Tập trung đầu tư các hạng mục kết cấu hạ tầng trong các khu, điểm du lịch

06:39 26/02/2025
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh mục tiêu tập trung đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư cho các hạng mục kết cấu hạ tầng trong các khu, điểm du lịch.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 382/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Bộ VHTT&DL

Hình thành các khu vực động lực phát triển du lịch

Đối với dự án đầu tư công, các dự án ưu tiên đầu tư của ngành du lịch được đề xuất trong quy hoạch được phân thành các nhóm dự án về: Chuyển đổi số; đầu tư phát triển hạ tầng; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; quảng bá, phát triển thương hiệu; bảo tồn phát huy giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường...

Cùng với đó là các dự án có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết, tạo đột phá cho phát triển du lịch gắn với hình thành các khu vực động lực phát triển du lịch, các trung tâm du lịch, hệ thống các khu du lịch quốc gia và các hành lang kết nối phát triển du lịch để thúc đẩy, lan tỏa phát triển du lịch, kinh tế - xã hội trên các vùng và cả nước.

Đồng thời tập trung đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư cho các hạng mục kết cấu hạ tầng trong các khu, điểm du lịch (đặc biệt là các khu du lịch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền công nhận); xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu; phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường du lịch và nghiên cứu ứng dụng công nghệ.  

Hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá và phát triển thương hiệu ở tầm quốc gia và cấp vùng; phát triển sản phẩm mới; phát triển nguồn nhân lực...  

Các loại hình dự án quan trọng dự kiến ưu tiên trong lĩnh vực du lịch

Đối với dự án sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, việc triển khai các dự án phải đảm bảo nguyên tắc: Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ định hướng ưu tiên phát triển hệ thống du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để tổ chức thu hút các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công.

Loại hình dự án quan trọng dự kiến ưu tiên:

Thứ nhất, khu vực tư nhân là nguồn lực chính tập trung đầu tư cho phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu và các công trình hạ tầng chức năng thuộc các khu, điểm du lịch.  

Thứ hai, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng và vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch, tập trung vào các hạng mục: hệ thống hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch; hệ thống hạ tầng trong các khu, điểm du lịch; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

Thứ ba, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, tập trung vào các hạng mục: đầu tư phát triển hệ thống thương hiệu du lịch Việt Nam, hệ thống sản phẩm du lịch đồng bộ, đa dạng; ưu tiên các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, đặc sắc theo vùng, miền và dựa trên bản sắc văn hóa Việt Nam và thế mạnh về sinh thái, văn hóa các vùng miền; phát triển các cơ sở dịch vụ du lịch gắn với các loại hình du lịch tạo sự đồng bộ, hiện đại, tiện nghi trong các khu du lịch, điểm du lịch.

Thứ tư, đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch, tập trung vào các hạng mục: nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; đầu tư cho cơ sở đào tạo du lịch, xây dựng các chuẩn kỹ năng và đào tạo theo chuẩn trình độ, nâng cao chất lượng giáo viên, đầu tư cho đào tạo nhân lực bậc cao, nhân lực quản lý; ưu tiên đầu tư phát triển nhân lực du lịch vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Thứ năm, đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá, tập trung vào các hạng mục: tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài; tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch liên vùng, liên địa phương; quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện; phát triển marketing điện tử trên nền tảng số; xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển các ứng dụng quảng bá du lịch; sản xuất ấn phẩm, vật phẩm phục vụ xúc tiến, quảng bá du lịch.  

Thứ sáu, đầu tư phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch, tập trung vào các hạng mục: tôn tạo tài nguyên du lịch; bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh và di sản thế giới; khôi phục nghề thủ công truyền thống; bảo vệ môi trường du lịch; lồng ghép với các chương trình dự án đầu tư bảo vệ, tôn tạo di tích, môi trường...

Về xác định nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch, Quyết định nêu rõ sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ các nguồn: (i) vốn khu vực nhà nước: nguồn ngân sách nhà nước; nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch; (ii) vốn khu vực ngoài nhà nước: nguồn vốn huy động từ khu vực tư nhân (bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài). 

Đồng thời, có cơ chế phù hợp để tạo mọi điều kiện thuận lợi và khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch. 

Ngành Du lịch Việt Nam năm 2024 đã đạt được nhiều con số ấn tượng, như: Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,5 triệu lượt (tăng 38,9%); khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt (tăng 1,6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng (tăng 23,8%).

Năm 2025, ngành Du lịch đặt mục tiêu phục hồi hoàn toàn như trước dịch COVID-19; phấn đấu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa và duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9% mỗi năm. Ngành cũng đặt mục tiêu đóng góp trực tiếp 6-8% vào GDP với 980 - 1.050 tỷ đồng doanh thu.

Đến năm 2030, du lịch đặt mục tiêu thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; đón 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa.

Bình luận