Chiều 07/6, tại Bình Định, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng các thành viên Tổ công tác số 1 đã có buổi làm việc với 9 địa phương (Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Kết quả giải ngân các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 đạt 26,7%
Báo cáo cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 Thủ tướng Chính phủ giao cho 9 địa phương thuộc Tổ công tác số 1 là 56.569,8 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương là 16.705,6 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 39.864,2 tỷ đồng).
Hiện nay, còn 3 địa phương là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao, với tổng số vốn còn lại là 172,1 tỷ đồng, do không còn nhu cầu sử dụng.
Về tình hình giải ngân kế hoạch vốn 5 tháng đầu năm 2025, tính đến ngày 31/5/2025, kết quả giải ngân các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 đạt 26,7%, cao hơn mức trung bình cả nước (cả nước bình quân đạt 24,1%).
Trong đó, có 6/9 địa phương có ước tỉ lệ giải ngân đạt từ mức bình quân chung của cả nước trở lên, gồm: TP Huế: 41,2%; Bình Định: 36%; Khánh Hòa: 30%; Ninh Thuận: 27%; Bình Thuận: 24,6%; Đà Nẵng: 24%. Có 3/9 địa phương có ước tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của cả nước, gồm: Phú Yên: 13,2%; Quảng Ngãi: 20%; Quảng Nam: 21%.
So với kết quả 4 tháng đầu năm, ước giải ngân đến ngày 31/5/2025 của 9 địa phương thuộc Tổ công tác số 1 đã có sự tăng tốc tích cực, cao hơn bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc tồn tại kéo dài, làm ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện và giải ngân các dự án.
Quan tâm lựa chọn, sàng lọc các dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng, 9 địa phương thuộc Tổ công tác số 1 có tỉ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước là điều đáng ghi nhận, nhưng nhìn về tổng thể còn chưa có sự đồng đều giữa các địa phương.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị địa phương nào chưa phân bổ hết vốn đầu tư công thì phải tính toán, gấp rút phân bổ nốt phần chưa được phân bổ theo kế hoạch.
Đồng thời, phải tiếp tục ráo riết trong triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án - đây là điểm "nghẽn" của đầu tư công hiện nay. Việc tháo gỡ điểm nghẽn này phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là trong công tác đền bù, di dân, tái định cư...
Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, trong bối cảnh chính quyền cấp huyện sắp kết thúc hoạt động, đối với các dự án do cấp huyện là chủ đầu tư, phải có hướng xử lý, giải pháp chuyển tiếp, bảo đảm yêu cầu về giải ngân đối với các dự án, tránh thất thoát, lãng phí.
Bên cạnh đó, các địa phương cần nhận thức rõ tính liền mạch, liên tục trong hoạt động của hệ thống chính quyền, tránh tư tưởng "nghe ngóng", "chờ đợi" chính quyền mới. Yêu cầu đặt ra là mọi hoạt động của chính quyền phải được liền mạch, liên tục, không gián đoạn…
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các địa phương phối hợp, tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn bộ máy, đặc biệt là việc lựa chọn người đứng đầu những sở, ngành có tầm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, tăng trưởng, doanh nghiệp…
Trong thúc đẩy giải ngân và thúc đẩy tăng trưởng, cũng cần đặc biệt quan tâm lựa chọn, sàng lọc các dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư; phải thực sự chọn được các nhà đầu tư có tiềm năng, có năng lực, có uy tín trong triển khai các dự án, công trình.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình lưu ý các địa phương tiếp tục quan tâm, chú trọng bố trí, cân đối nguồn lực, dành nguồn lực thỏa đáng cho triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng nhà cho người nghèo, người có công, công nhân lao động,…