Tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện - Hướng đi mới của Vicem Bút Sơn

07:00 25/02/2023
Theo tính toán của các chuyên gia, áp dụng công nghệ, tận dụng nhiệt khí thải của ngành xi măng có thể giúp các nhà máy tiết kiệm một lượng điện năng tương đối lớn. Đặc biệt, nếu đầu tư công nghệ đồng bộ, tiêu tốn ít điện năng, hiệu quả có thể lên tới 50%.

Tiết kiệm năng lượng đang là vấn đề "nóng" của ngành xi măng nói riêng và Việt Nam nói chung. Với Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn là đơn vị tiên phong và thành công với chiến lược phát triển bền vững, sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng, tài nguyên theo mô hình kinh tế tuần hoàn, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực cho sự phát triển.

Nối tiếp thành công, vào những ngày đầu xuân 2023, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn phối hợp cùng Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng AMECC long trọng tổ chức lễ khởi công dự án “Đầu tư xây dựng công trình tận dụng nhiệt thừa khí thải dây chuyền 1 và dây chuyền 2 để phát điện”, với tổng mức đầu tư trên 454 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.

Để đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả, theo ông Bùi Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, trong thời gian tới, Vicem Bút Sơn, các nhà thầu, nhà thầu tư vấn giám sát cần bám sát sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam, các sở, ngành của tỉnh; nâng cao tinh thần trách nhiệm, làm việc nghiêm túc để dự án được triển khai. 

Ông Nguyễn Văn Thọ, Tổng giám đốc AMECC khẳng định, với năng lực thiết bị thi công và kinh nghiệm gia công chế tạo hiện nay, AMECC cam kết sẽ thực hiện dự án với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đưa ra phương án thi công, chế tạo tối ưu, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, quản lý và điều phối dự án tốt nhất để đảm bảo tuyệt đối an toàn, chất lượng và tiến độ đã đề ra.

Việc thực hiện đầu tư xây dựng dự án tận dụng nhiệt khí thải của dây chuyền để phát điện là chương trình trọng điểm vừa góp phần giảm thiểu phát thải CO2 bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững là hướng đi phù hợp với chủ trương của Nhà nước và Bộ Xây dựng đề ra. Với chiến lược phát triển bền vững và sản xuất xanh, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng hiện có, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên; quan tâm đầu tư cho lĩnh vực môi trường, nhất là các hoạt động thu gom, tái chế, sử dụng lại nhiệt thải của Vicem Bút Sơn là điều đáng khích lệ. 

Việc tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện làm giảm lượng điện tiêu thụ trong bối cảnh giá than đá ngày càng khan hiếm, giá thành tăng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng mới của Vicem Bút Sơn. 

Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ giải quyết được bài toán giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải CO2 do sử dụng nguồn nguyên liệu thứ cấp. Việc tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện sẽ mang lại nhiều tối ưu: Không tốn nhiên liệu để phát điện, giảm khí thải nhà kính, bụi và nhiệt ra môi trường, tăng hiệu suất sử dụng thiết bị; giảm chi phí vận hành, tăng lợi nhuận. Dự án sẽ cung cấp từ 25-30% lượng điện sử dụng cho toàn nhà máy, giảm nhiệt độ thải ra môi trường; Gián tiếp giảm 86.000 tấn CO2 do không dùng điện từ nhà máy nhiệt điện; giảm nhiệt độ đầu vào cho các công đoạn sau nồi hơi…

Trong những năm qua, Vicem Bút Sơn đã nỗ lực vượt qua nhiều thách thức, nhất là khó khăn về thị trường xuất khẩu, giá vật tư, nguyên nhiên liệu đầu vào tăng… để duy trì ổn định sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động. 

Năm 2022, với nhiều cải tiến, sáng tạo trong điều hành sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, Vicem Bút Sơn sản xuất trên 2,7 triệu tấn clinker và trên 3 triệu tấn xi măng, nộp ngân sách 129,9 tỷ đồng. Để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, Vicem Bút Sơn đã triển khai nhiều giải pháp cải tiến như: Sử dụng tối đa các nhiên liệu thay thế như rác thải, bùn thải công nghiệp thông thường; tối ưu hoá thông số vận hành trong các công đoạn để tiết giảm tiêu hao năng lượng; cải tạo nghiền liệu tại các dây chuyền sản xuất để tăng năng suất, giảm tiêu hao điện… 

Năm 2023, Vicem Bút Sơn đặt mục tiêu sản xuất 2,763.000 tấn clinker; tiêu thụ ra thị trường 3.350.000 tấn xi măng, nộp ngân sách 111 tỷ đồng.

Với những kết quả đã đạt được, cùng với việc đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tối ưu, vận hành ổn định hệ thống sử dụng nhiên liệu thay thế để từng bước hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, Vicem Bút Sơn sẽ ngày càng phát triển.
 

Bình luận