Ngày 26/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng phối hợp với Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) tổ chức Tọa đàm chủ đề “Hạ tầng xanh - Thoát nước xanh”. Dự Tọa đàm có các chuyên gia, nhà khoa học đến từ một số trường đại học, viện nghiên cứu, hội xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp liên quan đến hạ tầng kỹ thuật…
Báo cáo tại Tọa đàm cho biết, hạ tầng xanh được một số nhà khoa học đề cập từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, hệ thống lý luận về hạ tầng xanh mới ở bước khởi đầu; các thành phần cũng chưa cụ thể, chưa được đề cập đến một cách hệ thống.
Đại diện Ban tổ chức, PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, cho biết, chuỗi Tọa đàm về hạ tầng xanh 2023-2024 dự kiến có 8 tọa đàm, trong đó tọa đàm I với chủ đề "Giao thông xanh" đã được tổ chức vào tháng 9 vừa qua. Sau Tọa đàm Hạ tầng xanh - Thoát nước xanh lần này sẽ là 6 tọa đàm khác với các chủ đề: Công viên xanh, Cấp nước xanh, Chiếu sáng xanh, Quản lý chất thải rắn xanh, Nghĩa trang và an táng xanh, Môi trường xanh.
Ban tổ chức mong muốn, chuỗi 8 tọa đàm nói trên sẽ góp phần hệ thống hoá cơ sở lý luận về hạ tầng xanh và các thành phần của hạ tầng xanh, dần gợi mở những chủ đề mới cho nghiên cứu khoa học và cho các luận văn, luận án… từ đó, đưa nội dung hạ tầng xanh vào các văn bản pháp quy, luật về đô thị trong tương lai.
Thể chế hóa, luật hóa nội dung về hạ tầng xanh trong các luật liên quan
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày một số tham luận, tập trung vào việc làm rõ nội hàm khái niệm, thực tiễn phát triển và một số đề xuất, khuyến nghị trong lĩnh vực hạ tầng xanh, thoát nước xanh tại Việt Nam.
TS Nguyễn Thị Thuý Hằng đến từ Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia, trình bày tham luận với chủ đề “Một số vấn đề về hoạch định chính sách hạ tầng xanh”. Bài tham luận tập trung làm rõ khái niệm về hạ tầng xanh, những khó khăn, rào cản tài chính và nắm bắt hạ tầng xanh lâu dài, cùng một số gợi ý cho hoạch định chính sách về hạ tầng xanh tại Việt Nam.
Một số gợi ý cho hạch định chính sách hạ tầng xanh tại Việt Nam được TS Nguyễn Thị Thuý Hằng gợi mở:
Thứ nhất, tăng cường nghiên cứu các cấp về hạ tầng xanh để rút ra những giải pháp, chính sách về hạ tầng xanh. Kết quả nghiên cứu cần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa hạ tầng xanh và tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững đô thị…
Thứ hai, tăng cường sự hỗ trợ cơ bản về kết cấu hạ tầng xanh trong phát triển đô thị, cần nâng cao nhận thức về hạ tầng xanh; bên cạnh đó cần thể chế hoá, luật hoá nội dung về hạ tầng xanh trong các luật về môi trường, đất đai, quy hoạch đô thị và nông thôn, quản lý phát triển đô thị…
Thứ ba, xây dựng chiến lược hạ tầng xanh đô thị xuyên suốt các lĩnh vực chính sách, lồng ghép hạ tầng xanh trong mọi hoạt động phát triển đô thị.
Thứ tư, tăng cường lồng ghép chính sách về hạ tầng xanh trong các chính sách khác nhau.
Để tăng cường hoạch định chính sách hạ tầng xanh, theo TS Nguyễn Thị Thuý Hằng, cần định vị hạ tầng xanh trong khuôn khổ tăng cường kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường nghiên cứu các cấp về hạ tầng xanh, nhất là các cấp thành phố/địa phương để rút ra những giải pháp, công cụ chính sách hạ tầng xanh; đồng thời cần nâng cao nhận thức về hạ tầng xanh, cũng như việc luật hóa về hạ tầng xanh trong các luật về môi trường, đất đai, xây dựng, quy hoạch và phát triển đô thị.
Hạ tầng xanh cũng cần được đưa vào quy hoạch quốc gia phát triển hạ tầng đô thị và nông thôn, cũng cần thiết xây dựng chiến lược hạ tầng xanh đô thị xuyên suốt các lĩnh vực chính sách khác.
Tích hợp chiến lược phát triển hạ tầng xanh vào quy hoạch chung
TS Nguyễn Đức Thắng, chuyên gia độc lập về phát triển bền vững, với chủ đề “Thoát nước xanh”, nêu quan điểm nên hiểu thoát nước xanh theo hướng phát triển bền vững. Quản lý thoát nước nhằm mang lại tiện nghi cho cuộc sống của con người, gồm cả chống ngập, chống lụt và xử lý nước thải. Theo hướng này thì hệ thống thoát nước xanh phải tích hợp được những yêu cầu kinh tế, xã hội và môi trường.
Xuất phát từ thực trạng thoát nước của Hà Nội và TP.HCM, TS Nguyễn Đức Thắng cho rằng hệ thống thoát nước phải hoạt động ổn định, có hiệu quả với mưa lớn 100-200mm trong 1 giờ, hoặc 200-250mm trong 6 giờ; xóa được nạn thường xuyên ngập úng sau mưa.
Hệ thống thoát nước phải tách biệt, nước mưa chảy trên bề mặt riêng và nước thải riêng. Nước thải buộc phải xử lý đạt chuẩn trước khu thải vào nguồn tiếp nhận.
Đồng thời thoát nước xanh phải khai thác được 35-40% lượng nước mưa rơi trên mái nhà, mái che phục vụ cho sinh hoạt, từ đó giảm lượng nước mưa đầu vào với hệ thống thoát nước.
Bên cạnh đó, Nhà nước phải xây dựng được hệ thống bản đồ quốc gia và cột mốc về độ cao chuẩn tới cấp phường, xã. Việc xử lý nước thải nên phân tán, phi tập trung, cứ 1.000 người dân nên có 1 trạm xử lý nước thải.
Trong khi đó, với đề tài “Thoát nước mưa xanh - bền vững kết hợp với mô hình nông nghiệp/vườn đô thị”, ThS Nguyễn Việt Dũng đến từ Viện Quy hoạch Môi trường, Hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn… đề xuất mô hình kết hợp nông nghiệp đô thị, áp dụng cách tiếp cận quản lý nước mưa tại nguồn và khu vực, từ đó nhân rộng tại các điểm nhà chung cư, các công trình công cộng như trường học, các hộ/tổ chức kinh doanh nông sản.
Ngoài ra, đối với các khu vực hiện hữu, việc thu gom nước mưa là khả thi trong quá trình cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có (từ nhà dân tới các công trình công cộng). Điều này sẽ giúp giảm tải cho hệ thống thoát nước đô thị tại các khu cũ, gián tiếp giảm thiểu ngập úng cục bộ.
Để áp dụng và quản lý thoát nước bền vững cho các khu đô thị, ThS Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh cần xem xét xây dựng, cập nhật, bổ sung các hướng dẫn, tiêu chuẩn thiết kế thoát nước theo cách tiếp cận mới, phù hợp với điều kiện Việt Nam, ứng phó với biển đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, thoát nước, xử lý nước thải cũng như các vấn đề hạ tầng kỹ thuật đô thị khác, cần được giải quyết một cách đồng bộ, và cần được lồng ghép sớm từ khâu quy hoạch để giảm thiểu chi phí cho việc xây dựng, cải tạo hệ thống hạ tầng đô thị.
ThS Đinh Ngọc Giang, đến từ Công ty Tư vấn quốc tế Emcity, trình bày đề tài “Tích hợp chiến lược phát triển hạ tầng xanh vào quy hoạch chung để giảm thiểu nguy cơ ngập lụt”.
Cụ thể, ThS Đinh Ngọc Giang đề xuất chiến lược giảm thiểu nguy cơ ngập toàn diện có tính thích ứng cao với 4 vùng, 3 lớp, bao gồm: Vùng cao, vùng bảo vệ, vùng thích ứng, vùng sinh thái; Lớp bảo vệ, lớp thích ứng, lớp giảm thiểu thiệt hại.
Tuy nhiên, ThS Đinh Ngọc Giang cũng cảnh báo, việc hình thành hành lang chống ngập cũng có thể kéo theo nguy cơ ngập mới do mưa. Chẳng hạn, vào thời điểm triều cường, do cao độ mặt đất thấp hơn mực nước trên sông, dòng chảy ngập do mưa sẽ không thể tự thoát ra hệ thống sông ngòi mở bên ngoài.
Cuối Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng thảo luận để làm rõ hơn một số nội dung liên quan.
Theo Ban tổ chức, kết thúc chuỗi 8 tọa đàm như nêu trên, dự kiến sẽ có một hội thảo cấp quốc gia, tổng hợp chủ đề của 8 tọa đàm; cùng với đó là kế hoạch xuất bản một cuốn sách về hạ tầng xanh trong đô thị và tổ chức một hội thảo mang tầm quốc tế về hạ tầng xanh.