Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 Chương và 54 Điều (giảm 5 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 54 Điều, bỏ 7 Điều, bổ sung mới 2 Điều).
Riêng về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Điều 25), trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng xác định nội dung, lĩnh vực được phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát, xác định khung pháp lý cần thiết để TP Hà Nội cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn Thành phố, phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền Thành phố, trong đó cho phép miễn trừ áp dụng một số quy định trong Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết, Nghị định phù hợp với phạm vi, yêu cầu, mục đích thử nghiệm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, quy định như vậy là phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo cơ sở để TP Hà Nội có thể thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế các giải pháp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, đưa Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành một trong các trung tâm đi đầu về đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.
Tuy nhiên, do cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, UBTVQH đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các Bộ, ngành để hoàn thiện quy định này.
Nên giới hạn lĩnh vực được phép thử nghiệm
Riêng về phạm vi các nội dung có thể được áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, có một số ý kiến thảo luận, góp ý của các ĐBQH đề nghị nên giới hạn cụ thể hơn những nội dung, lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát.
Góp ý về nội dung quy định này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, đây là quy định đầu tiên ở cấp độ Luật, điều chỉnh vấn đề quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, mở rộng hơn nhiều so với cơ chế thử nghiệm áp dụng cho TP.HCM trong Nghị quyết số 98 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt, dự thảo Luật nên quy định theo hướng giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao UBND Thành phố quyết định. Theo kinh nghiệm quốc tế, các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định nhưng thường là: Tài chính, ngân hàng (Fintech); giáo dục (Edtech); Y tế (Medtech).
Đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, theo số liệu tham khảo hiện thế giới có 73 nước có quy định thử nghiệm có kiểm soát tập trung công nghiệp, công nghệ số vào các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội.
Trong khi đó, Điều 25 dự thảo Luật Thủ đô quy định về định nghĩa có chế thử nghiệm có kiểm soát, phạm vi thử nghiệm, quyền hạn quyết định, giới hạn không gian, thời gian, đối tượng, thủ tục… có tính chất bao quát như Luật chuyên ngành.
Theo đại biểu Trần Văn Khải, quy định tại dự thảo Luật Thủ đô dễ xung đột pháp luật chuyên ngành, quy định trước Luật chuyên ngành khi chưa có nghiên cứu đầy đủ vì thực tiễn ta chưa làm; trong khi chưa có nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về vấn đề này và có những giải trình rõ ràng…
Cùng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, Điều 25 cần tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện. Trong đó, cần lưu ý phải có các tiêu chí, nghiên cứu đưa ra danh mục thử nghiệm gắn trực tiếp với xu hướng chung, sự phát triển của Thủ đô. Không nên để phạm vi quá rộng.
Nội dung thực hiện tại dự thảo luật là phù hợp, tuy nhiên phần kiểm soát, cơ chế hướng dẫn kiểm soát lại quá chặt chẽ, dẫn tới khó thực hiện trên thực tế…