Cụ thể, UBND tỉnh Thái Bình vừa ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 21/5/2025 về việc tăng cường công tác quản lý bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi; chủ động sẵn sàng hộ đê, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó thiên tai, đảm bảo an toàn công trình.
Theo đó, thực hiện nghiêm các Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 02/CT-BNNMT ngày 08/5/2025 của Bộ NN&MT; kiện toàn, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương các cấp và các lực lượng trên địa bàn; đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, hiệu quả, linh hoạt trong triển khai thực hiện, không để khoảng trống trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
Đồng thời bổ sung phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra, bảo đảm thực hiện việc xử lý sự cố công trình theo phương châm “bốn tại chỗ”.
UBND huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, phương án hộ đê toàn tuyến, phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, chỉ đạo, rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực nguy cơ sạt lở cao, khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đối với những nơi chưa có điều kiện di dời ngay, UBND tỉnh yêu cầu địa phương phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn; chuẩn bị và kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin liên lạc để bổ khuyết kịp thời những thiếu sót, tồn tại; tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê, ứng phó khẩn cấp sự cố công trình; tổ chức phát quang mái, chân đê và trong phạm vi bảo vệ công trình để phục vụ công tác tuần tra, phát hiện và kịp thời xử lý sự cố trong mùa mưa, lũ…
Thứ hai, tu bổ, nâng cấp, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng công trình trước mùa mưa, lũ.
Theo đó, đối với những sự cố công trình đã xảy ra trong các mùa mưa, lũ trước (nhất là các sự cố xảy ra trong đợt bão số 3 năm 2024 và mưa lũ sau bão gây ra), UBND tỉnh yêu cầu cần đặc biệt quan tâm và tập trung nguồn lực để hoàn thành việc xử lý; đồng thời, lập phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa mưa, lũ năm 2025.
Cùng với đó, huy động nguồn lực của địa phương để chủ động xử lý những sự cố phát sinh đột xuất trước, trong mùa mưa, lũ và tu bổ các hạng mục cần thiết khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố xảy ra khi có lũ, bão.
Ngoài ra, rà soát, lập danh mục các công trình đê điều, thủy lợi hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn, xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện; chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để ưu tiên xử lý các trọng điểm đê điều.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hạng mục công trình thủy lợi, đê điều đang tu bổ, nâng cấp, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo chất lượng, an toàn chống lũ, bão và có phương án bảo đảm an toàn cho công trình khi có lũ, bão; tuyệt đối không cắt xẻ đê trong mùa mưa, lũ.
Thứ ba, đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi trong mùa mưa, lũ, bão.
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ, bão; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động triển khai các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu đê điều khi có tình huống xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại, sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân; bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình theo quy định.
Chủ tịch UBND huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ven đê tổ chức lực lượng thực hiện tuần tra, canh gác đê điều theo cấp báo động; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác tuần tra, canh gác các tuyến đê để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu đảm bảo an toàn đê, kè, cống, đặc biệt là đối với các cống dưới đê.
Thứ tư, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đê điều, thủy lợi và phòng, chống thiên tai.
Đối với UBND huyện, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi: Bắc Thái Bình, Nam Thái Bình, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đê điều, thủy lợi theo quy định; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc thực hiện Giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.
Xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm các vụ vi phạm tồn đọng, trong đó tập trung xử lý các vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài, nhất là các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều, trên bãi sông.
“Đối với các vụ vi phạm mới phát sinh, cần tổ chức ngăn chặn và giải quyết triệt để không để phát sinh thêm vi phạm mới. Chỉ đạo xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ, lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều trước ngày 30/6/2025”, Chỉ thị nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm Đề án công tác thủy lợi phục vụ sản xuất vụ Mùa và vụ Đông năm 2025 của Sở NN&MT ban hành; xây dựng phương án chống úng cho các vùng trọng điểm; triển khai thực hiện công tác tu bổ, sửa chữa, nâng cấp công trình trạm bơm, cống đập, bờ vùng và các loại phương tiện bơm tát khác…
Đối với Công ty Điện lực Thái Bình, UBND tỉnh yêu cầu thường xuyên kiểm tra công trình điện tại các trạm bơm, công trình đầu mối; duy tu, nâng cấp lưới điện, xử lý các tồn tại trên đường dây, đặc biệt là đường dây cấp điện cho các trạm bơm tiêu để chủ động vận hành và đảm bảo an toàn công trình; xây dựng phương án đảm bảo cung cấp đủ điện, liên tục để các trạm bơm vận hành bơm tiêu úng kịp thời khi có mưa úng xảy ra.
Đối với Đài Khí tượng thủy văn Thái Bình, tăng cường theo dõi cập nhật dự báo khí tượng thủy văn, áp dụng các công nghệ tiên tiến hỗ trợ công tác dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành sản xuất và công tác phòng, chống thiên tai.
Đối với Sở NN&MT, chỉ đạo lực lượng chuyên trách quản lý đê điều thường xuyên kiểm tra, phát hiện kiến nghị cấp có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định, phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác xử lý vi phạm; xây dựng Đề án công tác thủy lợi phục vụ tưới, tiêu vụ Mùa và vụ Đông năm 2025; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra vận hành thử các trạm bơm tiêu qua đê, cống dưới đê đảm bảo sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống úng.
Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan khác, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, lũ, bão và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do thiên tai, lũ, bão gây ra trong phạm vi phụ trách; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết tham gia việc phòng, chống thiên tai, lũ, bão và tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo của UBND tỉnh; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi, đất đai, bảo vệ môi trường.