Tăng khả năng chống chịu cho các đô thị Tăng khả năng chống chịu cho các đô thị

Tăng khả năng chống chịu cho các đô thị

 

Việt Nam đứng thứ 7 trong số những nước chịu nhiều thiên tai nhất thế giới, dễ bị tổn thương bởi hạn hán, bão, lũ lụt; những thảm họa thiên nhiên này đã cướp đi mạng sống của 13 nghìn người và gây thiệt hại về tài sản trị giá 6,4 tỷ USD, tương đương 1,5% GDP trong hai thập kỷ qua. 

Thiên tai gây ra thiệt hại lớn cho các ngành kinh tế và dịch vụ công trọng điểm. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 852 triệu USD (0,5% GDP) và 316 nghìn việc làm trong các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch và công nghiệp phải hứng chịu rủi ro do lũ lụt trực tiếp gây ra. Du lịch ven biển chủ yếu dựa vào bãi biển và các hệ sinh thái nguyên sinh, nhưng ước tính có khoảng 42% số khách sạn ven biển nằm gần những bãi biển đang bị xói lở. Trên toàn quốc, khoảng một nửa số cơ sở y tế nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt cao. Ở một số tỉnh, tỷ lệ này thậm chí còn lên đến gần 100%. 

Không chỉ thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) còn có các dịch bệnh mới xuất hiện ngày càng nhiều. Các tác động dịch bệnh với đô thị kiểu như đại dịch Covid-19 sẽ bao trùm nhiều mặt, từ khả năng di chuyển, giao thông, đình trệ sản xuất, hoạt động kinh tế, giáo dục… dẫn đến các vấn đề mà chính quyền địa phương phải giải quyết về an sinh xã hội, công bằng, công việc làm và thu nhập, dịch vụ đô thị. Các đô thị đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP của quốc gia khi bị đình trệ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia, tác động sâu rộng tới nhiều nhóm đối tượng.

Tổng kết của các nhà nghiên cứu sau đại dịch Covid-19 ở khu vực đô thị đã làm dấy lên những lo ngại về việc phát triển của các đô thị lớn với mật độ dân cư cao; nổi lên vấn đề về bất bình đẳng xã hội tại các đô thị, đặc biệt các vấn đề về nhà ổ chuột, khu ở không chính thức, lao động phi chính thức, người vô gia cư… đặt ra yêu cầu về tái tổ chức không gian đô thị, tái tổ chức hệ thống giao thông đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng và các loại hình giao thông thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe của người dân (đi bộ, đạp xe). 

 

Những nguy cơ trước BĐKH của các đô thị là tiềm tàng, nhưng theo các chuyên gia, các tác động của BĐKH cũng đã mang đến cơ hội tốt kiểm tra khả năng của các giải pháp thông minh để giải quyết các vấn đề xã hội ở quy mô đô thị cũng như tạo thêm động lực thúc đẩy cho sự phát triển của đô thị thông minh; đòi hỏi cấp thiết phải phát triển các đô thị theo hướng bền vững, có khả năng chống chịu và bảo vệ môi trường.

Từng giữ cương vị tham gia quản lý TP Đà Nẵng - một đô thị lớn nhất miền Trung Việt Nam đang chịu tác động trực tiếp của BĐKH - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng nhìn nhận: Để ứng phó với BĐKH, trước tiên là bắt đầu từ việc tổ chức quy hoạch đô thị, lựa chọn khu vực xây dựng đô thị, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu bằng vật liệu và công nghệ mới. Đây là yếu tố cốt lõi để tăng khả năng thích ứng của đô thị trước những tác động tiêu cực của thiên nhiên. Đồng thời, tổ chức quản lý sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng giao thông xanh và bền vững, quản lý rủi ro thiên tai và hệ thống cảnh báo sớm, khuyến khích cộng đồng tham gia và nâng cao nhận thức, áp dụng công nghệ thông minh trong quản lý đô thị và xây dựng chính sách và khung pháp lý hỗ trợ hợp lý.

Hay với Vùng ĐBSCL, BĐKH cũng đặt khu vực này đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhưng phải đối mặt với không ít thách thức. Theo đánh giá của các chuyên gia, với nguồn lực đầu tư hạn chế cho hạ tầng vùng, ít khả năng hoàn vốn ngắn hạn, vùng ĐBSCL cần chọn ra các ưu tiên cốt lõi để đầu tư xây dựng, thay vì trình bày bức tranh viễn cảnh toàn diện, xa vời, với một mạng lưới hoàn chỉnh.

Chẳng hạn, với Vùng Đông Nam Bộ, không thể phủ nhận rằng đây là khu vực có vai trò lớn đối với ĐBSCL. Song ĐBSCL là một vùng lãnh thổ lớn, do đó, phải là một vùng kinh tế tự chủ - thịnh vượng, chứ không thể chỉ là sân sau của miền Đông. Một khi hầu hết nông sản phải dựa vào miền Đông để phân phối tiêu thụ, tri thức và công nghệ đều chờ lan toả từ phía Đông; các trục đường hướng Đông sẽ đóng vai trò chính, các tỉnh gần phía Đông sẽ giàu có hơn phía Tây. Sự mất cân bằng kinh tế vùng đang kéo theo dòng người dịch cư về Đông ngày càng lớn. Đó là một xu hướng rất không bền vững cần sớm có biện pháp phòng ngừa. Ông Patric Schlager - Trưởng nhóm Phát triển Đô thị và Hạ tầng - Dự án Thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL (MCRP) nhấn mạnh vai trò quan trọng của các đô thị trong sự phát triển kinh tế và tương lai đất nước. Đặc biệt, khi mà Việt Nam đã xác định mục tiêu đạt tỷ lệ đô thị hóa 45% vào năm 2025, với khu vực đô thị đóng góp 75% GDP. 

Do đó, ông Patric Schlager cho rằng, các đô thị ở Việt Nam cần tích hợp các giải pháp thích ứng vào quy hoạch đô thị và triển khai hiệu quả các sáng kiến quản lý ngập úng, trong đó có việc phủ xanh đô thị và phát triển bền vững cũng như tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tài chính. Qua đó cung cấp cái nhìn tổng quan về các cách tiếp cận và giải pháp cho sự phát triển an toàn, thích ứng với BĐKH của các đô thị. 

Trong bối cảnh BĐKH ngày càng gia tăng với tần suất nhiều hơn, đã, đang và tiếp tục là những thách thức lớn đối với mô hình và sự phát triển của các đô thị trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Những diễn biến này cùng với các xu hướng kinh tế và môi trường toàn cầu làm xuất hiện những thách thức mới, đòi hỏi phải có cách tư duy mới, có những thay đổi mang tính dẫn hướng trong quy hoạch; những thay đổi trong mô hình cư trú, làm giảm thiểu những rủi ro liên quan đến BĐKH, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng trong cả hai quá trình ứng phó với BĐKH và đại dịch trong quản lý đô thị. 

 

 

Đánh giá của các chuyên gia và tổ chức quốc tế cho rằng, các đô thị ở Việt Nam ngày càng phải hứng chịu nhiều thiên tai, gây ra những thiệt hại đáng kể về người và kinh tế. Tuy nhiên, các biện pháp quản lý rủi ro hiện nay là chưa đủ. 

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), cần khẩn trương xây dựng chiến lược tăng cường khả năng chống chịu mới, nếu không, hàng tỷ USD tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới sẽ bị cuốn sạch bởi các thảm họa thiên nhiên. 

Mặc dù chương trình quản lý rủi ro của Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong thập kỷ qua, nhưng vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Những tồn tại chính gồm có các thông tin về rủi ro rời rạc và thiếu, các quy định liên quan như quy hoạch không gian, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn an toàn và bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng được thực thi kém hiệu quả. Ví dụ, con số 2/3 hệ thống đê biển của Việt Nam hiện không đáp ứng đủ các yêu cầu an toàn theo quy định là một mối lo không nhỏ.

Trước những đe dọa trực tiếp của thiên nhiên, một kế hoạch hành động cụ thể là vô cùng cần thiết. Theo đó, WB đã đưa ra 5 lĩnh vực chiến lược cần được triển khai khẩn trương và dứt khoát. Đó là, cần cải thiện các công cụ dữ liệu và ra quyết định bằng cách xây dựng cơ sở dữ liệu thiên tai có thể truy cập công khai và hệ thống quản lý tài sản đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng. Cân nhắc yếu tố rủi ro trong quy hoạch phân vùng và không gian dựa trên thông tin sẵn có tốt nhất. Tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công bằng cách nâng cấp các công trình này tại những khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất và ít được bảo vệ, đồng thời cập nhật các tiêu chuẩn an toàn hiện có. Tận dụng các giải pháp dựa trên tự nhiên bằng cách khai thác khả năng bảo vệ và đóng góp phát triển kinh tế của hệ sinh thái một cách có hệ thống. Nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với thiên tai bằng cách nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm, tăng cường năng lực ứng phó của địa phương, cải thiện mạng lưới an sinh xã hội và thực hiện phân bổ ngân sách rủi ro toàn diện.

Vào thời điểm này, cho dù lượng khí thải nhà kính được cắt giảm đáng kể, các thành phố vẫn cần phải thích ứng với những ảnh hưởng tồi tệ của BĐKH trước khi các ảnh hưởng này có thể chững lại. Cách thức thích ứng tiềm năng bao gồm các giải pháp làm “xanh” thành phố: Bảo tồn các khu vực cây xanh và rừng trong đô thị, trồng thêm cây xanh ở mọi nơi có thể, sử dụng các cách thức phát triển ít ảnh hưởng đến môi trường và sử dụng mặt nước hồ ao và các kỹ thuật tái sử dụng nước mưa để làm mát đô thị.

Trong ứng phó với BĐKH, thay vì được coi một nơi tiêu thụ năng lượng khổng lồ, cần phải biến thành phố hoạt động như một “cây xanh” trong tự nhiên, có khả năng “đàn hồi”, tự phục hồi và có khả năng sản xuất nhiều năng lượng hơn mức tiêu thụ. 

Ở Việt Nam, trước thực tế gia tăng của bão, lụt chính quyền các thành phố sẽ phải quy hoạch phát triển đô thị tránh xa những vùng đất gần sông, biển và áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt phòng chống thiên tai hoặc di chuyển các cơ sở hạ tầng hay công trình trọng yếu ra khỏi các khu vực dễ bị lũ lụt. Các chiến lược xã hội bao gồm việc xác định các thành phần dân số dễ bị tổn thương trong trường hợp có bão và lũ. Các khu vực dân cư ở vùng bão lụt cần chuẩn bị để người dân có thể sử các công trình công cộng như trụ sở uỷ ban, trường học… làm nơi lánh nạn khi bão lụt xảy ra. Nhiều thành phố cần áp dụng các biện pháp tiết kiệm và tái sử dụng nước ngay từ hôm nay để đối phó với việc thiếu nước sinh hoạt trong tương lai.

Các đô thị ven biển cần chuẩn bị để đối phó với các hiện tương thiên tai bất thường. Kịch bản về nước biển dâng cần được lồng ghép vào tất cả các quyết định về quy hoạch phát triển đô thị. Dự báo về sự gia tăng các trận bão, lũ đòi hỏi chính quyền thành phố và các cơ quan có trách nhiệm cần áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế và xây dụng cao hơn.

Với ĐBSCL, mặc dù các dự báo cho rằng vùng này đang “chìm” dần trước nguy cơ nước biển dâng. Song điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta phải di dân phần lớn ra khỏi lãnh thổ để nhường chỗ cho biển. Trái lại, chúng ta phải chuẩn bị cho một tương lai sống chung với nước mặn nhiều hơn. Hệ thống đô thị sẽ là hậu phương vững chắc để giữ đất, giữ nước; làm căn cứ cho nông thôn trong quá trình chuyển dịch kinh tế phù hợp điều kiện mới. Bởi vậy, chính tại lúc này những hoạch định tiến ra gần hơn với biển tại các vị trí thuận lợi lại là cần thiết hơn bao giờ hết. Hệ thống đô thị, cộng với các tuyến giao thông thuỷ bộ kết nối chằng chịt giữa chúng, sẽ tạo dựng bộ khung xương cốt lõi cho vùng ĐBSCL. Bộ khung ấy cần đảm bảo hoạt động tốt ở cả kịch bản thấp và cao khi nước biển dâng trong 100 năm tới. Yếu tố căn bản để lựa chọn hình thái của bộ khung này là cao độ nền. Nói cách khác, bộ khung cần được hoạch định với phương châm “thuận thiên” tối ưu, căn bản dựa trên hình thế tự nhiên của vùng.

Nhìn tổng thể, đã đến lúc, các đô thị của Việt Nam cần phải lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, theo hướng bền vững, thông minh và có khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với BĐKH, giảm bất bình đẳng xã hội, tái tổ chức không gian đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế khu vực đô thị, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, bền vững và bao trùm. Đặc biệt, cần tăng cường tính liên kết và hỗ trợ giữa các đô thị trong mạng lưới đô thị vùng và đô thị quốc gia.