Đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình:

Thách thức và cơ hội phát triển du lịch đô thị bền vững

Phát triển đô thị Ninh Bình theo hướng đô thị di sản xanh, thông minh bền vững và thích ứng với kinh tế du lịch sẽ tạo ra một môi trường du lịch hấp dẫn, tiện nghi và bền vững; đồng thời bảo tồn giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên độc đáo của đô thị di sản đặc biệt này.
Thách thức và cơ hội phát triển du lịch đô thị bền vững
Quần thể danh thắng Tràng An. Ảnh: INT

1. Đô thị di sản thiên niên kỷ - hợp nhất TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư 

Ngày 04/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 218/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch này, TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư sẽ hợp nhất thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, hướng đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với định hướng là "Đô thị di sản thiên niên kỷ" và "Thành phố sáng tạo".

Ninh Bình sẽ là trung tâm du lịch bền vững, nổi bật về công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản và du lịch, tạo thương hiệu mạnh trong nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngành công nghiệp văn hóa, gắn với kinh tế sáng tạo và kinh tế di sản, được định hướng là mũi nhọn trong phát triển kinh tế.

Hình 1. Vị thế và mối liên hệ vùng của tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình là cửa ngõ cực Nam khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, ở vị trí giao thoa giữa 3 vùng kinh tế: vùng Hà Nội, duyên hải Bắc Bộ và duyên hải miền Trung. 

Bảng 1. Đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình - Hợp nhất TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư     

Khác với Hà Nội, Huế và Hội An - những đô thị di sản nổi bật với thương hiệu văn hóa lịch sử trong khu vực nội thành như kinh thành, khu phố cổ, hệ thống di tích và cảnh quan đô thị lịch sử, Đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình mang ý nghĩa “đưa di sản vào đô thị”.

Di sản Ninh Bình là sự kết hợp các giá trị văn hóa, lịch sử và thiên nhiên của khu vực Hoa Lư - Tràng An, tập trung ở huyện Hoa Lư, với đặc trưng cảnh quan sinh thái nông thôn.

Nếu đô thị được nhìn nhận như một không gian kinh tế - xã hội khác biệt với nông thôn, thì đây sẽ vừa là thách thức vừa là cơ hội để xây dựng mô hình phát triển kinh tế và du lịch đô thị đặc trưng cho TP Ninh Bình khi hợp nhất với huyện Hoa Lư.

Hình 2. Bản đồ thực trạng bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, sinh thái tỉnh Ninh Bình 

2. Các khái niệm và thuật ngữ liên quan

Đô thị là khu vực tập trung dân cư với mật độ cao, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp và diễn ra các hoạt động kinh tế, xã hội một cách tập trung.

Hình 3. Du lịch đô thị di sản Hoa Lư - Ninh Bình theo cấu trúc không gian

Đô thị di sản là những thành phố có giá trị lịch sử, văn hóa, hoặc kiến trúc đặc trưng và thường được bảo tồn nhằm lưu giữ các đặc điểm đặc trưng của quá khứ. Mục tiêu phát triển của đô thị di sản là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, đồng thời duy trì sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội, thu hút khách du lịch.

Du lịch đô thị phát triển trong phạm vi đô thị, ưu tiên khai thác các tài nguyên du lịch đặc trưng của đô thị để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách. Hiện nay, Ninh Bình vẫn còn thiếu các sản phẩm và dịch vụ du lịch đặc trưng mang dấu ấn đô thị, chưa phát huy được các giá trị cốt lõi của đô thị trong khu vực nội thành, cần chú trọng nghiên cứu và phát triển trong thời gian tới.

Phát triển du lịch đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của nhiều đô thị, đồng thời góp phần thực hiện “Chương trình Nghị sự Đô thị mới” và Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó có mục tiêu 11: Xây dựng các thành phố và khu định cư hòa nhập, an toàn, kiên cường và bền vững.

Du lịch đô thị tập trung vào trải nghiệm du lịch trong các thành phố lớn, trong khi đô thị du lịch là những thành phố có tiềm năng du lịch đặc biệt và nhận được đầu tư mạnh mẽ để phát triển du lịch.

Phát triển du lịch đô thị di sản Hoa Lư - Ninh Bình cần dựa trên cách tiếp cận tổng thể về không gian đô thị và cân bằng mối quan hệ “cung - cầu” trong thị trường du lịch đô thị.

Điều này đòi hỏi phát triển kinh tế không được gây tổn hại đến các giá trị văn hóa và thiên nhiên, đồng thời bảo tồn và phát huy những tài nguyên này để đáp ứng nhu cầu du lịch hiện tại và tương lai.

Bảng 2: Sản phẩm và thị trường du lịch đô thị Ninh Bình mở rộng

Ghi chú: “V,VV,VVV” thể hiện mức độ quan tâm của thị trường du lịch

3. Phân tích Swot và đánh giá tiềm năng di sản Ninh Bình

Việc hợp nhất TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, sẽ phát huy được tiềm năng hệ thống di sản văn hóa đa dạng và cảnh quan thiên nhiên phong phú để phát triển kinh tế du lịch, thúc đẩy du lịch đô thị TP Ninh Bình. 

Bảng 3: Phân tích SWOT về đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình 

Phương pháp đánh giá có thể áp dụng cho phạm vị TP Ninh Bình, hoặc một khu vực hoặc một điểm đến du lịch bằng cách sử dụng các chỉ số, phân tích để xác định tiềm năng di sản văn hóa của địa điểm và đưa ra khuyến nghị phát triển du lịch bền vững. 

Hình 4. Quần thể danh thắng Tràng An, khu du lịch sinh thái Tràng An và các vùng bảo tồn

Ngày 23/6/2014, UNESCO đã công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. (Cố đô Hoa Lư, Nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, Vườn chim Thung Nham, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long)

Đánh giá tiềm năng của đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình có thể dựa trên bốn yếu tố chính: (1) Yếu tố nền tảng: Khả năng của địa điểm trong việc tạo ra những trải nghiệm du lịch văn hóa độc đáo và hấp dẫn cho du khách; (2) Yếu tố cơ sở: Mức độ hỗ trợ của cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đối với sự phát triển du lịch văn hóa; (3) Yếu tố môi trường: Cam kết và khả năng tạo dựng một môi trường bền vững, thân thiện cho du khách; (4) Yếu tố cộng đồng: Sự ủng hộ và cam kết của cộng đồng địa phương cùng với khả năng quản lý và bảo tồn di sản.

Bảng 4: Đánh giá tiềm năng đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình

Ghi chú: các trọng số từ 1 -10 (đánh giá theo chủ quan của tác giả)

4. Áp dụng công cụ Soar và mô hình Pestle phân tích đánh giá đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình đến năm 2035

Bên cạnh phân tích SWOT phổ biến hiện nay, ma trận SOAR và mô hình PESTLE là các công cụ phân tích, đánh giá và cung cấp một cái nhìn toàn diện về môi trường ngoại vi và các yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và hoạt động trong lĩnh vực kinh tế du lịch của đô thị di sản. 

Hình 5. Ma trận SOAR & Mô hình PESTEL

Công cụ SOAR: là gộp của 4 chữ cái đầu của các từ tiếng Anh -  Strengths (Thế mạnh), Opportunities (Cơ hội), Aspirations (Khát vọng) và Results (Kết quả). Áp dụng SOAR có thể giúp chúng ta hình dung về tương lai tích cực, sẽ hỗ trợ hiệu quả khả năng đưa ra quyết định; nâng cao đạo đức và nhận thức của các bên liên quan trong xây dựng và phát triển đô thị thiên niên kỷ Ninh Bình đến năm 2035. 

Bảng 5: Phân tích SOAR cho đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình

Mô hình PESTLE bao gồm 6 yếu tố: Chính trị (Political); Kinh tế (Economic); Xã hội (Social); Công nghệ (Technological); Pháp lý (Legal) & Môi trường (Environmental) được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực quản lý chiến lược. PESTEL giúp các nhà quản lý đưa ra các chiến lược và biện pháp phù hợp, tận dụng các cơ hội và giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra để đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ di sản trong quá trình phát triển du lịch đô thị di sản Ninh Bình, cụ thể là:

Bảng 6: Mô hình PESTLE cho đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình

(Ghi chú: Cần lưu ý rằng Phương pháp SWOT, SOAR, PESTLE chỉ là công cụ hỗ trợ, các đánh giá trên mang tính chủ quan của tác giá để tham khảo. Việc áp dụng cần thực hiện chi tiết phải dựa trên sự phân tích thực tế và sự tham gia của các bên liên quan như chính quyền địa phương, các chuyên gia, các tổ chức du lịch và cộng đồng địa phương)

Hình 6. Các di sản văn hóa - lịch sử ở Ninh Bình

Dựa trên các công cụ đánh giá đã nêu, một số hướng phát triển bền vững cho đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình đến năm 2035 có thể được đề xuất như sau: (1) Tăng cường quản lý phát triển đô thị, đồng thời bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa, hệ sinh thái tự nhiên; (2) Tập trung đầu tư vào hạ tầng du lịch, đặc biệt là du lịch đô thị, nâng cao chất lượng dịch vụ để cải thiện trải nghiệm du khách; (3) Xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp cận các thị trường mới nhằm thu hút du khách quốc tế; (4) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành; (5) Tạo cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào ngành du lịch và các dự án du lịch bền vững.

5. Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam trong quản lý phát triển đô thị di sản

Luang Prabang, Lào: Là cố đô của Lào, Luang Prabang được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới nhờ thành công trong việc duy trì và bảo tồn kiến trúc truyền thống và cảnh quan thiên nhiên. Thành phố này phát triển du lịch văn hóa với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương và du khách quốc tế, thông qua các hoạt động và sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hóa.

Kyoto, Nhật Bản: Cố đô Kyoto, được mệnh danh là thủ đô văn hóa của Nhật Bản, là một điểm đến du lịch nổi tiếng với hàng loạt đền thờ Phật giáo, đền Thần đạo, cung điện, và vườn cảnh, nhiều trong số đó được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Với dân số gần 1,47 triệu người, Kyoto là một ví dụ điển hình về bảo tồn và quản lý di sản văn hóa trong môi trường đô thị hiện đại. Kyoto đã thành công trong việc bảo tồn di tích lịch sử và truyền thống văn hóa, đồng thời phát triển mô hình du lịch bền vững tôn trọng các giá trị truyền thống.

Cairo, Ai Cập: Là thủ đô và đô thị lớn nhất của Ai Cập, Cairo có dân số hơn 18 triệu người và là vùng đô thị đông dân nhất châu Phi. Thành phố này thể hiện quá trình giao thoa văn hóa, quản lý phát triển đô thị, và bảo tồn cảnh quan đô thị, đồng thời tạo ra các điểm đến văn hóa, không gian công cộng, và du lịch bền vững với sự gắn kết của cộng đồng địa phương.

Hội An, Việt Nam: Dù không phải là cố đô của Việt Nam, Hội An là đô thị cổ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1998. Thành phố đã thành công trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa qua các biện pháp bảo vệ cấp quốc gia và quốc tế, tạo dựng mô hình du lịch bền vững và tích cực tương tác với cộng đồng địa phương.

Cố đô Huế, Việt Nam: Với nguồn tài nguyên văn hóa phong phú và di sản kiến trúc đặc sắc, Huế đã phát triển du lịch đô thị qua việc bảo tồn, phục dựng di sản, quản lý môi trường, và nâng cao nhân lực du lịch. Thành phố này cũng chú trọng vào các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên di sản, như tham quan các di tích cổ, ẩm thực địa phương, lễ hội truyền thống, và làng nghề. Các hoạt động hợp tác công – tư cũng được phát triển để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia, cùng với việc quảng bá và tiếp thị hiệu quả, giúp Huế trở thành điểm đến nổi bật và hấp dẫn du khách quốc tế.

Bài học từ các đô thị di sản: Các yếu tố quan trọng để xây dựng một đô thị du lịch bền vững và thu hút bao gồm tập trung vào bảo tồn di sản, quản lý môi trường, đào tạo nhân lực, phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, hợp tác công - tư, và quảng bá hình ảnh hiệu quả. Những kinh nghiệm quốc tế này là cơ sở tham khảo quan trọng cho quá trình quản lý và phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình.

6. Định hướng phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình theo hướng xanh, thông minh và bản sắc - cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản

Phát triển đô thị Di sản thiên niên kỷ Ninh Bình theo hướng xanh, thông minh và đậm bản sắc là mục tiêu quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của cố đô Hoa Lư và gìn giữ cảnh quan sinh thái tự nhiên nơi đây. Cần nhấn mạnh tầm quan trọng của một mô hình phát triển bền vững, trong đó các hoạt động kinh tế, du lịch, và văn hóa đều hướng đến tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường. Ninh Bình có tiềm năng trở thành hình mẫu phát triển đô thị di sản với sự cân bằng giữa bảo tồn, phục dựng và phát triển kinh tế di sản. Dưới đây là một số yếu tố cần xem xét:

6.1. Quy hoạch đô thị di sản theo hướng xanh, sinh thái

Đô thị Ninh Bình, với dân số dưới 200.000 người trên diện tích hơn 150 km² và mật độ dân cư thấp, có nhiều cơ hội để phát triển thành một “thành phố vườn” - một đô thị xanh, thông minh và đậm bản sắc, đồng thời trở thành sản phẩm du lịch đô thị sinh thái thực thụ.

Quy hoạch đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đô thị di sản Ninh Bình theo định hướng kinh tế du lịch, với các chính sách và giải pháp hướng tới bảo vệ và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

♦ Quy hoạch bền vững: quy hoạch xây dựng tạo điều kiện cho sự kết nối hài hòa giữa các khu vực, đảm bảo môi trường sống hấp dẫn và bền vững cho cộng đồng.

♦ Quy hoạch không gian và sử dụng đất hiệu quả: Xác định rõ vị trí và chức năng của các khu vực xanh, khu dân cư, khu phát triển bất động sản, khu công nghiệp, khu văn hóa và du lịch, cùng hạ tầng giao thông, giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất.

♦ Áp dụng công nghệ và phương pháp thân thiện với môi trường: Sử dụng công nghệ trong quản lý tài nguyên và du lịch để giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng, và tạo ra môi trường đô thị xanh và sinh thái.

Hình 7. Quy hoạch cấu trúc đô thị Ninh Bình

6.2. Xây dựng đô thị di sản thông minh và đổi mới sáng tạo

Phát triển đô thị di sản thông minh kết hợp với kinh tế du lịch cần đảm bảo sự phát triển bền vững, thông qua các giải pháp tiết kiệm năng lượng, quản lý chất thải, gìn giữ văn hóa địa phương và khuyến khích các loại hình du lịch bền vững như du lịch sinh thái và du lịch văn hóa.

Mục tiêu là tối ưu hóa lợi ích kinh tế, đồng thời bảo tồn và bảo vệ di sản văn hóa cùng môi trường. Các nguyên tắc xây dựng đô thị di sản thông minh xoay quanh việc sử dụng công nghệ và thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm tăng cường tính bền vững, hiệu quả và tiện nghi trong quản lý đô thị di sản. Các yếu tố chính bao gồm:

♦ Quản lý tài nguyên thông minh: Bao gồm năng lượng, nước và chất thải, nhằm giảm lãng phí, tăng cường hiệu quả sử dụng và bảo vệ môi trường trong đô thị di sản.

♦ Phát triển giao thông xanh, thông minh: Giảm ùn tắc, tiết kiệm năng lượng, và thúc đẩy sự di chuyển bền vững, đồng thời bảo vệ môi trường và di sản văn hóa.

♦ Kết nối và cung cấp thông tin: Đảm bảo thông tin chi tiết về di sản, điểm đến, hoạt động và dịch vụ du lịch được cung cấp cho khách một cách hiệu quả, an toàn.

♦ Trải nghiệm du lịch tương tác: Kết hợp công nghệ với di sản văn hóa để tạo ra các trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn, gia tăng giá trị cho du lịch.
♦ Quản lý thông minh và an toàn dữ liệu du lịch: Đảm bảo an toàn cho du khách, kiểm soát lưu lượng khách, và bảo vệ các di sản văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm du lịch.

6.3. Xây dựng hình ảnh và bản sắc đô thị

Bản sắc đô thị là sự kết hợp hài hòa của các yếu tố vật thể và phi vật thể, trong đó cảnh quan, địa hình thiên nhiên, và các đặc điểm văn hóa lịch sử đóng vai trò nền tảng. Một đô thị có bản sắc thường chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và kiến trúc đặc trưng, tạo ra không gian sống độc đáo, thu hút du khách và xây dựng bản sắc riêng.

Việc xây dựng hình ảnh và bản sắc đô thị di sản Ninh Bình đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát triển đô thị này. Cần đảm bảo sự phát triển diễn ra một cách cân nhắc, không gây tổn hại đến giá trị di sản văn hóa. Các nguyên tắc chính bao gồm:

♦ Bảo tồn và tôn vinh di sản văn hóa: Đảm bảo việc bảo vệ và phục hồi các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, khu phố cổ, và các yếu tố văn hóa truyền thống, gìn giữ giá trị nguyên bản của đô thị di sản.

♦ Xác định hình ảnh đô thị và phong cách kiến trúc đặc trưng: Quy chế quản lý kiến trúc cần chú trọng sự hài hòa của công trình xây mới với phong cách kiến trúc truyền thống. Bên cạnh đó, phát triển các khu vực lịch sử và kiến trúc độc đáo góp phần tạo dựng bản sắc riêng cho đô thị di sản Ninh Bình.

♦ Khuyến khích sáng tạo và sự đa dạng: Tạo không gian để phát triển các hoạt động văn hóa và nghệ thuật đương đại, thúc đẩy giao lưu văn hóa và sáng tạo giữa cộng đồng và du khách.

♦ Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng: Thúc đẩy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển di sản qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và du lịch. Tổ chức các sự kiện cộng đồng nhằm gia tăng tinh thần đoàn kết và niềm tự hào về bản sắc đô thị di sản.

7. Kết luận

Phát triển đô thị Ninh Bình theo hướng đô thị di sản xanh, thông minh bền vững và thích ứng với kinh tế du lịch sẽ tạo ra một môi trường du lịch hấp dẫn, tiện nghi và bền vững, đồng thời bảo tồn giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên độc đáo của đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình. Để đạt mục tiêu này, cần sự cam kết và nỗ lực từ tất cả các bên liên quan, bao gồm chính quyền địa phương, cộng đồng và các tổ chức quốc tế.

Việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa, thiên nhiên là yếu tố cốt lõi của du lịch văn hóa bền vững, đòi hỏi hợp tác chặt chẽ giữa các bên. Sự hợp tác này sẽ giúp Ninh Bình vươn mình thành một điểm đến văn hóa, du lịch quan trọng và độc đáo, không chỉ trong nước mà còn trên bản đồ thế giới.

Xem file PDF tại đây

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quyết định số 1413/QĐ-TTg ngày 15/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
2. Nghị quyết số 171/NQ-HĐND ngày 20/12/2023 của HĐND Tỉnh Ninh Bình thông qua Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 
3. Quyết định số: 218/QĐ-TTg ngày 04/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
4. UBND tỉnh Ninh Bình, Sở kế hoạch và đầu tư, Báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh ninh bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Tháng 12/2023)
5. Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Cục du lịch quốc gia Việt Nam, Báo cáo tổng hợp Hội thảo khoa học: Phát triển bền vững tại các đô thị Việt Nam - những vấn đề đặt ra (Tháng 11/2023). 
6. Nguyễn Thị Lan Hương, Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đô thị ở việt nam; Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ (Hà Nội 2018).
7. Nahoum Cohen, Urban Conservation, MIT Press, 1999.
8. Richard Wouters, A Charter for the Smart City (Tháng 10/2019).
9. UN Habitat, The green cities initiative for bimp-eag.
10. Sustainable Urban Mobility Plan Bremen 2025.

Bình luận