Thách thức không hề nhỏ! Thách thức không hề nhỏ!

Thách thức không hề nhỏ!

Cho đến nay, khi tổng hợp chuỗi những sự kiện liên quan đến việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” (sau đây gọi tắt là Đề án), nhằm lo nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước mới thấy rằng, thách thức càng ngày càng lớn!

Theo mục tiêu đặt ra, từ 2017 đến năm 2018, phấn đấu hoàn thành 10 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ năm 2018 – 2020, hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đến năm 2030, phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn, từ đó nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và công nhân lao động bằng những việc làm cụ thể và thiết thực.

Thế nhưng, cho đến nay, mới chỉ có… 1 thiết chế ở Hà Nam đi vào hoạt động, mà cũng chỉ mới ở giai đoạn 1!

Tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ Khóa XV diễn ra chiều 29/8/2023 đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), việc có nên để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư NƠXH, nhà lưu trú công nhân vẫn nóng bỏng và nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, có cơ sở để đưa ra quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư NƠXH, nhà lưu trú công nhân để bảo đảm giải quyết hiệu quả vấn đề nhà ở, nâng cao đời sống cho người lao động.

Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư NƠXH, nhà lưu trú công nhân là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nêu quan điểm, việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư NƠXH, nhà lưu trú công nhân là quy định có mục đích nhân văn, góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển NƠXH chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được các nguồn đầu tư, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân trong giai đoạn hiện nay. Đối tượng thụ hưởng của các chính sách về NƠXH, nhà lưu trú công nhân là người lao động có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, khi cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương không đồng tình quy định việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư NƠXH, nhà lưu trú công nhân.

Ông cho rằng cần nghiên cứu lại chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các tổ chức chính trị - xã hội, có nên làm chủ đầu tư NƠXH hay không. Việc này nên giao cho UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện làm.

Ông đặt vấn đề với tình hình tinh giản biên chế như hiện nay, Tổng Liên đoàn sẽ không đủ lực lượng để làm chủ đầu tư NƠXH, nhà lưu trú công nhân.

Đồng tình với ý kiến của ông Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cân nhắc việc Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư NƠXH.

Theo bà Nga, ngay việc cho thuê như đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động cũng cần có đánh giá tác động toàn diện.

Trước 2 luồng ý kiến của các ĐBQH, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng đây là nội dung lớn, hoàn toàn mới, vì vậy, cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, đặc biệt là tính khả thi của nguồn lực thực hiện để tránh lãng phí, đề nghị nghiên cứu, xem xét thực hiện thí điểm một thời gian để đánh giá tính hiệu quả trước khi quy định rõ trong luật.

Trở lại những sự kiện trước đây, trong thực tiễn kể từ khi triển khai Đề án, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thực hiện thí điểm tại tỉnh Hà Nam và Quảng Nam và gặp nhiều ách tắc về mặt pháp lý.

Để minh chứng điều này, khi trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết, vướng mắc lớn nhất khiến các dự án thiết chế công đoàn tại nhiều địa phương bị tắc nghẽn trong giai đoạn thí điểm là Tổng Liên đoàn các tỉnh, thành phố là chủ đầu tư xây dựng dự án nhưng theo quy định pháp luật hiện hành thì Liên đoàn Lao động là tổ chức chính trị - xã hội, không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu thương mại, nhà ở bán và cho thuê. 

Từ đó dẫn đến thực tế, thiết chế công đoàn tại Hà Nam đã hoàn thiện xong năm 2019 nhưng vẫn phải bỏ không vì Tổng Liên đoàn không thể thực hiện việc bán và cho thuê hạng mục nhà ở.

Đến tháng 11/2020, Quyết định số 1729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ được phần nào vướng mắc nói trên để Đề án thiết chế công đoàn được triển khai thuận lợi. Đó là, Liên đoàn Lao động thực hiện triển khai các hạ tầng cơ bản và hạng mục thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao… Còn hạng mục nhà ở sẽ kêu gọi các doanh nghiệp bất động sản tham gia.

Sau khi được tháo gỡ về mặt pháp lý, theo thông tin mới nhất, đến nay, tỷ lệ lấp đầy tại thiết chế công đoàn ở Hà Nam đã đạt trên 90%. Tuy nhiên, vì đây là dự án thí điểm nên sự tháo gỡ này chỉ là tạm thời, chứ không thể áp dụng cho các thiết chế tiếp theo bởi “vướng” những quy định khác của pháp luật.

Chẳng hạn, theo Khoản 2 Điều 27 của Luật Công đoàn về “Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn” thì không có mục nào liên quan đến cụm từ “đầu tư”

“2. Tài chính công đoàn được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của Công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn, bao gồm các nhiệm vụ sau đây:

a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;

b) Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;

c) Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn vững mạnh;

d) Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn phát động;

đ) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn;

e) Tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch cho người lao động;

g) Tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới;

h) Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động;

i) Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;

k) Trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách;

l) Chi cho hoạt động của bộ máy công đoàn các cấp;

m) Các nhiệm vụ chi khác”.

Như vậy, nếu kể cả khi Tổng Liên đoàn Lao động tham gia đầu tư NƠXH thông qua doanh nghiệp trực thuộc có chức năng sản xuất, kinh doanh, chứ không thể trực tiếp làm chủ đầu tư thì có liên quan đến nguồn tài chính này không và có phải sửa đổi gì đó trong Luật Công đoàn không?

Thách thức lớn như vậy, nhưng ngày 07/7/2023, khi Đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khảo sát thực tiễn thi hành Luật Nhà ở tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư NƠXH cho công nhân lao động không nhằm mục đích lợi nhuận, không nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp bất động sản mà nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm lo cho người lao động. Nhất là trong bối cảnh thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động tại các KCN, khu chế xuất trên cả nước còn hết sức khó khăn, nhu cầu về nhà ở rất lớn, trong khi thực tế đáp ứng nhà ở cho người lao động còn thấp.

Chính vì mục đích nhân văn như vậy mà nhiều người đã ủng hộ việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư NƠXH và có lẽ vì đó mà Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”.

Phần kết bài viết này cho rằng, cần phải nhìn nhận một điều quan trọng, nếu vướng về pháp lý thì vì mục tiêu cao cả, luật có thể sửa, nhưng nếu vướng về con người thì hậu quả sẽ khôn lường.

Chỉ xin nói về năng lực quản trị thuần túy mang tính kỹ thuật, luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài kinh tế Việt Nam phân tích, khi người mua, tức là công nhân, tầng lớp lao động, những vấn đề mà họ quan tâm nhất khi lựa chọn một căn nhà là giá cả, chất lượng công trình, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ kèm theo, cho dù là mua để ở hay chỉ thuê ở. Như vậy, dù là nhà ở công nhân, NƠXH thì mỗi công trình nhà ở cũng phải đồng bộ, được xây dựng trong một tổ hợp dự án bất động sản hay tiểu đô thị phức hợp. 

Nguyễn Hoàng Linh
Nguyễn Thạc Cường