Thị trường bất động sản quý I:

Thanh khoản tập trung ở phân khúc chung cư và đất nền đô thị lớn

07:00 06/04/2024
Thị trường BĐS quý I/2024 ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án cũ được tái khởi động, dự án mới mở bán. Trong khi, thanh khoản trên thị trường tập trung ở phân khúc chung cư và đất nền đô thị lớn.

Số liệu báo cáo của Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) vừa công bố cho thấy, thị trường BĐS trong quý I/2024 chưa có nhiều sự chuyển biến rõ rệt so với thời điểm cuối năm 2023. Tuy nhiên, điểm sáng tích cực thị trường trong quý ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án cũ được tái khởi động, dự án mới mở bán.

Bên cạnh đó, việc lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách có lợi cho người mua nhà đã gia tăng niềm tin khách hàng, thanh khoản trên thị trường ghi nhận sức hút đến từ phân khúc chung cư và đất nền đô thị lớn.

Theo Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS, quý I, chung cư, nhà ở riêng lẻ đạt khoảng 30 nghìn giao dịch; đất nền đạt khoảng 82,2 nghìn giao dịch.

Về lượng tồn kho đất nền khoảng 9,7 nghìn nền; nhà riêng lẻ tồn kho khoảng 8,4 nghìn căn. Riêng phân khúc chung cư, lượng tồn kho trong quý I chỉ hơn 2,6 nghìn căn.

Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của 45/63 địa phương, quý I, cả nước có 8 dự án nhà ở thương mại (NƠTM) hoàn thành; 750 dự án NƠTM đang được triển khai xây dựng; 14 dự án NƠTM được cấp phép mới; 29 dự án NƠTM đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; 15 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở hoàn thành; 226 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở đang triển khai xây dựng và 5 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở được cấp phép mới.

Ảnh minh họa: Internet.

Bộ Xây dựng đánh giá, trong quý I, để tiếp tục giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo, quyết liệt đối với các Bộ, ngành, địa phương nhằm cụ thể hóa các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn chung cho doanh nghiệp; trong đó có nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến thị trường BĐS.

Cụ thể, ngày 11/3/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các Luật mới được ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS).

Đồng thời, ngày 16/3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển NƠXH.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương thông qua việc triển khai thực hiện hàng loạt các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành, nhất là các khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, nguồn vốn và trái phiếu...

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng đó, đôn đốc các địa phương tập trung triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030”.

Mặt khác, tiếp tục tiếp thu ý kiến của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, các Bộ, ban, ngành và địa phương trên toàn quốc để hoàn thiện các Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023.

Trong năm 2023, Tổ công tác đã nhận được 142 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 191 dự án BĐS. Theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, Tổ công tác đã xem xét, xử lý 142 văn bản.

Trong đó, có 129 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; 13 văn bản gửi Bộ KH&ĐT và Bộ TN&MT đề nghị xem xét giải quyết, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, Tổ công tác nhận được và đã xem xét, xử lý 4 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp liên quan đến 4 dự án BĐS.

Bình luận