Tạo hành lang pháp lý huy động nguồn lực phát triển cây xanh, công viên đô thị

09:07 08/11/2023
Trong quá trình phát triển, các đô thị ở Việt Nam đã và đang gặp phải những thách thức rất lớn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là thiếu các công viên cây xanh để nâng cao chất lượng môi trường sống, điều hòa không khí và tạo không gian cảnh quan.

Ngày 07/11, tại Ninh Bình, Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức HealthBridge Canada tổ chức Hội thảo Tham vấn về chính sách quản lý phát triển công viên, cây xanh đô thị.

Ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đỗ Quang. 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến tháng 6/2023, hệ thống đô thị của Việt Nam có 898 đô thị (gồm 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 95 đô thị loại IV và 697 đô thị loại V), tăng 269 đô thị so với năm 1999; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42% (tăng trung bình mỗi năm 1%).

Trong quá trình phát triển, các đô thị ở Việt Nam đã và đang gặp phải những thách thức rất lớn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là thiếu các công viên cây xanh để nâng cao chất lượng môi trường sống, điều hòa không khí và tạo không gian cảnh quan. Tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2 - 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2/người và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25m2/người.

Trước thực trạng đó, ông Tạ Quanh Vinh cho biết, việc phát triển cây xanh, công viên đô thị đang được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương ngày càng quan tâm. Đảng, Nhà nước đã ban hành những chủ trương, định hướng liên quan đến công tác phát triển cây xanh, công viên đô thị, như Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Ban chấp hành Trung ương Đảng đặt ra nhiệm vụ chú trọng cải thiện chất lượng không khí, cây xanh, không gian vui chơi, giải trí trong các đô thị, khu dân cư, nhất là các thành phố lớn.

Trong khi đó, tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của cây xanh đô thị, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8 m2/người; đến năm 2030 đạt khoảng 8-10m2/người.

Việt Nam cũng tham gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). Theo đó, tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng triển khai thực hiện SDG 11.7 về bảo đảm tiếp cận không gian công cộng xanh, an toàn và thân thiện cho toàn dân.

Cũng theo ông Tạ Quang Vinh, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và nhiệm vụ của Chính phủ giao, thời gian qua, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn tổ chức rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển cây xanh, công viên đô thị để kịp thời hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý thuận lợi huy động nguồn lực vào phát triển cây xanh, công viên đô thị.

Qua công tác rà soát, pháp luật chuyên ngành về quản lý cây xanh, công viên đô thị hiện chỉ có Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 về quản lý cây xanh đô thị. “Tuy nhiên sau hơn 13 năm thực thi, các quy định có liên quan của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 chưa đủ cụ thể để đi vào cuộc sống và các quy định của Nghị định số 64/2010/NĐ-CP đã bộc lộ những điểm hạn chế trong thực tiễn quản lý, đặc biệt là thiếu các quy định về quản lý, phát triển công viên” - ông Tạ Quang Vinh nhấn mạnh.

Đánh giá vai trò của cây xanh đô thị, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam cho rằng: Cây xanh không chỉ tạo ra ôxi, giúp không khí trong lành hơn, góp phần quan trọng bảo vệ sức khoẻ con người mà còn là điểm nhấn đô thị, làm đẹp cho xã hội, là thương hiệu của đô thị.

“Tuy nhiên cây xanh ở đô thị, nhất là đô thị lớn đang thiếu, chưa đảm bảo chỉ tiêu về diện tích, mật độ nên rất cần cơ quan chức năng quan tâm, đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề này, thậm chí cần thiết xây dựng luật về cây xanh đô thị để định hướng và tạo hành lang pháp lý” - ông Trần Ngọc Chính cho biết.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Đỗ Quang.

Tại Hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học, nhà quản lý đã cùng chia sẻ, thảo luận và đóng góp ý kiến, giải pháp nhằm quản lý phát triển hạ tầng công viên, cây xanh đô thị đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, xoay quanh một số nội dung:

Thứ nhất là các giải pháp, chính sách để nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với công tác lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch và thiết kế cây xanh, công viên đô thị; thu hút, đa dạng hóa nguồn lực vào đầu tư phát triển cây xanh, công viên đô thị.

Thứ hai là các giải pháp chính sách về quản lý tài sản hạ tầng cây xanh, công viên đô thị để bảo đảm công khai, minh bạch và tránh lãng phí, thất thoát nguồn lực.

Thứ ba giải pháp, chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý, duy trì, khai thác cây xanh, công viên đô thị, tạo không gian và môi trường sống tốt hơn cho người dân.

Các ý kiến thảo luận tại Hội thảo sẽ là cơ sở để Bộ Xây dựng nghiên cứu hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý phát triển cây xanh, công viên đô thị.

Bình luận