Tăng trưởng xanh không thể chạy theo phong trào

Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam có thể xem đây là cơ hội, là động lực mới của tăng trưởng kinh tế.

Phóng viên: - Thưa ông, thời gian gần đây chúng ta nói nhiều đến việc phải tìm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, trong đó “xanh hóa” nền kinh tế. Dẫu vậy cũng có ý kiến hoài nghi về khả năng “xanh hóa” nền kinh tế. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Quang Huân: - Ngay từ năm 1996, Liên Hợp quốc đã cảnh báo 5 mô hình tăng trưởng các quốc gia cần tránh, gồm: tăng trưởng không tiếng nói, tăng trưởng không việc làm, tăng trưởng không gốc rễ, tăng trưởng không lương tâm và tăng trưởng không văn hóa.

Nếu đi theo những mô hình tăng trưởng này, một ngày nào đó ta sẽ phải quay trở lại “sửa chữa”, tốn kém hơn rất nhiều. Có nghĩa nếu chúng ta không hướng đến tăng trưởng bền vững thì môi trường bị tàn phá, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, và nền kinh tế chỉ phát triển đến một ngưỡng nào đó sẽ phải dừng lại.

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trên thế giới đang hướng tới mô hình gọi là “Tổ chức màu xanh ngọc”, tức vừa kinh doanh xuất sắc, vừa hướng tới sự phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết sẽ thực hiện lộ trình đưa nền kinh tế về trạng thái phát thải khí carbon bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đây là cam kết chính trị cao, và cũng là mục tiêu nền kinh tế Việt Nam đang hướng đến.

Dù hiện nay vẫn đang tồn tại một số ý kiến bày tỏ sự hoài nghi về điều này, nhưng nếu mọi người nhìn tăng trưởng xanh giống như “cuộc chơi” của các nước lớn, trong khi Việt Nam là nước nghèo, đó là quan điểm không đúng. Bởi khi đã là xu thế chung của thế giới buộc chúng ta phải tham gia, phải hòa nhập chung vào dòng chảy đó, chứ không thể đứng ngoài.

Cũng như khi nói đến tăng trưởng mà không nhấn mạnh đến chất lượng tăng trưởng, rất khó phát triển. Khi nói đến phát triển bền vững phải nói đến 3 yếu tố, gồm: văn hóa, môi trường và xã hội.

 Ông Nguyễn Quang Huân, UV Ủy ban Khoa học, CN&MT của Quốc hội, cho rằng tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam có thể xem đây là cơ hội, là động lực mới của tăng trưởng kinh tế. 

- Nhưng “xanh hóa” trong môi trường DN cũng như nền kinh tế đang là áp lực hiện hữu, khi mà thời gian qua nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam đòi hỏi khắt khe hơn về “xanh” cho sản phẩm xuất khẩu?

- Tôi cho rằng áp lực đang hiện hữu, nhưng áp lực này cũng chính là động lực để Việt Nam chọn con đường tăng trưởng xanh. Bởi nếu không lựa chọn, nguy cơ hàng hóa của ta không thể vào được các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu. Tăng trưởng xanh đánh trực tiếp vào năng suất lao động và doanh thu của DN.

Đơn cử như trong năm nay, châu Âu bắt đầu áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), đánh thuế carbon trên một số ngành hàng. Nếu hàng hóa Việt Nam không tuân thủ rất khó để cạnh tranh với các nước khác. Theo tính toán, chỉ cần đánh thuế thêm khoảng 100-107USD/tấn carbon hoặc 1 tín chỉ carbon, hàng hóa của ta sẽ “đội giá” lên, không khác gì đánh thuế khi không được công nhận là kinh tế thị trường.

Thực tế cho thấy, trong xu hướng chuyển đổi xanh, ngày càng nhiều DN tại Việt Nam thể hiện sự quan tâm tới các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Khi thực hành ESG, đòi hỏi DN sẽ phải tuân thủ yêu cầu về môi trường, cần cải tiến công nghệ, áp dụng nguồn năng lượng mới.

Tuy nhiên, đổi lại, sẽ giúp DN không chỉ tuân thủ đúng quy định pháp luật mà còn đáp ứng yêu cầu thị trường, dẫn đến năng lực cạnh tranh của các DN sẽ cao hơn, và từ đó sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn xanh dễ dàng hơn.

- Theo báo cáo khảo sát của VCCI, nhiều DN cho biết vẫn đang gặp phải khó khăn khi thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh sang “xanh hóa”. Ông nhìn nhận thế nào về thực tế này?

- Để chuyển đổi mô hình nhanh chóng và thực hiện tăng trưởng xanh không dễ. Bởi khi nền kinh tế đã “xanh” thì năng suất lao động phải cao, tiêu thụ điện năng/1 đơn vị sản phẩm phải giảm để giảm phát thải khí nhà kính. Để đạt mục tiêu Net Zero 2050 là mục tiêu thách thức.

Thực tế, ngay sau cam kết Net Zero của Việt Nam tại COP26, chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đã bị lạc hậu. Vì vậy, Thủ tướng đã ký 2 quyết định, gồm: Quyết định 888 kế hoạch thực hiện mục tiêu Net Zero và Quyết định 896 về biến đổi khí hậu đến năm 2050.

Theo kế hoạch, các ngành công nghiệp, nông lâm nghiệp, giao thông vận tải... đều phải giảm phát thải để đến năm 2050, lượng phát thải chỉ còn 258 triệu tấn. Để trung hòa lượng phát thải này, Việt Nam có một lựa chọn là trồng rừng, nhưng công suất rừng chỉ hấp thụ 80 triệu tấn khí thải. Nếu muốn hấp thu 258 triệu tấn phải gấp 3 công suất rừng hiện nay. Vậy đất trồng rừng lấy từ đâu, đây cũng là vấn đề thách thức.

Thực tế, Chính phủ đã nhìn thấy được điều này khi ban hành Quyết định 896. Bởi kể cả có làm được điều đó số lượng tiền cần có là 268 tỷ USD cho cả công cuộc chống biến đổi khí hậu. Còn nếu tính riêng chuyển dịch năng lượng cần khoảng 240 tỷ USD từ nay đến 2040. Đây là số tiền rất lớn, nếu không có chính sách thu hút vốn tư nhân rất khó thực hiện.

- Vậy ông có khuyến nghị các giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn nói trên?

- Đầu tiên là vấn đề về nguồn lực để DN thực hiện chuyển đổi mô hình. Theo đó, các ngành nghề lĩnh vực cần phải tham gia, từ năng lượng, bao gồm xi măng (đốt than ở các lò xi măng), giao thông vận tải cho đến nông nghiệp, lâm nghiệp. Hầu như tất cả mọi lĩnh vực trong ngành kinh tế đều có thể tham gia vào quá trình phát triển xanh.

Riêng ngành nông nghiệp của chúng ta cũng xả thải khí metan gần như đứng đầu thế giới. Hiện Bộ NN&PTNT cũng đang rất quyết tâm để nông nghiệp xanh hơn, vì lượng phân bón, thuốc trừ sâu và cách tưới tiêu đang không hiệu quả gây ra nhiều hậu quả cho môi trường.

Nói cách khác, bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, việc nâng cao nhận thức của DN để DN hiểu về lợi ích lâu dài của chuyển đổi mô hình và quyết tâm thực hiện mới đóng vai trò quyết định.

- Xin cảm ơn ông.

Nguồn: dttc.sggp.org.vn

Bình luận