Tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho công trình xanh

07:00 20/09/2023
Mới chỉ dừng lại ở con số có khoảng 300 công trình xanh trên toàn lãnh thổ Việt Nam, các chuyên gia thừa nhận cơ chế pháp lý cho phát triển công trình xanh tại Việt Nam thời điểm này còn rất yếu.

Chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi riêng

Sau gần 20 năm, kể từ năm 2005 khi công trình xanh (CTX) đầu tiên xuất hiện, Việt Nam mới có khoảng 300 CTX, một con số quá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đánh giá tổng quan về cơ chế, chính sách đối với CTX hiện nay, ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến quý II/2023, cả nước có 296 CTX là các công trình chung cư, bệnh viện, trường học, công sở, nhà xưởng.

Trong đó, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước về số lượng các CTX có 40/300 công trình nhưng tính theo diện tích m² sàn thì Hà Nội đứng đầu cả nước với 1,6 triệu m2; còn TP.HCM có 67/300 CTX nhưng diện tích sàn thấp hơn của Hà Nội.

Con số này cũng thể hiện, có hơn 1/3 tổng số CTX tập trung ở TP Hà Nội và TP.HCM, sắp tới sẽ mở rộng thêm ở các đô thị khác, đặc biệt là các đô thị đang phát triển công nghiệp rất mạnh như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ Xây dựng.

Ông Nguyễn Công Thịnh cũng cho biết, hiện nay chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi riêng cho thúc đẩy phát triển CTX. Nói cách khác, những chính sách ưu đãi cho CTX chưa được quy định rõ ràng, cụ thể; mà được hiểu là nằm cùng với các chính sách ưu đãi của nhiều đối tượng khác trong nền kinh tế do các Bộ, ngành ban hành (Bộ TN&MT, Bộ Công Thương). Do đó, mặc dù đã có dự án cụ thể được hỗ trợ nhưng không nhiều.

Ngoài ra, tại Việt Nam hiện có nhóm chính sách ưu đãi về tài chính xanh và nguồn vốn xanh của các định chế tài chính lớn như tổ chức tài chính quốc tế như: (IFC), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) hay Cơ quan phát triển Pháp (AFD)… đang triển khai một số hoạt động hỗ trợ các dự án phát triển, trong đó có việc cho vay các nguồn vốn xanh, vốn tín dụng ưu đãi; Hay của các ngân hàng như: HSBC, Standard Chartered, thậm chí Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và các định chế tài chính khác cũng rất quan tâm đến đối tượng CTX, mong muốn hỗ trợ giải ngân nguồn vốn xanh cho các công trình.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hầu hết các gói giải ngân của các tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế đều dành cho cho các chủ đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, rất ít chủ đầu tư của Việt Nam đáp ứng được tiêu chí cho vay của các tổ chức, ngân hàng này.

CTX khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

Đánh giá cao vai trò, tính năng của CTX trong chuyển dịch năng lượng, trong sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững Bộ Công Thương cho biết, trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng, lĩnh vực xây dựng và các tòa nhà, công trình xây dựng chiếm tỷ trọng lớn, khoảng từ 40% tổng tiêu thụ năng lượng của toàn bộ nền kinh tế. Do đó, việc thúc đẩy phát triển CTX là một trong những mục tiêu đã đặt ra trong Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương.

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật này đã quy định các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, nguồn vốn, lãi suất thấp đối với các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng tiết kiệm năng lượng.

Tuy nhiên, thực tế tổng kết triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho thấy, chủ doanh nghiệp, công trình tiết kiệm năng lượng khó tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, hoặc khó tiếp cận với cơ chế tín dụng ưu đãi của nhà nước. Đây cũng là một trong những điểm nghẽn về cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung và CTX nói riêng.

Ông Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT.

Ông Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường Bộ TN&MT nhận định, cơ sở pháp lý của CTX còn yếu. Muốn thúc đẩy hoạt động gì thì phải có 2 điều kiện, một là cơ sở pháp lý phải rõ, chặt chẽ để áp dụng mang tính bắt buộc; hai là có cơ chế khuyến khích để thúc đẩy các hoạt động hướng tới mục tiêu đang cần. Nhưng cả 2 điều kiện này đối với CTX đang yếu. Cho nên, từ năm 2006 đến nay cả nước mới có 300 CTX là quá ít.

“Trong khi vấn đề liên quan đến các công trình xây dựng rất liên quan đến môi trường nhưng CTX không hề xuất hiện trong nội dung Luật Bảo vệ môi trường, vậy thì làm sao bảo đảm pháp lý cho CTX đầy đủ được”, ông Mai Thanh Dung chia sẻ.

Kỳ vọng trong tương lai gần…

Trong thời gian tới, chính sách đối với CTX sẽ được quy định cụ thể hơn, các doanh nghiệp đang trông chờ vào Bộ TN&MTvới việc dự thảo đề xuất ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí dự án xanh, trong đó có CTX, là cơ hội để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi xanh; Bộ Công Thương trong việc chủ trì soạn thảo dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi), là cơ hội để mở rộng phát triển công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Nói về hiện trạng cũng như tiến độ mà Bộ TN&MT ban hành danh mục dự án xanh, ông Mai Thanh Dung cho biết, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường đang hoàn hiện lại dự thảo Quyết định của Thủ tướng về tiêu chí môi trường đối với các dự án được vay tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Đây là Quyết định rất quan trọng vì những dự án sau khi được đưa vào danh mục xanh sẽ được hưởng chính sách ưu đãi, có thể vay được các nguồn tín dụng xanh, hoặc có thể được hỗ trợ về tỷ suất lợi nhuận, hoặc có thể phát hành trái phiếu.

Viện đang cân nhắc kỹ để đưa ra danh mục phù hợp, phù hợp ở đây là phải an toàn để bảo đảm an toàn cho ngân hàng, an toàn cho ngân sách nhà nước khi cho vay. Vì danh mục hướng đến chỉ các dự án rất xanh, nếu đưa các dự án có vấn đề, không an toàn về môi trường, sẽ có rủi ro cho các bên trong đó có nhà nước.

Ông Mai Thanh Dung cũng cho biết, trong danh sách có loại dự án liên quan đến các CTX. Sắp tới đây, nếu Bộ Xây dựng quan tâm và hỗ trợ thì cùng hợp tác với Viện đưa công trình, dự án xanh vào danh mục của Quyết định, nhưng phải rõ tiêu chí CTX để các cơ quan xem xét hồ sơ, ngân hàng cho vay có cơ sở công nhận dự án xanh, để thuận lợi cho vay. Các công trình giao thông sắp tới cũng có thể được đưa vào danh mục…

Ông Trịnh Quốc Vũ chia sẻ, trong năm 2022, thực hiện chương trình Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã tiến hành các hoạt động hội nghị, hội thảo, rà soát các nội dung của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả năm 2010. Sau 13 năm ban hành Luật hiện đã có nhiều thay đổi. Qua rà soát cho thấy, cần thiết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật nhằm phù hợp với mục tiêu cũng như bối cảnh của đất nước trong giai đoạn tới.

Trên cơ sở đó, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững đã đề xuất 6 nhóm chính sách sửa đổi trong dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (sửa đổi). Hi vọng trong năm 2024, dự thảo Luật sẽ được đưa vào Chương trình sửa đổi luật của Quốc hội để có thể trình Quốc hội ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (sửa đổi) trong năm 2025...

Có thể nhận định, cơ chế pháp lý đối với CTX sẽ được tháo gỡ trong một vài năm tới, góp phần thúc đầy thị trường CTX phát triển sôi động hơn, đa dạng loại hình chủ đầu tư, nguồn vốn đầu tư ưu đãi hơn.

Bình luận