Theo kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024 được tỉnh Tây Ninh phê duyệt, tỉnh Tây Ninh dự kiến phát triển khoảng 28 nghìn căn nhà ở.
Trong đó, hơn 3 nghìn căn NƠXH, tương đương khoảng 156 nghìn m² sàn. Cụ thể, 800 căn NƠXH cho người có thu nhập thấp; hơn 1.600 căn nhà ở công nhân cụm, khu công nghiệp và 593 căn nhà ở thuộc chương trình hỗ trợ cho các đối tượng chính sách xã hội.
Báo cáo kết quả phát triển nhà ở của UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, trong năm 2023, tỉnh Tây Ninh đang triển khai các dự án NƠXH, bao gồm: Dự án chung cư NƠXH Thành phố Vàng do Công ty CP Đầu tư Thành phố Vàng làm chủ đầu tư đang xây dựng khu 1A đạt tỷ lệ đạt khoảng 73%; khu 2A đạt khoảng 2,5%; Dự án Khu dân cư Vạn Phát Hưng do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Nam Phong làm chủ đầu tư đang triển khai các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng, quy mô 107 căn; Dự án nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Phước Đông do Công ty TNHH Jinju Tire (Việt Nam) làm chủ đầu tư, quy mô 302 căn.
Trước đó, vào đầu tháng 12/2023, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch phát triển NƠXH trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến năm 2025, tỉnh Tây Ninh tập trung xây dựng, hoàn thành đạt 5 nghìn căn NƠXH.
Trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh Tây Ninh phấn đấu hoàn thành khoảng 6,9 nghìn căn hộ NƠXH. Theo UBND tỉnh Tây Ninh, nguồn vốn để phát triển NƠXH bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng (từ gói Chương trình tín dụng khoảng 120 nghìn tỷ đồng và các gói tín dụng khác) và vốn ngân sách Nhà nước (nếu có) để hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND tỉnh Tây Ninh đã đề ra các giải pháp triển khai, tổ chức thực hiện.
Thứ nhất, đôn đốc các chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao.
Thứ hai, các địa phương, BQL Khu kinh tế tỉnh phải xác định rõ nhu cầu, vị trí, quỹ đất phù hợp đầu tư xây dựng NƠXH, dành quỹ đất tại các cấp độ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu kinh tế, quy hoạch xây dựng nông thôn theo quy định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện;
Rà soát các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo đồng bộ với các quy hoạch, chương trình, kế hoạch có liên quan làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, triển khai hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch.
Thứ ba, lập danh mục dự án NƠXH kêu gọi đầu tư, công khai giới thiệu quỹ đất để các doanh nghiệp nghiên cứu tham gia phát triển NƠXH; yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng KCN đầu tư xây dựng nhà ở công nhân theo quy hoạch chi tiết được duyệt đảm bảo các hình thức bán, cho thuê, cho thuê mua.
Thứ tư, các dự án đầu tư xây dựng KĐT có quy mô sử dụng đất từ 20 ha tại các đô thị loại IV trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở tại đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng NƠXH.
Thứ năm, cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách để khuyến khích, ưu đãi kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển NƠXH;
Rà soát, công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh danh mục các dự án NƠXH đủ điều kiện vốn ưu đãi; chú trọng phát triển nhà trọ, nhà cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng;
Ban hành các quy định, hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng các khu nhà trọ, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, góp phần hạn chế việc xây dựng nhà không phép, kém chất lượng.
Thứ sáu, tăng cường tuyên truyền các chính sách, đối tượng điều kiện được mua, thuê mua, thuê NƠXH trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành; Kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển NƠXH, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh.
Thứ bảy, đánh giá kết quả phát triển NƠXH, tổ chức xây dựng Đề án tổng thể phát triển NƠXH tỉnh giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp tình hình phát triển kinh tế xã - hội và Quy hoạch tỉnh Tây Ninh được duyệt.