
Từ trung tâm thành phố đến các khu ven biển và đến các phía Tây, hàng loạt dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn, được quy hoạch bài bản và định hướng phát triển bền vững đang định hình lại diện mạo kiến trúc du lịch của tỉnh Thanh Hóa.
Ngay tại trung tâm TP Thanh Hóa, khách sạn Meliá Vinpearl Thanh Hóa với tòa nhà cao 34 tầng, là công trình nghỉ dưỡng, thương mại cao cấp đầu tiên đạt chuẩn quốc tế, được vận hành bởi Tập đoàn Meliá Hotels International.
Với gần 300 phòng nghỉ, trung tâm hội nghị có sức chứa tới 900 khách, bể bơi, nhà hàng sang trọng và các không gian tổ chức sự kiện, khách sạn này không chỉ là điểm lưu trú mà còn là mô hình du lịch MICE (là sự kết hợp du lịch nghỉ dưỡng với gặp gỡ đối tác, tìm kiếm thị trường, phát triển kinh doanh...) kiểu mẫu.
Điều đáng chú ý là công trình đã đạt chứng chỉ phát triển bền vững nhờ tích hợp các hệ thống quản lý năng lượng, nước, chất thải và điều hòa không khí thông minh, phản ánh tư duy thiết kế kiến trúc gắn với mục tiêu xanh.
Chỉ cách trung tâm chưa đầy một giờ di chuyển, trên trục ven biển Hoằng Hóa - Hải Tiến, Dự án tổ hợp nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp Flamingo Hải Tiến do chủ đầu tư Công ty TNHH Flamingo Hải Tiến triển khai trên diện tích khoảng 19 ha. Đây là tổ hợp đô thị nghỉ dưỡng biển theo phong cách Địa Trung Hải với các dãy biệt thự, mini-hotel, condotel view biển, tích hợp hệ thống tiện ích hiện đại như sky bar, phố lễ hội Lala Town, công viên ánh sáng và tổ hợp spa-onsen phong cách Nhật.
Dự án được thi công bởi nhà thầu Coteccons, một trong những tổng thầu xây dựng uy tín hàng đầu Việt Nam. Với quy hoạch đa chức năng, kết hợp nghỉ dưỡng, mua sắm, giải trí và tổ chức sự kiện, Flamingo Hải Tiến đang kiến tạo một chuẩn mực mới cho mô hình “đô thị biển năng động” tại miền Trung.

Nằm ở vị trí trung tâm ven biển Thanh Hóa, TP Sầm Sơn đang trở thành đầu tàu trong chiến lược phát triển du lịch biển của tỉnh, nhiều “ông lớn” trong ngành bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng như: Tập đoàn FLC, Sun Group và Văn Phú-Invest đang đầu tư phát triển các dự án quy mô lớn, góp phần nâng tầm đô thị biển này.
Trong đó, FLC với quần thể nghỉ dưỡng FLC Samson Beach & Golf Resort tích hợp sân golf, khách sạn 5 sao và biệt thự cao cấp. Văn Phú-Invest tập trung vào các khu đô thị đồng bộ, shophouse và nhà ở nghỉ dưỡng; nổi bật hơn cả là Sun Grand Boulevard - khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp với đại lộ trung tâm dài 2,6 km, rộng 120 m, nối từ trung tâm Sầm Sơn đến biển, cùng tổ hợp quảng trường biển có sức chứa khoảng 10 nghìn người. Song song là các khu biệt thự biển, khách sạn 5 sao, phố thương mại mang phong cách châu Âu và khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sun Riverside Village được thiết kế bán cổ điển, cảnh quan sinh thái phong phú. Các dự án này có quy hoạch đồng bộ, tích hợp nhiều chức năng, hướng đến hình thành “thành phố lễ hội bốn mùa”.
Ở chiều ngược lại, các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa đang trở thành điểm đến của dòng khách ưa thích nghỉ dưỡng sinh thái. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thuộc các huyện Bá Thước và Quan Hóa, đang thu hút nhiều dự án resort nhỏ nhưng có định hướng phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên.
Tiêu biểu là Pù Luông Natura Resort, khu nghỉ dưỡng nằm giữa thung lũng ruộng bậc thang, với các bungalow làm từ gỗ, tre nứa và vật liệu địa phương. Kiến trúc ở đây không phô trương mà hài hòa cảnh quan, sử dụng năng lượng tiết kiệm và thúc đẩy các tour trekking (là hoạt động đi bộ đường dài trên những địa hình tự nhiên như núi, rừng, thung lũng hoặc cao nguyên...) khám phá bản làng dân tộc Thái, Mường, mô hình nghỉ dưỡng cộng đồng đang được khuyến khích tại nhiều vùng miền núi phía Bắc.
Sự phân hóa rõ nét trong hệ sinh thái nghỉ dưỡng của Thanh Hóa hiện nay, từ khách sạn cao tầng ở đô thị, tổ hợp giải trí ven biển đến khu sinh thái bản địa thể hiện chiến lược phát triển đa tầng, đa phân khúc và chú trọng bản sắc. Các công trình không chỉ dừng ở việc tạo không gian lưu trú mà còn hướng đến việc định hình điểm đến, gắn với hệ sinh thái dịch vụ, văn hóa, giải trí và bảo tồn thiên nhiên.
Về mặt xây dựng và kiến trúc, các dự án nghỉ dưỡng tại Thanh Hóa đang dần bắt kịp xu hướng quốc tế với việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, thiết kế mở, ưu tiên không gian xanh và tích hợp công nghệ trong quản lý vận hành. Các khu nghỉ đều có quy hoạch bài bản, phân khu chức năng rõ ràng, tích hợp hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ngay từ giai đoạn đầu triển khai, phản ánh sự chuyên nghiệp trong cả thiết kế lẫn thi công.
Trong bối cảnh nhu cầu nghỉ dưỡng nội địa tăng mạnh và dòng khách quốc tế quay trở lại, Thanh Hóa nổi lên như một điểm sáng mới không chỉ của du lịch mà còn của lĩnh vực quy hoạch đô thị, xây dựng xanh. Việc đồng thời phát triển các mô hình nghỉ dưỡng cao cấp và sinh thái cộng đồng cho thấy tầm nhìn chiến lược, định hướng đúng đắn, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho giới đầu tư, kiến trúc sư và đơn vị xây dựng trong hành trình kiến tạo một trung tâm nghỉ dưỡng mới cho miền Trung.