Tầm thế mới của ngành Xây dựng Tầm thế mới của ngành Xây dựng

Tầm thế mới của ngành Xây dựng

Năm 2025 là thời điểm để toàn ngành Xây dựng quyết tâm tăng tốc, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025... Toàn ngành Xây dựng, các đơn vị thuộc diện cơ cấu sắp xếp lại hay không thuộc diện sắp xếp vẫn chủ động, tập trung để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Trong Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, việc tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Theo đó, ưu tiên tập trung soạn thảo các dự án luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, các văn bản quy định chi tiết luật được giao chủ trì soạn thảo có thời hạn trình trong năm 2025, văn bản trong Chương trình công tác năm 2024 được lùi thời hạn trình sang năm 2025, trọng tâm là: Luật Cấp, thoát nước; Luật Quản lý phát triển đô thị; Nghị định quy định chi tiết Luật Thủ đô quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm; Nghị định về quản lý cây xanh, công viên đô thị; các văn bản quy định chi tiết Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8. Các Nghị định, Thông tư như: Nghị định quy định chi tiết Luật Thủ đô quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Nghị định quy định chi tiết về quản lý công viên, cây xanh, mặt nước tại đô thị và nông thôn; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, công bố điều chỉnh cục bộ quy hoạch đối với quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và do UBND tỉnh lập; Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Thông tư quy định về định mức, phương pháp lập và quản lý chi phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch đô thị và nông thôn thay thế QCVN 01:2021/BXD; Chương trình quốc gia về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị giai đoạn 2026 - 2030; Đề án xây dựng, phát triển một số đô thị, khu đô thị ven biển hiện đại theo mô hình sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh gắn với phát triển khu du lịch bền vững, thích ứng với BĐKH; Đề án thí điểm giao đất không thông qua đấu thầu cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư phát triển NƠXH…

Năm 2025 Bộ Xây dựng đặt mục tiêu phấn đấu tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn Ngành từ 10,7 - 15%; Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc 45%; Diện tích nhà ở bình quân cả nước 27 m2 sàn/người, trong đó diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị là 28 m2 sàn/người, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực nông thôn 26 m2 sàn/người; Số lượng căn nhà ở xã hội hoàn thành trên 100 nghìn căn; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung 95%; Tỷ lệ hệ thống cấp nước đô thị lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn 50%; Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia 18%.

Theo Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên mà Chính phủ trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).

Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Với kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025 thì tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên. Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024; công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.

Điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên cần tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để. Hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt Kết luận số 97-KL/TW ngày 05/10/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kinh tế - xã hội năm 2024 - 2025 đã được thể chế hóa cụ thể trong Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội; Phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao để trở thành động lực, nhân tố ngày càng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Đặc biệt, bám sát Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội. Tập trung các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, ưu tiên công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số; kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025. Đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia; đặc biệt là các tuyến đường cao tốc giai đoạn 2026 - 2030, kịp thời nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cao tốc phân kỳ theo quy mô quy hoạch; phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt là trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; có cơ chế tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, kiểm soát giá nguyên vật liệu, chỉ tiêu sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án cao tốc. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là các công trình thuỷ lợi phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Có giải pháp đột phá, thiết thực, hiệu quả tháo gỡ pháp lý phát triển các dự án kết cấu hạ tầng đầu tư theo phương thức đối tác công tư; đồng thời, báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương, cơ chế, chính sách xử lý một số dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có tồn tại, vướng mắc... Tích cực triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại. Nghiên cứu, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, không gian ngầm đô thị, khu công nghiệp. Chú trọng xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ, hiện đại. Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, hạ tầng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến, nâng cao năng suất lao động.

Thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm hiệu quả việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy, ngành Xây dựng đi trước tạo dựng, mở đường bước vào kỷ nguyên mới, với niềm tin mới, khí thế mới, cùng hợp lực, đồng lòng phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra, góp phần đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Thạch Long
Thế Công