Khu vực nội đô lịch sử Hà Nội

Tái thiết đô thị, nâng chất lượng sống của người dân

07:00 30/05/2024
Những năm qua, việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị không gian lịch sử văn hóa, truyền thống tại khu vực nội đô lịch sử đã được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách, giải pháp.

Tuy nhiên, trên thực tế kết quả chưa được như mong đợi, khu vực này vẫn đang gặp những điểm nghẽn trong phát triển. Chính vì lẽ đó, tại Kết luận số 80-KL/TW, Bộ Chính trị yêu cầu TP Hà Nội cần quan tâm cải tạo, chỉnh trang đô thị khu vực nội đô lịch sử trên nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển.

Nhiều tồn tại về nhà ở

Theo định hướng phát triển tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 (QHC2011), không gian khu vực nội đô lịch sử gồm 4 quận (Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, phía Bắc quận Hai Bà Trưng) và 1 phần phía Nam của quận Tây Hồ.

Đây là khu vực tập trung các chức năng chính trị, hành chính của quốc gia và TP Hà Nội. Khu vực sẽ được tập trung cải tạo, xây dựng, tổ chức sắp xếp lại các chức năng sử dụng đất, để gìn giữ phát huy các giá trị đô thị lịch sử. Bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, di dời cơ sở công nghiệp, kho tàng, trường đại học, trụ sở bộ, ngành.

Đồng thời, cải tạo các không gian ở hiện có, tái thiết các khu chung cư cũ. Phát triển giao thông công cộng, đường sắt đô thị. Bảo tồn, di tích, di sản. Khu vực cũng được định hướng hạn chế phát triển nhà ở, cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu xuống khoảng 0,8 triệu người…

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia Phạm Thị Nhâm cho hay, sau khi QHC2011 được duyệt, TP Hà Nội đã triển khai lập các quy hoạch phân khu trong đó có quy hoạch phân khu 4 quận nội đô lịch sử.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng ban hành các quy chế quản lý khu vực quan trọng như khu vực phố cổ, khu vực Hồ Gươm, khu Hoàng thành Thăng Long, khu chính trị Ba Đình…

Đặc biệt, đã có nhiều định hướng, ý tưởng phát triển nhưng đến nay khu vực này vẫn đang gặp nhiều điểm nghẽn. Cụ thể, thiếu cơ chế bảo tồn và phát huy giá trị di sản; sự gia tăng phương tiện cá nhân và ùn tắc giao thông làm ô nhiễm môi trường; tiếp tục chất tải các toà nhà quy mô lớn, các hoạt động kinh tế gây hiệu ứng nhà kính; sử dụng đất chưa phù hợp với thực tiễn phát triển; hệ thống sông hồ, công viên phân tán và thiếu, làm giảm chất lượng sống; chưa giảm được dân số, di dời các cơ sở sản xuất, y tế, giáo dục ra bên ngoài…

Nhất là khu vực này còn nhiều tồn tại liên quan đến nhà ở của người dân. Các chung cư cũ xuống cấp vừa không đảm bảo chất lượng sống vừa làm giảm mỹ quan đô thị nhưng chậm được cải tạo xây dựng lại.

Các khu nhà ở tại khu vực phố cổ, phố cũ, nhà ở cho thuê… người dân tự xây, sửa theo ý chủ quan, không theo tiêu chuẩn quy hoạch của đô thị lớn, không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, an toàn phòng chống cháy nổ, điều kiện môi trường sinh hoạt…

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính đánh giá, hiện nay, tại khu vực các quận lõi nội đô Hà Nội đang tồn tại nhiều khu dân cư có mật độ xây dựng rất cao, tạo ra những không gian sống bị đóng kín, chật chội.

Điều kiện nhà ở không đạt chuẩn cùng với sự thiếu hụt các công trình công cộng, dịch vụ xã hội đã tác động không nhỏ đến sự an toàn, sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân.

Quyết tâm tháo gỡ điểm nghẽn

Trước thách thức đặt ra, nhiều chuyên gia cho rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng với các quy hoạch lớn của TP lần này phải hướng đến giải quyết những điểm nghẽn hiện nay cho phát triển đô thị Hà Nội nói chung và khu vực nội đô lịch sử nói riêng.

Đại biểu quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nêu, trước đây theo quy định của pháp luật, nhiều khu vực nằm trong ranh giới nội đô lịch sử bị khống chế về đầu tư cải tạo.

Điều này dẫn đến nhiều khu chung cư cũ chậm được cải tạo xây dựng lại; nhiều khu nhà tự xây không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, an toàn phòng chống cháy nổ nhưng không có cơ chế cải tạo, hệ quả chúng ta đều đã nhìn thấy rất đáng tiếc và khôn lường

“Thế nên, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải quyết tâm tạo khuôn khổ pháp lý để khu vực nào đúng nghĩa là khu bảo tồn sẽ được bảo vệ giá trị lịch sử về Thăng Long - Hà Nội hay các công trình kiến trúc quan trọng, có yếu tố lịch sử. Còn lại, các khu khác phải đưa ra mô hình đầu tư cải tạo theo mô hình đô thị hiện đại, các khu vực tập trung mật độ dân số đông, nhiều nhà thấp tầng sẽ chuyển thành một số ít tòa nhà cao tầng. Không gian sinh hoạt dưới mặt đất được đưa lên cao, nhường mặt đất cho phát triển không gian xanh, công cộng, không gian giao thông, phát triển dịch vụ...” - đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, để thực hiện được vấn đề là cần tạo ra khuôn khổ pháp lý như khai thác không ngầm, không gian trên cao, có hệ thống công trình hạ tầng công cộng hiện đại như hệ thống giao thông công cộng có khối lượng vận chuyển lớn, đường sắt đô thị...

Về cơ chế chúng ta cũng phải thay đổi, việc cải tạo đô thị không chỉ giải quyết vấn đề bức xúc của người dân, giúp đời sống người dân tốt hơn mà mà là trách nhiệm của Nhà nước, của chính quyền nên phải có cơ chế đầu tư cụ thể cho cải tạo, nếu không sẽ không giải quyết được vấn đề tập trung dân số.

Ngoài ra, cần có cơ chế cho Nhân dân lựa chọn cơ hội chuyển đổi. Người dân nào chấp nhận từ bỏ sống ở nhà lụp xụp, thì chuyển lên trên cao, người nào muốn ở mặt đất phải ở xa trung tâm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho hay, các giải pháp xử lý hiện nay đối với khu vực nội đô đã có nhưng chưa thực sự mạnh mẽ.

Một trong những nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và hai quy hoạch lớn của Thủ đô lần này đề cập là phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng TOD.

“Đây có thể coi là một trong những giải pháp hết sức quan trọng để tháo gỡ không chỉ là hạ tầng giao thông mà cả trong quy hoạch, tái thiết từng khu vực trong nội đô. Khi chúng ta phát triển các khu đô thị với điều kiện sống tốt, giao thông thuận lợi cùng các điều kiện về môi trường, cảnh quan, cơ sở hạ tầng bảo đảm thì sẽ thay đổi thói quen của người dân. Khi đó, họ sẽ không chọn ở trong các khu vực chật chội, ngõ, ngách nhỏ, điều kiện sống không bảo đảm...” - bà Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.

Theo kinh nghiệm và khuyến nghị quốc tế, nâng cấp và chỉnh trang đô thị liên quan đến việc nâng cao điều kiện sống trong các khu ở lộn xộn, xuống cấp và mang lại các dịch vụ cơ bản cho cư dân. Điều này bao gồm cải thiện hoặc lắp đặt cơ sở hạ tầng cơ bản như nước, vệ sinh, thu gom chất thải rắn, đường vào và lối đi bộ, thoát nước mưa, chiếu sáng và các dịch vụ cộng đồng khác.

Việc nâng cấp cũng giải quyết các vấn đề về quyền sử dụng đất và cải thiện nhà ở, cũng như cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội (ví dụ như y tế, giáo dục) và các dịch vụ khác. Do đó, nâng cấp đô thị là nhằm mục đích phát triển cộng đồng hòa nhập vào cơ cấu xã hội và dịch vụ của TP, hạn chế sự mất mát về thể chất và tài sản xã hội.

TS Nguyễn Quang - Nguyên Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat)

Nguồn: kinhtedothi.vn 

Bình luận