 1.387 tấn/ngày; năm 2030 là 1.754 tấn/ngày. Để đảm bảo công suất dự phòng khi nhà máy bảo trì, sửa chữa và yêu cầu bảo vệ môi trường vào dịp cao điểm (dịp lễ, tết,..)  thì công suất thiết kế của nhà máy cần cao hơn tối thiểu 20% so với thực tế lượng chất thải xử lý hàng ngày, vì vậy, nhu cầu công suất xử lý năm 2025 là 1.700 tấn/ngày, năm 2030 là 2.000 tấn/ngày. [2]

Quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn: xử lý dứt điểm lượng rác thải tồn đọng, đóng cửa các bãi chôn lấp, giảm dần tiến tới loại bỏ công nghệ lò đốt độc lập, công suất thấp; chuyển đổi công nghệ của các nhà máy xử lý rác thải hiện có; đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, hiện đại để đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Quy mô, công suất các khu xử lý chất thải rắn có thể điều chỉnh theo nhu cầu thực tế tại các dự án cụ thể phù hợp với quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Quỹ đất dự kiến sử dụng cho xử lý chất thải rắn của tỉnh được trình bày trong bảng 2.

Bảng 2. Phương án phát triển các khu xử lý chất thải rắn [3]

3. Cơ sở khoa học trong tái sử dụng các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã đóng cửa

3.1. Cơ sở pháp lý

Luật Bảo vệ môi trường 2020 được sửa đổi, bổ sung theo văn bản hợp nhất số 21/VBHN-VPQH ngày 29/12/2022 quy định tại Điều 80. Xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. [5]

Luật đất đai 2024 của Quốc Hội số 31/2024/QH15 ngày 18/01/2024, Điều 35, khoản 1, Nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất [6]

Thông tư 02/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT, điều 32 quy định việc đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động (các trường hợp thực hiện đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh; Quy trình đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt; yêu cầu đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt); Phương pháp tính và dự toán chi phí cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư [7]

3.2. Kinh nghiệm tái sử dụng các bãi chôn lấp đã đóng cửa tại Việt Nam và trên thế giới

a. Trên thế giới

Trước đây, bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt luôn được coi là khu vực thải bỏ, có nguy cơ ô nhiễm và không có khả năng tái sử dụng lại. Gần đây bãi chôn lấp sau khi kết thúc hoạt động được chứng minh là có thể sử dụng lại trong nền kinh tế tuần hoàn.

Các bãi chôn lấp hợp vệ sinh nếu được cải tạo, phục hồi môi trường hợp lý cũng có thể chuyển đổi mục đích sử dụng cho một số hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện tái sử dụng lại mặt bằng các bãi chôn lấp sau khi đóng bãi. Các mô hình tái sử dụng diện tích bãi chôn lấp trên thế giới được minh họa tại bảng 3. 

Bảng 3. Một số loại hình tái sử dụng bãi chôn lấp [8]

b. Tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, việc đóng cửa và tái sử dụng các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã được một số đô thị triển khai. Thực tế, một số mô hình đã xử lý bãi rác thành mặt bằng sạch cho phát triển đô thị như: cải tạo bãi rác Mễ Trì (Hà Nội) thành khu thể thao, vui chơi, giải trí Mễ Trì, có thêm chức năng hồ điều hòa và nhà ở, diện tích hơn 30 ha (dự án Vinhomes Paradise); cải tạo bãi rác thành công viên ở Quảng Ninh; Dự án xử lý bãi rác Soi Nam (Hải Dương) để chuyển đổi sang đất xây dựng dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình Ecorivers do Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương thực hiện từ năm 2018 đến năm 2022; Tỉnh Sơn La năm 2018 đã triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình phục hồi môi trường bãi chôn lấp rác thải các huyện, thành phố, với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng.

Trong đó, dự án đóng cửa ô chôn lấp, cải tạo phục hồi môi trường có bãi chôn lấp rác thải Chiềng Ngần, Thuận Châu và Mường La. Bãi chôn lấp rác thải Chiềng Ngần cách trung tâm Thành phố khoảng 5 km, là bãi rác lộ thiên, quy mô hơn 3,3 ha, nằm gọn trong một thung lũng, bao quanh là núi đá, Bãi rác đã đóng cửa ô chôn lấp, cải tạo trồng vườn cây tai tượng, mật độ 2.500 cây/ha, góp phần phục hồi môi trường, giảm thiểu ô nhiễm đối với các hộ dân lân cận.

Dự án do CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La trực tiếp quản lý. Hiện, dự án đã hoàn thành đầu tư trồng cây xanh lên toàn bộ khu vực bãi chôn lấp rác thải cũ. Ngoài mục tiêu phủ xanh toàn bộ bãi, giảm thiểu tác động đến môi trường xung quanh, sau này có thể làm vườn ươm cây giống, cung cấp cây giống cho các dự án cây xanh trên địa bàn tỉnh [9].

TP.HCM những năm gần đây, chính quyền đã xử lý, di dời các bãi rác tạm, giải tỏa được 989/1.002 điểm ô nhiễm về rác thải; chuyển hóa 243 điểm thành công viên, vườn hoa. Trong năm 2022, trên địa bàn TP.HCM phát sinh 113 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải.

Các địa phương đã giải tỏa thêm 136 điểm ô nhiễm rác thải và tiếp tục chuyển hóa thêm 50 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng (công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao...). Quận 12 là một trong những địa phương chuyển hóa nhiều bãi rác thành công viên. Mô hình này mang đến giá trị kép, khi vừa nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân vừa tạo ra hiệu quả bền vững trong quá trình xóa các điểm nóng rác thải lưu cữu.

Đến nay, 78/78 điểm rác lưu cữu ở quận 12 đã được giải quyết, trong đó chuyển hóa 35 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng (sân bóng chuyền, công viên, vườn hoa…). Tuy nhiên, vẫn cần các quy định, tiêu chuẩn về đóng cửa bãi rác tạm và tái sử dụng các bãi rác này để đảm bảo không ô nhiễm về môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. [10]

4. Giải pháp định hướng chuyển đổi trong quy hoạch sử dụng đất cho các bãi chôn lấp đóng cửa tại Hải Dương

4.1. Đánh giá và lựa chọn giải pháp tái sử dụng các bãi chôn lấp sau đóng cửa

Theo số liệu thống kê của tỉnh, diện tích đất có thể thu hồi và chuyển đổi từ tái sử dụng các bãi chôn lấp đã đóng cửa được xác định sơ bộ như sau : 

- Tổng diện tích của các bãi chôn lấp đã đóng cửa trước 2024 ước tính khoảng 303 bãi x 2,5 ha/bãi = 757,5 ha 

- Tổng diện tích của các bãi chôn lấp sẽ đóng cửa tiếp đến 2025 ước tính khoảng 118 bãi x 3,5 ha/bãi = 413ha

- Tổng diện tích của các bãi chôn lấp sẽ đóng cửa tiếp đến 2030 ước tính khoảng 335 bãi x 4,5 ha/bãi = 1.507.5ha

→ Tổng diện tích đất có thể thu hồi và chuyển đổi từ tái sử dụng các bãi chôn lấp đã đóng cửa của toàn tỉnh đến năm 2030 dự báo sẽ đạt khoảng 2.678 ha

Dựa trên nhu cầu về chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030 của tỉnh Hải Hương được phân bổ trong Quy hoạch theo Quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 19/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ) cho thấy 1 số chỉ tiêu sử dụng đất bị giảm so với chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ theo đề nghị của tỉnh, cụ thể :

- Chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp là 86.992 ha → giảm 2.345 ha 

- Chỉ tiêu sử dụng đất rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất có tổng là 8.023 ha → giảm 87 ha 

- Chỉ tiêu sử dụng đất rừng tự nhiên là 2.155,5 ha → giảm 41,6 ha
→ Tổng diện tích đất giảm so với yêu cầu của tỉnh cho đất nông nghiệp và rừng là: 2.437,6 ha

Như vậy, để đảm bảo cân bằng về chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030 theo Quy hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt với yêu cầu của tỉnh [3] thì việc định hướng chuyển đổi 1 phần đất từ tái sử dụng các bãi chôn lấp đã đóng cửa sang đất trồng rừng và lâm nghiệp sẽ góp phần thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ diện tích đất rừng cho tỉnh một cách hiệu quả, phù hợp với đặc thù điều kiện của địa phương.

4.2. Đề xuất quy trình chuyển đổi trong quy hoạch sử dụng đất

Để chuyển đổi đất thu hồi từ các bãi chôn lấp đã đóng cửa sang tái sử dụng dựa trên sự điều chỉnh cân bằng về chỉ tiêu sử dụng đất cho tỉnh Hải Dương đến năm 2030, nhóm nghiên cứu đề xuất quy trình gồm 7 bước như mô tả trên hình 1.

Hình 1. Quy trình chuyển đổi các bãi chôn lấp tái sử dụng trong quy hoạch sử dụng đất.

5. Kết luận 

Quy trình chuyển đổi trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Hải Dương được đề xuất đã tuân thủ theo quy định pháp luật để đảm bảo việc điều chỉnh, chuyển đối quy hoạch sử dụng đất cho việc tái sử dụng các bãi chôn lấp đã đóng cửa đạt được nhiều mục đích quan trọng về kinh tế giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đất, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; về bảo vệ môi trường giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng; Đảm bảo sự hài hòa giữa các mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng; Góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, nhà ở và các tiện ích xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; Giảm thiểu xung đột, tạo ra các quy định rõ ràng về quyền sử dụng đất, giảm thiểu xung đột và tranh chấp về đất đai. Kết quả của đề tài đưa ra cách tiếp cận sớm và đồng bộ ngay từ đầu, góp phần lồng ghép, mở rộng lợi ích tài nguyên đất của các bãi chôn lấp, đặc biệt trong điều kiện gia tăng dân số nhanh chóng và quỹ đất dành cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng hạn hẹp khiến các quỹ đất khác bị giảm và cần điều chỉnh cân bằng lại.

Nghiên cứu chỉ ra những cơ hội khi tái sử dụng bãi chôn lấp làm tiền đề cho việc giải quyết những vấn đề cần khắc phục về môi trường trong các nghiên cứu tiếp theo một cách bền vững hướng đến đô thị xanh cho tỉnh Hải Dương nói riêng và các tỉnh khác trong cả nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. UBND tình Hải Dương, Quyết định số 2541/QĐ-UBND phê duyệt đề án « Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 », 2021
2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018, phê duyệt “Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050”, 2018
3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 1639/QĐ-TTg ngày 19/12/2023 phê duyệt “Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, 2023
4. Văn phòng Chính Phủ, văn bản số 3964/VPCP-KGVX ngày 02/5/2018 về việc quản lý chất thải rắn khu vực nông thôn, 2018
5. Quốc hội, Luật Bảo vệ môi trường 2020 được sửa đổi, bổ sung theo văn bản hợp nhất số 21/VBHN-VPQH ngày 29/12/2022.
6. Quốc Hội, Luật đất đai 2024 số 31/2024/QH15 ngày 18/01/2024
7. Bộ TN&MT, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT, quy định chi tiết thi hành một số điều của luật bảo vệ môi trường
8. Nochian et al., A review of systematic approach for sustainable redevelopment of a closed landfill site.”, 2013
9. https://mocchau.sonla.gov.vn/1286/30848/59923/537967/tin-tuc-su-kien/phuc-hoi-moi-truong-cac-bai-chon-lap-rac-thai
10. https://nld.com.vn/moi-truong/bien-243-bai-rac-thanh-cong-vien-vuon-rau-20230716215151879.htm

Bình luận