Phản biện

Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Tổng Liên đoàn Lao động là cơ quan chủ quản xây dựng NƠXH

Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Tổng Liên đoàn Lao động là cơ quan chủ quản xây dựng NƠXH

Yên Ninh Yên Ninh - 09:41, 27/10/2023

Tạp chí Xây dựng - Bộ xây dựngÝ kiến nhiều ĐBQH thống nhất phương án Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng NƠXH bằng nguồn tài chính công đoàn, đồng thời cũng đặt ra vấn đề cần tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có cơ sở thực hiện.

Cần giải pháp cân đối nguồn lực bảo đảm tính khả thi

Chiều 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Ý kiến nhiều ĐBQH đồng tình phương án Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng NƠXH chỉ bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách NƠXH cho thuê.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái phát biểu tại Nghị trường. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa mặn mà với đầu tư NƠXH, việc quy định Tổng LĐLĐVN tham gia đầu tư xây dựng NƠXH bằng nguồn tài chính công đoàn để cho công nhân, người lao động có nhu cầu về nhà ở thuê là cần thiết; phát huy nguồn lực phát triển xã hội theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước; tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng NƠXH, nhà ở cho công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân và người lao động.

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận thống nhất với ý kiến của UBTVQH là Tổng LĐLĐVN cần có các giải pháp cân đối nguồn lực để đảm bảo tính khả thi của dự án đầu tư, do đây là các dự án nhà ở cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài.

Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung quy định của một số Luật có liên quan để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Tổng LĐLĐVN có cơ sở triển khai thực hiện.

Đề nghị Tổng LĐLĐVN cần có những cơ chế, chính sách hợp lý để quản lý, thực hiện việc đầu tư và cho thuê NƠXH để nâng cao hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí các nguồn lực đầu tư.

Phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và có dự báo

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cũng tán thành với phương án 1 trao quyền cho Tổng LĐLĐVN là chủ đầu tư NƠXH. Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 80 dự thảo Luật quy định: “Cho phép Tổng LĐLĐVN là chủ thể quản lý dự án đầu tư xây dựng NƠXH cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH thuê”.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu tại Nghị trường. Ảnh: quochoi.vn.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, theo quy định này thì đối tượng được thuê NƠXH do Tổng LĐLĐVN đầu tư lại thu hẹp hơn so với các đối tượng tại Điều 76 của dự thảo Luật. Nên mở rộng đối tượng được phép thuê NƠXH do Tổng LĐLĐVN đầu tư, vì khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê thì rất dễ dẫn đến tình trạng nếu như công nhân, người lao động có nhu cầu chưa thuê hết thì nhà ở cho thuê vẫn thừa mà rất nhiều đối tượng khác thuộc Điều 76 có nhu cầu nhưng không thể thuê, vì do không thuộc đối tượng công nhân và người lao động.

Vì vậy, để đảm bảo đúng mục đích, nhiệm vụ hoạt động của Tổng LĐLĐVN, nhưng vẫn khai thác tối đa hiệu quả việc đầu tư NƠXH, chỉ nên quy định các dự án NƠXH do Tổng LĐLĐVN đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân và người lao động thuê.

Bên cạnh đó, cần phải quy định các dự án NƠXH do Tổng LĐLĐVN đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và có dự báo nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động tại địa bàn có dự án.

Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết, tại Thiết chế công đoàn Hà Nam đã hoàn thành và đưa vào sử dụng gồm 244 căn hộ gắn kết với các công trình văn hóa, hạ tầng kỹ thuật, các căn hộ có giá thuê phù hợp với mức thu nhập của người lao động và tỷ lệ thuê đạt 100%, được công nhân, người lao động tại Hà Nam và cả nước đón nhận.

Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu tại Nghị trường. Ảnh: quochoi.vn.

Tổng LĐLĐVN hiện đã có Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn có đầy đủ tư cách pháp nhân, có đủ các phòng chuyên môn để thực hiện đầu tư các dự án và tổ chức triển khai các dự án theo quy định pháp luật về xây dựng và đầu tư.

Đây là ban quản lý dự án chuyên ngành được thành lập theo quy định Điều 62 và Điều 63 của Luật Xây dựng năm 2014, như các ban quản lý chuyên ngành khác thuộc các bộ, ngành và UBND tỉnh, đủ năng lực triển khai dự án nhà ở cho công nhân, người lao động khi được giao làm chủ đầu tư.

Như vậy, có thể thấy Tổng LĐLĐVN có đủ năng lực, kinh nghiệm triển khai mà không ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chính trị khác.

Vấn đề quy định Tổng LĐLĐVN là chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp thu hút nhiều đại biểu quan tâm, UBTVQH báo cáo 2 phương án.

Phương án 1, tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng LĐLĐVN theo hướng quy định Tổng LĐLĐVN là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án NƠXH để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án NƠXH, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện (không bao gồm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) để nâng cao tính khả thi.

Phương án 2, chưa quy định Tổng LĐLĐVN là chủ đầu tư dự án NƠXH trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Đề nghị Tổng LĐLĐVN xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng LĐLĐVN là chủ đầu tư dự án NƠXH trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

 

Ý kiến của bạn