Tăng lương phải đồng thời với đẩy mạnh tinh giản biên chế

06:02 27/06/2024
Ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng lương đồng thời với đẩy mạnh tinh giản biên chế, đưa ra công thức tính tiền lương tỷ lệ với GDP hằng năm…

Đẩy mạnh hơn nữa cải cách, tinh giản biên chế

Chiều 26/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với đề xuất của Chính phủ áp dụng từ ngày 01/7/2024: Tiền lương của khu vực công, công chức, viên chức tăng 30%; bổ sung quy định tiền khen thưởng 10% lương cơ bản; điều chỉnh lương hưu 15%; trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công 35,7%; trợ cấp xã hội 38,9%.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: quochoi.vn.

Đặc biệt, đối với những người hưởng lương hưu từ trước năm 1995 được trợ cấp thêm 0,3 triệu đồng đối với người có mức lương thấp hơn 3,2 triệu đồng; hưởng lương thấp hơn 3,5 triệu đồng được điều chỉnh cho đủ 3,5 triệu đồng…

Tuy nhiên, các ĐBQH cũng đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo ổn định giá cả thị trường, chống lạm phát, nhất là những mặt hàng tiêu dùng không thể để "tát nước theo mưa" của thị trường, khi mỗi lần nhà nước tăng lương cơ sở thì thị trường tăng giá theo, ảnh hưởng đến đời sống của đông đảo của người dân lao động.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, bên cạnh tăng lương vẫn tiếp tục phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách tinh giản bộ máy biên chế, tích cực hơn nữa để thực hiện mục tiêu này; Phải quan tâm đến thuế giảm trừ gia cảnh. Mức sống tăng lên, chi phí tăng thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng. Tăng 30% lương, ít nhất giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí tăng đến 50%.

Tăng lương tỷ lệ với GDP

Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp có nêu, chúng ta đã cải cách tiền lương tới 4 lần, lần gần nhất là năm 2003. Nếu so sánh nền kinh tế năm 2003 với GDP khoảng 45 tỷ USD và nền kinh tế hiện nay với GDP hơn 450 tỷ USD, tức là tăng lên khoảng 10 lần, cho thấy việc cải cách tiền lương là rất cần thiết nhưng cải cách như thế nào cho phù hợp, tỷ lệ với tăng GDP là vấn đề cần thiết đặt ra.  

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương. Ảnh: quochoi.vn.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, qua nghe báo cáo giải trình của Bộ trưởng Bộ tài chính cho thấy, chúng ta tích trữ được 913.000 tỷ đồng để trả lương đợt này, là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay.

Nhưng nếu có cách thức quy về Quỹ tiền lương của khu vực công cũng như các doanh nghiệp nhà nước theo tỷ lệ GDP, rồi lập công thức; sau đó, GDP tăng tới chừng nào đủ lớn thì thay đổi tiền lương. Khi đó sẽ không phải là cải cách tiền lương; mà là tăng lương theo tăng GDP.

Lý giải về đề xuất này, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho biết, rõ ràng việc cán bộ, công chức quản lý một nền kinh tế 45 tỷ USD với 450 tỷ USD rất khác nhau. Nếu tiền lương chỉ tăng theo cách để chống lạm phát hoặc để bảo đảm đời sống thì không khuyến khích được cán bộ, công nhân, viên chức, không khuyến khích được những người làm ở khu vực công.

Khi làm ở khu vực công, ngoài việc tự hào về vị trí xã hội, còn phải yên tâm về thu nhập mới có thể gắn bó lâu dài, đó cũng là cách chống tham nhũng ngay từ đầu. Lương đủ lớn, đủ trang trải cuộc sống cũng là xứng đáng với cán bộ, công nhân, viên chức có đóng góp để GDP tăng trưởng. Khi đó, người ta cũng sẽ không muốn tham nhũng và e ngại khi dính vào tham nhũng vì có thể mất đi nguồn thu nhập rất lớn.  

Đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị, để cải cách một cách toàn diện tiền lương, phải đưa ra công thức tính và phải căn cứ vào GDP hằng năm. Về lâu dài, Chính phủ nên xem xét thực hiện giải pháp có căn cơ…

Bình luận