Một số giá trị vượt trội mà giải pháp của Autodesk có thể mang lại cho việc xây dựng các công trình hạ tầng giao thông có thể kể đến như:
- Mô hình BIM của Autodesk được tích hợp hệ thống thông tin địa lý (GIS) giúp xây dựng các thành phố thông minh hơn bằng cách thúc đẩy tích hợp tính năng thông minh vị trí và thiết kế, giúp tổng hợp tất cả các loại thông tin dễ dàng hơn - bao gồm 2D, 3D, chụp ảnh thực tế, từ đó cung cấp cho các thành phố thuộc mọi quy mô một bức tranh hoàn chỉnh để họ có thể đưa ra quyết định thông minh hơn về việc vận hành và bảo trì các tài sản của công trình hiện có, mô phỏng các dự án cơ sở hạ tầng trong tương lai trong bối cảnh vị trí và môi trường tự nhiên của chúng, thậm chí dự đoán và ưu tiên những thách thức trong tương lai như biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và đô thị hóa hàng loạt.
- Tính năng Mobility Simulation (mô phỏng di động) trong Autodesk InfraWorks cung cấp mô phỏng chuyển động trong thế giới thực và trực quan hóa thực tế, mang đến phân tích dựa trên dữ liệu về các hành trình từ đầu đến cuối khi đi bộ, trên phương tiện giao thông công cộng… giúp xác định trước các vấn đề khi di chuyển qua các công trình công cộng như sân bay, toà nhà, trung tâm trung chuyển...
- Các nền tảng hợp nhất như Autodesk Construction Cloud không chỉ giúp lưu trữ và quản lý dữ liệu dự án một cách an toàn trên đám mây mà còn quản lý các nhóm lớn cộng tác viên từ xa, hợp lý hóa quy trình công việc, tiết kiệm thời gian quý báu và xử lý các dự án ngày càng phức tạp hiệu quả hơn. Và chính nhờ Autodesk Construction Cloud, Autodesk đã thành công phát triển nền tảng số hoá tích hợp (Integrated Digital Delivery) cho Chính phủ Singapore nhằm tạo ra một nơi lưu trữ, cộng tác thông tin cho dự án giúp tăng sự chính xác, tin cậy, và làm giảm rủi do cho dự án.
- Mô hình BIM cũng giúp quản lý ngân sách, tiến độ dự án một cách hiệu quả: tận dụng lợi thế dữ liệu để ra quyết định thông qua việc ứng dụng BIM, đồng thời mang lại tầm nhìn tổng quan về dự án: tiến độ ra sao, những rủi ro tiềm tàng, những lỗ hổng trong quá trình triển khai. Đặc biệt, các thông tin này đều được trực quan hóa để người dùng có thể dễ dàng theo dõi và khai thác thông tin. Thậm chí, nhà đầu tư hay người dân cũng có thể truy cập vào ứng dụng để có được thông tin cũng như nâng cao lòng tin vào chính phủ trong việc triển khai dự án cũng như thu hút thêm các khoản đầu tư.
Một cách ngắn gọn, mô hình BIM của Autodesk sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng và đáp ứng các mục tiêu chiến lược của dự án như lập kế hoạch nguồn vốn cho hệ thống vận chuyển linh hoạt, hiện đại hoá hệ thống giao thông hạ tầng thông qua việc phân phối dự án kỹ thuật số, tối ưu hoá chi phí dự án hay nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu suất vận hành.
Ông Haresh Khoobchadani - Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương & Nhật Bản của Autodesk chia sẻ, Autodesk mong muốn hợp tác chặt chẽ với Bộ GTVT để có thể cung cấp các giải pháp công nghệ số trong lĩnh vực GTVT; hướng dẫn ứng dụng BIM cũng như hỗ trợ đào tạo nhân lực đối với sinh viên ngành công nghệ thông tin và các cán bộ, nhân viên của cơ quan chức năng về công nghệ số và cách thức sử dụng.
Autodesk tin tưởng, với kinh nghiệm, chuyên môn và các thông lệ tốt nhất trên thế giới, Autodesk có thể đồng hành sâu sắc với Bộ GTVT trong việc hỗ trợ giải quyết những thách thức hiện có của ngành như an toàn giao thông, đảm bảo tiến độ dự án, nâng cao hiệu quả, hiệu suất.
Hiện nay, chuyển đổi số trong ngành GTVT và logistics là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên được Chính phủ đặc biệt quan tâm và đưa ra những chỉ đạo quyết liệt.
Trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã đưa các hoạt động của Bộ lên môi trường số, hướng tới việc quản lý và điều hành dựa trên cơ sở dữ liệu với 3 lĩnh vực chính ưu tiên bao gồm kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải và an toàn giao thông.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT đang được triển khai rất mạnh mẽ và có rất nhiều cơ hội để ứng dụng các phần mềm, chương trình kỹ thuật trong các hoạt động của Bộ GTVT.
Bộ GTVT luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, những tập đoàn, doanh nghiệp sở hữu nhiều công nghệ mang tính ứng dụng cao tham gia vào các khâu, các quá trình thực hiện dự án cũng như sau khi đưa dự án vào sử dụng, nhằm đảm bảo công trình giao thông an toàn cho người tham gia giao thông cũng như bảo vệ tuổi thọ công trình.
Trước đó, vào chiều 11/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã tiếp đón và làm việc với ông Haresh Khoobchadani - Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương & Nhật Bản của Autodesk.
Tại buổi làm việc, trước mong muốn ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý dự án của Bộ GTVT, ông Haresh Khoobchadani đã giới thiệu về ứng dụng Mô hình Thông tin xây dựng (BIM) - giải pháp mà Autodesk đã hợp tác, hỗ trợ Chính phủ nhiều nước trên thế giới trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng như dự án xây dựng sân bay quốc tế Bangalore tại Ấn Độ hay dự án xây dựng đường hầm tại Na Uy.