Xây dựng toàn cầu

Tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu cho công trình

Tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu cho công trình

Đức Tú (tổng hợp) Đức Tú (tổng hợp) - 07:20, 13/09/2023

Cơ sở hạ tầng đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu, thúc đẩy khả năng chống chọi với BĐKH của ngành Xây dựng, có thể cứu sống nhiều mạng người cũng như giảm chi phí xây dựng cho các quốc gia trên thế giới.

Thích ứng với BĐKH ngày càng trở nên khó khăn

Báo cáo gần đây nhất của Hội đồng Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) cho thấy một tương lai ảm đạm: việc thích ứng với BĐKH sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn nếu không đầu tư vào việc bảo vệ chính mình ngay bây giờ.

Chỉ riêng những thảm họa trong thời gian qua đã cho thấy mức độ cấp bách ngày càng tăng. Nhiều cơn lốc xoáy đã tàn phá khắp miền Trung tây Hoa Kỳ, trong khi những trận mưa chết người làm ngập các vùng đất từ Trung Quốc đến Nam Sudan và cháy rừng thiêu rụi hàng triệu ha rừng của nhiều quốc gia trên thế giới.

Cơ sở hạ tầng vật chất là tuyến đầu của tình trạng khẩn cấp này. Báo cáo của IPCC cho thấy, các tòa nhà ở khu vực thành thị đã phải đối mặt với những rủi ro ngày càng gia tăng nhanh chóng, do sự kết hợp của các hiện tượng cực đoan và dân số ngày càng tăng. Trong khi nhiều thành phố đã có kế hoạch thích ứng, nhưng rất ít thành phố được thực hiện triệt để như mong muốn.

Theo thống kê thu được, thiên tai đã gây ra thiệt hại trị giá khoảng 210 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2020, con số này tăng đáng kể so với con số 166 tỷ USD của năm 2019. Ở những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất, chẳng hạn như vùng Caribe, việc xây dựng lại sau thảm họa đã trở nên cực kỳ tốn kém, như cơn bão Maria năm 2017 đã khiến Dominica thiệt hại hơn 200% GDP.

Đầu tư sớm để xây dựng các tòa nhà có khả năng chống chịu tốt hơn ở những vị trí an toàn sẽ cứu được nhiều mạng sống hơn, giảm thiểu chi phí và bảo vệ các khoản đầu tư phát triển. Lợi ích ròng của việc đầu tư vào khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng ở các nước thu nhập thấp và trung bình sẽ lên tới 4,2 nghìn tỷ USD.

Dữ liệu cần thiết để đánh giá rủi ro

Các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt với tình trạng thiếu dữ liệu đáng tin cậy khi đánh giá chi phí và lợi ích của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi. Việc thiếu các thước đo đánh giá nhất quán rủi ro khí hậu ở địa phương và thiếu công bố thông tin về hiện trạng cơ sở hạ tầng đô thị là 2 trở ngại lớn để cải thiện khả năng phục hồi.

5 trận lốc xoáy gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử nước Mỹ
Bão lũ gây thiệt hại cho nhiều nơi trên thế giới. Nguồn: Internet.

Điều này đã gây khó khăn nhiều hơn cho các công ty bảo hiểm, nhà phát triển, nhà đầu tư và Chính phủ trong việc đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng và định hình thị trường BĐS trong tương lai.

Một số quốc gia đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp để lấp đầy những khoảng trống dữ liệu đó. Ví dụ, Chính phủ Philippines - đất nước là điểm nóng về nhiều loại thiên tai, đã phát triển một ứng dụng di động cho phép người dùng tạo bản đồ địa phương của riêng họ cho thấy mức độ nguy hiểm liên quan đến động đất, bão và các thảm họa tiềm ẩn khác.

Công cụ này hiện đang được sử dụng bởi một trong những tổ chức tài chính lớn nhất đất nước là Ngân hàng Philippine Islands. Ngân hàng này đã sử dụng ứng dụng di động để đánh giá danh mục đầu tư và mức độ rủi ro vật lý của khách hàng đối với khí hậu và đưa ra các quyết định đầu tư quan trọng phù hợp.

Tuy nhiên, ngay cả khi có đủ dữ liệu về rủi ro tiềm ẩn từ các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, việc giải quyết các lỗ hổng thông qua trang bị thêm và nâng cấp các công trình hiện có vẫn còn nhiều thách thức.

Để cố gắng giải quyết thách thức này, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đã phát triển Chỉ số Khả năng phục hồi của Tòa nhà (BRI). Công cụ trực tuyến này sử dụng hệ thống xếp hạng theo chữ cái được tiêu chuẩn hóa để đánh giá khả năng chống chọi với các cú sốc và tiếp tục hoạt động của tòa nhà. Công cụ này có thể được áp dụng cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện hoặc bất kỳ loại hình xây dựng nào khác.

Được phát triển với sự hỗ trợ từ Chính phủ Australia và Hà Lan, BRI đo lường mức độ dễ bị tổn thương của tòa nhà trước các mối nguy hiểm tự nhiên và các yếu tố trong quá trình nâng cấp đã được thực hiện để giảm thiểu những rủi ro này.

Báo cáo mới nhất của IPCC cho thấy, các tòa nhà ở khu vực thành thị đã phải đối mặt với những rủi ro ngày càng gia tăng nhanh chóng do sự kết hợp của các hiện tượng cực đoan và dân số ngày càng tăng.

BRI phản ánh và bổ sung một cách hiệu quả ứng dụng EDGE - ứng dụng Chứng nhận Công trình Xanh của IFC bằng cách bổ sung góc nhìn thích ứng với khí hậu. Ví dụ, một tòa nhà có nằm trong khu vực dễ bị lũ lụt không? Liệu tòa nhà có thiết kế kết cấu để chịu được ngập lụt và giữ an toàn cho người cư ngụ không?

Dữ liệu và công cụ như thế này hỗ trợ đánh giá rủi ro khí hậu cho cơ sở hạ tầng sẽ có một số tác động hỗ trợ trên thị trường, trong đó cho phép nhiều bên liên quan, bao gồm các tổ chức tài chính, công ty bảo hiểm và Chính phủ đánh giá khả năng phục hồi của các dự án hoặc danh mục đầu tư và đưa ra quyết định sáng suốt hơn về nơi đầu tư. 

Giúp các nhà phát triển có khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế để thiết kế và xây dựng các tòa nhà có khả năng chống chịu tốt hơn, nhằm tìm ra những cách mới để thu hút các nhà đầu tư và khai thác các nguồn tài chính mới của thành phố.

Cho phép các thực thể khu vực tư nhân hợp tác chặt chẽ hơn với Chính phủ, xây dựng các quy định sử dụng đất và quy tắc xây dựng chi phối địa điểm và những gì cần xây dựng.

Philippines là ứng cử viên cho dự án thí điểm BRI, nhưng nghiên cứu cho thấy còn nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng sẽ được hưởng lợi từ những nỗ lực như vậy, nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng của thế giới có khả năng chống chịu với BĐKH.

Ý kiến của bạn

Chủ đề bạn có thể quan tâm