Đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt; nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quán triệt quan điểm xây dựng pháp luật theo hướng vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Đồng thời chủ động, tích cực, khẩn trương đề xuất các đề nghị xây dựng pháp luật cho những vấn đề mới, xu hướng mới, nhất là liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…, góp phần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, công nghệ mới, tạo đột phá cho phát triển đất nước.
Ưu tiên nguồn lực, xác định hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá"; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tập trung rà soát, chủ động phát hiện, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, tháo gỡ nhanh nhất những "điểm nghẽn" có nguyên nhân từ quy định pháp luật.
Ngoài ra, chủ động kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, lựa chọn các nội dung, vấn đề quan trọng, cấp thiết, liên quan đến lĩnh vực của Bộ, cơ quan, địa phương để đăng ký vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2025.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương thực hiện tổng kết 07 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công.
Các Bộ, cơ quan, địa phương tăng cường hoạt động của các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các Bộ, cơ quan, địa phương có mức phân bổ vốn lớn nhưng tốc độ giải ngân chậm. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai giải ngân vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động rà soát, phát hiện khó khăn, vướng mắc, có giải pháp tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời.
Phát huy hiệu quả các Hội đồng điều phối vùng, thúc đẩy liên kết vùng gắn với tăng cường xúc tiến đầu tư; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng.
Các Bộ: Tài chính, GD&ĐT, TT%TT, TN&MT khẩn trương hoàn thiện quy hoạch ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tập trung xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp yếu kém, tồn đọng, kéo dài
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương tập trung triển khai các nhiệm vụ giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Đổi mới toàn diện và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tiến tới cung cấp dịch vụ công toàn trình, cá nhân hóa và dựa trên dữ liệu.
Khẩn trương khảo sát, tổng hợp, xác định nhóm vấn đề vướng mắc liên quan đến các dự án để báo cáo, đề xuất Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương xây dựng, hoàn thiện hệ thống ngành kinh tế xanh, quy định về chuyển đổi xanh, cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Nghị quyết cũng nêu nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia; thúc đẩy thị trường trong nước và xuất khẩu; chủ động, tích cực phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường hơn nữa công tác chống lãng phí; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội và khí thế phấn khởi, nỗ lực thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra…