Thị trường carbon tự nguyện hình thành trên nhu cầu tiêu dùng khác nhau của các công ty, tổ chức nằm ngoài quy định giảm phát thải của Nhà nước. Nó cho phép các công ty và cá nhân có thể bù đắp trực tiếp lượng phát thải KNK của họ mà không cần ràng buộc pháp lý giữa các quốc gia và có thể được công nhận ở các hệ thống giao dịch phát thải tùy theo quy định của nước sở tại. Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước và công ty FDI tuyên bố cam kết trung hòa carbon hay phát thải ròng bằng “0”, nhu cầu cho tín chỉ bù đắp phát thải đang tăng nhanh.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) qua báo cáo của các doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế tín chỉ carbon và dữ liệu công bố bởi các cơ chế tín chỉ carbon, đến nay, Việt Nam đã có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký thực hiện theo các cơ chế tín chỉ carbon. Trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp hơn 40,2 triệu tín chỉ carbon và trao đổi trên thị trường carbon thế giới.
Hầu hết lượng tín chỉ các-bon của Việt Nam bán trên thị trường quốc tế đến từ lĩnh vực lâm nghiệp, thông qua các thỏa thuận trao đổi, mua bán tín chỉ carbon với các tổ chức, định chế tài chính quốc tế. Thực tế, nguồn cung tín chỉ carbon có thể đến từ bất kỳ hoạt động nào giúp giảm phát thải carbon.
Tính đến tháng 11/2022, hơn 7 triệu tín chỉ theo Tiêu chuẩn vàng (GS) được tạo ra từ các dự án khí sinh học, thủy điện nhỏ, điện mặt trời, điện gió, xử lý chất thải. Bên cạnh đó, 2,4 triệu tín chỉ theo Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) thuộc loại hình dự án nhu cầu năng lượng, công nghiệp năng lượng.
Đây là minh chứng cho định hướng đúng đắn của Nhà nước về các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam, với 5 ngành đóng góp chính: Năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, các quy trình công nghiệp và chất thải.
Hiện nay, Chính phủ đã có đề án xây dựng 1 triệu ha lúa chuyên canh giảm phát thải KNK tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, Ngân hàng Thế giới cam kết đồng hành cùng các địa phương thu hồi tín chỉ carbon.
Đây là gợi ý cho nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư tạo tín chỉ carbon trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Có rất nhiều dự án có thể thấy ngay về lợi ích giảm phát thải, chẳng hạn như năng lượng tái tạo thay thế cho nhiệt điện, xe điện thay xe động cơ đốt trong, hay lĩnh vực xử lý rác thải.
Trong lĩnh vực bất động sản, để có công trình đạt các-bon vận hành bằng “0”, các giải pháp ưu tiên là nâng cao hiệu suất năng lượng cho các tòa nhà, chuyển đổi nguồn năng dụng năng lượng của tòa nhà bằng năng lượng tái tạo tại chỗ hoặc từ bên ngoài.
Đi sâu vào trung hòa lượng carbon hàm chứa bên trong, công trình phải sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường và cần giải pháp thay thế cho lượng carbon hàm chứa còn lại. Theo ông Lưu Thị Thanh Mẫu - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, mục tiêu giảm thiểu phát thải KNK của Bộ Xây dựng là 74,3 triệu tấn CO2tđ, đến từ quy trình công nghiệp, tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng và vận hành tòa nhà.
Các doanh nghiệp, các tòa nhà thương mại phát thải lớn cùng nằm trong danh sách cơ sở bị kiểm soát việc phát thải KNK. Vì thế, các doanh nghiệp phải chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu mới, nỗ lực phát thải ròng bằng “0”. Nếu mức phát thải vượt quá hạn ngạch cho phép, doanh nghiệp có thể chọn giải pháp thay thế qua việc trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường. Nếu thừa, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn thu từ bán tín chỉ hoặc hạn ngạch phát thải.
Theo nhiều chuyên gia, vấn đề hiện nay là trong nước chưa có đơn vị đứng ra phát hành tín chỉ carbon đủ tiêu chuẩn quốc tế. Việc thuê các tổ chức thẩm định từ nước ngoài làm phát sinh thêm chi phí và không hiệu quả về mặt kinh tế.
Với loại hình tín chỉ carbon từ rừng được coi là mang lại lợi ích lớn nhất hiện nay, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, nhiều tỉnh thành sở hữu diện tích rừng lớn muốn tham gia chuyển nhượng tín chỉ carbon. Song vấn đề là giá bán bao nhiêu thì hợp lý?
Nếu Việt Nam bán và chuyển nhượng hết thì có thể tương lai sẽ phải mua lại với giá đắt hơn. Hiện nay, cơ quan quản lý đang xây dựng các khung pháp lý để địa phương, chủ rừng có thể chủ động xây dựng dự án, đàm phán chuyển nhượng tín chỉ carbon.
Nếu có đối tác muốn mua tín chỉ carbon rừng của từ hai tỉnh trở lên thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trực tiếp ký, nếu một tỉnh thì chủ tịch tỉnh có thể ký, và nếu mua của chủ rừng thì chủ rừng ký trực tiếp. Số tiền bán được sẽ chuyển về Quỹ Bảo vệ phát triển rừng Việt Nam để phân phối.
Ông Mark Glossoti - Giám đốc Phụ trách điều hành Công ty Climate Impact Exchange (Singapore):
Cần xác định nhu cầu tín chỉ carbon trong nước
Việt Nam có nhiều tiềm năng đưa tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm đáp ứng đầy đủ mục tiêu giảm phát thải của quốc gia theo cam kết trong NDC. Từ kinh nghiệm xây dựng và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon ở Singapore, tôi cho rằng, Việt Nam cần dành nhiều thời gian để xác định các bên cung - cầu tham gia sàn giao dịch và định lượng hàng hóa, nhất là phía bên cầu. Như vậy, sàn giao dịch sẽ sớm có tính thanh khoản.
Yêu cầu đặt ra là sản phẩm phải được chuẩn hóa, sàn có thể giao dịch trực tuyến, niêm yết các sản phẩm, dự án kèm theo thông tin minh bạch. Đặc biệt, phải có quy định, văn bản hướng dẫn chặt chẽ, hướng dẫn cho các bên về cách thức mua bán, giao dịch trên sàn, cách sử dụng tín chỉ carbon có trách nhiệm, cùng với cơ chế xác định giá để thị trường có điểm tham chiếu.
Việc áp dụng bù trừ phát thải từ tín chỉ quốc tế cũng như đẩy nhanh vận hành sàn giao dịch sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, đem lại nguồn thu lớn cho Việt nam, mở ra cánh cửa thu hút nguồn vốn đầu tư xanh, thậm chí là các dự án phát triển bền vững mang tầm quốc tế. Dữ liệu toàn diện về các nguồn phát thải do các cơ sở phát thải báo cáo sẽ cung cấp thông tin cho các quyết định đầu tư dài hạn của các công ty và nỗ lực của Chính phủ trong việc theo dõi tiến độ hướng tới các mục tiêu giảm phát thải.
Bà Helen He - Chuyên gia Tư vấn Tài chính khí hậu, Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC):
Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong thị trường carbon
Ngân hàng hay các định chế tài chính sẽ tham gia thị trường carbon ở góc độ là chủ sở hữu tín chỉ các-bon được tạo ra theo cơ chế tín chỉ các-bon quốc tế và trong nước. Họ cũng có thể là các nhà cung cấp vốn cho thị tường tài chính, bởi trong dài hạn, doanh nghiệp sẽ có nhu cầu vay vốn đầu tư chuyển đổi công nghệ theo hướng xanh hơn.
Ngân hàng thương mại có thể tham gia thị trường carbon bằng cách tạo thuận lợi cho dòng tài chính, thông qua các hoạt động: cho vay, cầm cố quyền phát thải carbon, bảo lãnh hoạt động mua bán carbon để tăng cường tín dụng, trái phiếu carbon... Một số dịch vụ quản lý tài sản tiềm năng như tư vấn giao dịch phát thải carbon, ký quỹ quyền phát thải carbon, phát hành các sản phẩm tài chính liên quan đến quyền phát thải carbon. Các hoạt động này sẽ góp phần tạo thêm doanh thu và thúc đẩy ngân hàng chuyển đổi cơ cấu kinh doanh theo hướng bền vững.
Một vai trò nữa không thể thiếu, đó là cung cấp hạ tầng tài chính cho giao dịch carbon. Ngân hàng sẽ cung cấp thẻ tín dụng carbon thấp, thực hiện bù trừ và thanh toán để hoàn tất giao dịch, cũng như cung cấp dịch vụ giám sát ký quỹ giao dịch...
GS.TS Trần Ngọc Thơ - Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh:
Ưu tiên doanh nghiệp chịu tác động từ CBAM thí điểm giao dịch tín chỉ
Với vai trò trung tâm phân phối - cửa ngõ xuất khẩu của cả nước, TP.HCM cần sớm xây dựng sàn trao đổi tín chỉ carbon và thí điểm vào năm 2025. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong nhóm ngành chịu ảnh hưởng bởi CBAM cần được ưu tiên tham gia thị trường ngay từ giai đoạn thí điểm, để giảm được những chi phí tăng lên theo yêu cầu từ phía EU. Việc này sẽ giúp không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu tại TP.HCM mà cả các tỉnh lân cận có được bài học, và trao đổi kinh nghiệm với nhau, trong bối cảnh các cơ chế tương tự CBAM sẽ lần lượt được các thị trường xuất khẩu áp đặt và mở rộng quy mô trong những năm tới.
Đối với các doanh nghiệp, nhiệm vụ cấp bách hiện tại là đảm bảo việc kiểm kê khí thải nhà kính được thực hiện đúng, đầy đủ và trung thực. Những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực tiềm tàng rủi ro như thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng... nên nghiên cứu và áp dụng sớm các giải pháp để giảm phát thải trong quá trình sản xuất, nhằm tránh việc vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường EU, để duy trì biên lợi nhuận.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội từ thị trường carbon tự nguyện trong nước và quốc tế có giá trị khoảng 0,7 - 1,4 nghìn tỷ USD. Việc thiếu vắng các quy định quản lý tín chỉ carbon tại Việt Nam đã đẩy dòng vốn trong nước đến các thị trường khu vực như Singapore, Thái Lan, Hồng Kông và Malaysia.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn