Bộ Xây dựng góp ý hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Dự án vay vốn ODA Đan Mạch, nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và bền vững.
Bộ Xây dựng đề nghị các bên nghiên cứu các quy định hiện hành để giải quyết, thực hiện nhằm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và không làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan.
UBND tỉnh Quảng Bình và chủ đầu tư Dự án cần tập trung huy động nguồn lực, chỉ đạo thực hiện và cam kết hoàn thành Dự án trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ đồng ý gia hạn triển khai thực hiện đến tháng 9/2025. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ Dự án nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện cũng như năng lực thực hiện của nhà thầu.
Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư ngày 07/8/2007, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư ngày 09/8/2021 với tổng mức đầu tư hơn 14,9 triệu EURO, trong đó vốn ODA của Đan Mạch hơn 5 triệu EURO, thời gian thực hiện Dự án đến 31/12/2022.
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, đến nay, khối lượng thực hiện gói thầu chính của Dự án mới đạt hơn 67%, giải ngân vốn nước ngoài đạt hơn 5,87 triệu EURO tương đương 59%. Các nguyên nhân dẫn đến việc chấm dứt Hợp đồng có nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Trong đó, về nguyên nhân khách quan, Điều khoản 2.4 của nội dung Hợp đồng đã ký kết không quy định rõ ràng dẫn đến có cách hiểu khác nhau. Chủ đầu tư có nhiều văn bản giải thích việc phân bổ vốn theo kế hoạch trung hạn và hằng năm cho Dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, trong khi nhà thầu yêu cầu chứng minh việc thu xếp tài chính cho đến khi kết thúc Dự án, bao gồm cả phần B của Hợp đồng và phần phát sinh.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện Dự án xảy ra các phát sinh khối lượng ngoài hợp đồng, 02 bên không thống nhất, làm phát sinh khiếu nại của nhà thầu, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án.
Quy trình thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian Hiệp định vay, bố trí vốn nước ngoài kéo dài nên việc chứng minh khả năng tài chính của chủ đầu tư chưa kịp theo kiến nghị của nhà thầu. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình thi công Dự án.
Ngoài ra, cũng có nguyên nhân chủ quan từ phía nhà thầu thực hiện hợp đồng quá chậm so với tiến độ ký kết. Năng lực quản lý của nhà thầu rất hạn chế và thiếu phối hợp trong xử lý các vấn đề phát sinh.
Phương án và kế hoạch thi công của nhà thầu phụ chưa hợp lý và phù hợp với thực tế. Quá trình thi công không bảo đảm biện pháp thi công đã phê duyệt, thường xuyên gián đoạn, không hoàn trả mặt bằng, mặt đường kịp thời, máy móc thường xuyên hỏng, thi công chưa đảm bảo ATGT, VSMT gây bức xúc trong dân chúng và chính quyền địa phương…
Chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm trong thương thảo, quản lý hợp đồng dạng hợp đồng Fidic; thiếu kinh nghiệm làm việc với nhà thầu nước ngoài; thiếu kỹ sư Fidic nên việc trao đổi, thỏa thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu về các khiếu nại, phát sinh mất nhiều thời gian.
Dự án chậm tiến độ và giải ngân không hết nguồn vốn bố trí trong 02 năm 2017, 2018 nên Chính phủ đã không bố trí vốn kế hoạch năm 2019 đợt 1 cho Dự án. Do đó, chủ đầu tư không thanh toán kịp cho một số hóa đơn thanh toán của nhà thầu nên nhà thầu yêu cầu chủ đầu tư chứng minh tài chính cho đến hết Dự án, sau đó giảm tiến độ thi công trên công trường và đơn phương chấm dứt hợp đồng Dự án.
UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện và giải ngân thỏa thuận vay để tiếp tục hoàn thành Dự án.