Sáng 16/10, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Hội đồng thẩm định liên ngành đã tổ chức Hội nghị đánh giá Đề án phân loại đô thị TP Hà Tĩnh mở rộng, tỉnh Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại II.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng làm Chủ tịch Hội đồng. Dự Hội nghị có ông Trần Báu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; đại diện các cục, vụ chức năng của Bộ Xây dựng và đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội là thành viên Hội đồng thẩm định.
TP Hà Tĩnh mở rộng cơ bản đảm bảo các tiêu chuẩn đô thị loại II
TP Hà Tĩnh là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo, dịch vụ, khoa học, du lịch; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh.
TP Hà Tĩnh được công nhận là đô thị loại III vào năm 2007; được công nhận là đô thị loại II vào năm 2019. Trên cơ sở Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc và Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Hà Tĩnh được xác định đến năm 2025 là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Theo báo cáo tại Hội nghị, phạm vi Đề án phân loại đô thị TP Hà Tĩnh mở rộng, tỉnh Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại II bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của TP Hà Tĩnh và 14 xã giáp ranh liền kề thuộc các huyện Thạch Hà, Lộc Hà và Cẩm Xuyên.
Cụ thể gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 11 xã (Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Hội, Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Thắng, Thạch Trị, Thạch Văn, Tượng Sơn, Tân Lâm Hương và Thạch Đài) thuộc huyện Thạch Hà; toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 02 xã (Cẩm Vịnh và Cẩm Bình) thuộc huyện Cẩm Xuyên; toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hộ Độ thuộc huyện Lộc Hà.
Tổng hợp 5 tiêu chí, đô thị TP Hà Tĩnh mở rộng đạt trung bình 83,43 điểm, đạt tiêu chuẩn đô thị loại II theo quy định.
Trong đó có 30 tiêu chuẩn đạt điểm tối đa; 19 tiêu chuẩn đạt trên mức tối thiểu nhưng chưa đạt điểm tối đa; 08 tiêu chuẩn đạt điểm tối thiểu; 06 tiêu chuẩn chưa đạt điểm.
Các tiêu chuẩn chưa đạt điểm gồm: Thu nhập bình quân đầu người so với trung bình cả nước; tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị; mật độ đường giao thông đô thị; quy chế quản lý kiến trúc hoặc quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị; công trình xanh; khu chức năng đô thị, khu đô thị mới được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh.
Trong khi đó, kết quả rà soát, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với các xã dự kiến thành lập phường thuộc TP Hà Tĩnh như sau: Khu vực dự kiến thành lập phường Thạch Hạ đạt 12/13 tiêu chuẩn; Khu vực dự kiến thành lập phường Thạch Trung đạt 13/13 tiêu chuẩn; Khu vực dự kiến thành lập phường Thạch Hưng đạt 12/13 tiêu chuẩn; Khu vực dự kiến thành lập phường Đồng Môn đạt 10/13 tiêu chuẩn.
Đối chiếu với Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, khu vực các xã dự kiến thành lập phường thuộc TP Hà Tĩnh đã đáp ứng các tiêu chuẩn của phường thuộc thành phố đô thị loại II.
Đảm bảo sự phù hợp của Đề án về phạm vi ranh giới và các quy hoạch liên quan
Tại Hội nghị, Thường trực Hội đồng thẩm định đánh giá Hồ sơ Đề án thực hiện đúng quy định, tuân thủ quy trình, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Qua đánh giá 5 tiêu chí của đô thị loại II, đô thị TP Hà Tĩnh mở rộng đạt 81,59/100 điểm.
Hồ sơ rà soát, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với các xã dự kiến thành lập phường thuộc TP Hà Tĩnh đã đáp ứng các tiêu chuẩn của phường thuộc thành phố (đô thị loại II).
Các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá Hồ sơ Đề án được chuẩn bị kỹ càng và bài bản. Tuy nhiên đối với 4 xã dự kiến thành lập phường, Hội đồng lưu ý cần có tầm nhìn trong việc hoạch định, đặc biệt trong định hướng xây dựng hệ thống hạ tầng khung; hạ tầng giao thông, hạ tầng cấp thoát nước, đặc biệt của khu vực dự kiến thành lập phường; đẩy nhanh tốc độ xây dựng quy chế quản lý kiến trúc; định hướng đầu tư công trình xanh, đô thị xanh; bổ sung đánh giá rủi ro thiên tai và biện pháp phòng chống thiên tai; triển khai các chính sách phát triển nông nghiệp đô thị…
Đồng thời làm rõ hơn việc đánh giá hiện trạng, đặc biệt là công tác đầu tư phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm, đầu tư các khu vực dự kiến thành lập phường; cũng như có kế hoạch cụ thể hơn nữa trong việc tập trung nguồn lực hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu, còn yếu.
Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội nghị, đồng thời khẳng định chậm nhất 15/11 tới đây tỉnh sẽ phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc.
Đại diện lãnh đạo tỉnh cũng làm rõ một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn cây xanh, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, và cam kết chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo; cũng như có phương hướng khắc phục các tiêu chí còn thiếu, còn yếu…
Ông Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) lưu ý UBND tỉnh Hà Tĩnh chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo, đảm bảo sự phù hợp của Đề án về phạm vi ranh giới và các quy hoạch liên quan.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đánh giá cao sự quyết tâm, chuẩn bị hồ sơ công phu của tỉnh Hà Tĩnh; cơ bản thống nhất về sự phù hợp của các nội dung đề xuất với chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển đô thị liên quan.
Thứ trưởng đề nghị địa phương sớm hoàn thiện hồ sơ Đề án trên cơ sở tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Hội đồng, cũng như thực hiện rà soát bảng biển, chịu trách nhiệm toàn bộ về tính chính xác của số liệu, báo cảo giải trình…; cũng như chịu trách nhiệm phê duyệt các quy hoạch phân khu liên quan.
Đối với 4 xã dự kiến thành lập phường, diện tích đất nông nghiệp còn lớn, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo theo quy định, Thứ trưởng đề nghị làm rõ hơn nội dung này trong hồ sơ Đề án.
Cùng với đó, tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát chương trình phát triển đô thị; quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, xử lý nước thải, cũng như quan tâm đến quyền lợi những người bị ảnh hưởng bởi quy hoạch, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện các tiêu chí hạ tầng theo chỉ đạo của Trung ương…
100% thành viên Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đề án, với 83,3/100 điểm; trong đó không có tiêu chí nào trong 5 tiêu chí dưới mức tối thiểu. Khu vực các xã dự kiến thành lập phường đã đáp ứng các tiêu chuẩn của phường thuộc đô thị loại II.