Tăng cường năng lực hội nhập pháp lý quốc tế trong ngành Xây dựng

14:53 11/06/2025
Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh hợp tác công - tư trong lĩnh vực xây dựng, việc hiểu rõ cơ chế trọng tài quốc tế và tiêu chuẩn bảo hộ đầu tư là điều kiện tiên quyết để hạn chế rủi ro pháp lý.
Tăng cường năng lực hội nhập pháp lý quốc tế trong ngành Xây dựng
Ngành Xây dựng chủ động nâng cao hiểu biết pháp lý quốc tế.

Sáng 11/6, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tổ chức Chương trình tập huấn quốc tế chuyên sâu về trọng tài quốc tế cho cán bộ các đơn vị trực thuộc. Sự kiện thể hiện quyết tâm của ngành Xây dựng trong việc chủ động nâng cao hiểu biết pháp lý quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và nhu cầu xử lý tranh chấp trong các dự án đầu tư công - tư ngày càng tăng.

Chủ động trang bị kiến thức pháp lý

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế nhấn mạnh, khóa đào tạo được tổ chức theo đề xuất từ Văn phòng quốc tế PCA, với mục tiêu nâng cao năng lực chuyên môn và kiến thức thực tiễn cho đội ngũ cán bộ ngành Xây dựng trong lĩnh vực trọng tài quốc tế - lĩnh vực đang có vai trò ngày càng quan trọng, nhất là trong xây dựng và giao thông vận tải.

Với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia quốc tế đến từ PCA và WongPartnership LLP, chương trình tập huấn tập trung vào những vấn đề cốt lõi trong giải quyết tranh chấp quốc tế như: Vai trò của PCA trong các hợp đồng nhà nước, điều khoản trọng tài trong hợp đồng theo phương thức đối tác công - tư (PPP), phân biệt tranh chấp theo hợp đồng và theo điều ước quốc tế, tiêu chuẩn bảo hộ đầu tư...

Ông Nguyễn Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.

Với hệ thống ví dụ thực tế từ các vụ kiện đầu tư - thương mại quốc tế, giúp học viên hình dung cụ thể các tình huống tranh chấp mà Việt Nam hoàn toàn có thể đối mặt trong quá trình thực hiện các dự án lớn liên quan đến hạ tầng, đô thị, nhà ở hay cấp thoát nước.

Chương trình đào tạo gồm 4 phiên chuyên đề, tập trung vào những nội dung cốt lõi trong lĩnh vực trọng tài quốc tế và bảo hộ đầu tư - với nhiều liên hệ thiết thực đến ngành Xây dựng.

Phiên 1 giới thiệu vai trò của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong giải quyết tranh chấp hợp đồng giữa Nhà nước và nhà đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ công như xây dựng, cấp thoát nước.

Phiên 2 đi sâu vào cách xây dựng điều khoản trọng tài hiệu lực trong hợp đồng PPP; Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC), điều hết sức quan trọng trong thực tiễn triển khai dự án hạ tầng.

Phiên 3 và 4 lần lượt phân tích cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước (ISDS), cùng các tiêu chuẩn bảo hộ đầu tư quốc tế như “Tước quyền sở hữu” và “Đối xử công bằng, thỏa đáng” (FET).

Cả 4 phiên của chương trình đào tạo không chỉ giàu tính lý luận pháp lý quốc tế mà còn rất thiết thực với bối cảnh Việt Nam, nơi ngành Xây dựng đang giữ vai trò then chốt trong các dự án đầu tư công, hợp tác công - tư và điều hành chính sách phát triển đô thị. Đây là cơ hội quan trọng để các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động nâng cao năng lực phòng ngừa tranh chấp, từ khâu đàm phán hợp đồng đến xử lý rủi ro pháp lý xuyên biên giới.

Củng cố thể chế ngành Xây dựng

Việc Bộ Xây dựng phối hợp trực tiếp cùng PCA để tổ chức chương trình tập huấn không chỉ là bước đi chiến lược trong bồi dưỡng cán bộ, mà còn là thông điệp thể hiện sự nghiêm túc của Bộ trong việc chuẩn bị nền tảng pháp lý vững chắc cho các dự án đầu tư trong tương lai.

Chương trình có sự tham dự của đại diện nhiều cơ quan trực thuộc Bộ như: Cục Hạ tầng kỹ thuật, Vụ Pháp chế, Ban Quản lý dự án chuyên ngành, Viện Kinh tế xây dựng... là các đầu mối thường xuyên tiếp xúc với hợp tác quốc tế, hợp đồng hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), hợp đồng PPP và triển khai các dự án đầu tư công lớn.

Ông Neil Nucup - Cố vấn pháp lý và đại diện của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Thành gửi lời cảm ơn sâu sắc đến PCA vì sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức, đồng thời bày tỏ kỳ vọng khóa tập huấn sẽ là tiền đề để Bộ Xây dựng tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo, tư vấn và xử lý tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành Xây dựng không chỉ cần năng lực kỹ thuật mà còn phải làm chủ ngôn ngữ pháp lý toàn cầu, nhất là khi tham gia đàm phán và triển khai các dự án có yếu tố nước ngoài.

Các vụ kiện quốc tế liên quan đến hạ tầng, môi trường, đất đai… trong thời gian qua tại các quốc gia đang phát triển là minh chứng rõ ràng cho tính cấp thiết của việc trang bị kiến thức trọng tài quốc tế.

Khóa đào tạo là một trong những hoạt động cụ thể hóa định hướng nâng cao năng lực thể chế, năng lực pháp lý cho cán bộ ngành Xây dựng giai đoạn 2025-2030, góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho hoạt động đầu tư công và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng.

Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration - PCA) là một tổ chức Liên Chính phủ độc lập, thành lập theo hai Công ước La Hay năm 1899 và 1907 về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. PCA hiện có 122 bên ký kết, trong đó có Việt Nam. 
Việt Nam lần lượt trở thành thành viên của Công ước La Hay 1899 và 1907 vào các ngày 29/12/2011 và 27/02/2012. Trên nền tảng hợp tác đó, Việt Nam đã ký Hiệp định Nước chủ nhà với PCA vào ngày 23/6/2014, và Nghị định thư thành lập Văn phòng Đại diện của PCA tại Việt Nam vào ngày 27/10/2021.
Ngày 24/11/2022, Văn phòng PCA tại Hà Nội chính thức khai trương tại Ngôi nhà Hòa bình (số 48A Trần Phú, quận Ba Đình, TP Hà Nội). Đây là văn phòng thứ 2 của PCA tại châu Á và thứ 5 trên thế giới bên ngoài trụ sở chính tại La Hay, Hà Lan, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hợp tác pháp lý quốc tế giữa Việt Nam và PCA, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp quốc tế tại khu vực Đông Nam Á.

Bình luận