Tăng cường kiểm soát phát thải carbon đối với các doanh nghiệp phát thải lớn

14:47 18/12/2024
Đối với Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu tăng cường kiểm soát phát thải carbon đối với các doanh nghiệp phát thải lớn.

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 240/NQ-CP ngày 17/12/2024 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2024. 

Khí thải từ một nhà máy. Ảnh: AP

Nghiên cứu bổ sung nội dung chính sách về chuyển đổi xanh, giảm phát thải

Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của thành viên Chính phủ, ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Trong đó lưu ý nghiên cứu bổ sung nội dung chính sách về chuyển đổi xanh, giảm phát thải để việc tiết kiệm năng lượng đi đôi với khuyến khích, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Xây dựng các công cụ tăng cường kiểm soát phát thải carbon đối với các doanh nghiệp phát thải lớn. Đảm bảo việc giám sát không chỉ có Bộ Công Thương mà có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân.

Đồng thời bổ sung nội dung chính sách khuyến khích chuyển đổi số, quản lý bằng chuyển đổi số để tăng hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Nghiên cứu, rà soát một số nội dung chưa có trong Luật Điện lực (sửa đổi) để xem xét bổ sung vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm bảo đảm việc sử dụng năng lượng thật sự tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với tình hình mới,

Giao quyền chủ động và chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp trong triển khai dự án năng lượng

Về Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Chính phủ đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học để bổ sung, hoàn thiện các chính sách, trong đó lưu ý một số nội dung cụ thể như sau:

Tiếp tục nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền tối đa gắn với phân bổ nguồn lực và trách nhiệm của cá nhân, tập thể để tháo gỡ về thủ tục hành chính.

Đồng thời nâng cao năng lực thực thi, tính chủ động của các cơ quan, đơn vị, địa phương cùng với việc không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giao quyền chủ động và chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp trong triển khai, thực hiện các dự án năng lượng.

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả"

Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các thành viên Chính phủ, ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), trong đó lưu ý rà soát, bám sát chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan.

Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, sớm báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan theo thẩm quyền rà soát, sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị trên cơ sở Hiến pháp năm 2013.

Đồng thời làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến việc phân công trong nội bộ từng cơ quan và mối quan hệ, cũng như cơ chế vận hành, quyền hạn và trách nhiệm của tập thể với cá nhân người đứng đầu để thể hiện rõ tinh thần phân cấp trong chính các cơ quan của Chính phủ.

Ngoài ra, làm rõ mối quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với chính quyền địa phương.

Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính

Chính phủ đề nghị Bộ Nội vụ rà soát, bám sát chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan trong Đề nghị xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chú trọng truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận.  

Bộ Nội vụ cần tiếp tục rà soát, xác định nội dung chính sách phù hợp; đồng thời xác định phạm vi phân cấp, phân quyền tại Luật này bảo đảm thống nhất với việc quy định về phân cấp, phân quyền trong dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý vướng mắc, bất cập liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền, ủy quyền tại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan, bảo đảm khả thi, phù hợp với thẩm quyền các cơ quan, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi của phương án không tổ chức cấp chính quyền địa phương ở xã (không tổ chức Hội đồng nhân dân xã), nhất là quyền đại diện của nhân dân và hiệu quả của bộ máy chính quyền cơ sở.

Cũng theo Nghị quyết, Chính phủ cho ý kiến về phương án hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Đồng thời giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, soạn thảo kịp thời, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, tránh tình trạng nợ đọng văn bản. 

Bình luận