Lợi ích và thách thức của cải tạo xanh
Ngày nay, khoảng 75% các công trình hiện hữu trên toàn cầu vẫn sẽ được sử dụng cho đến năm 2050. Tất cả các công trình đó đều cần được cải tạo nhằm tuân thủ với việc thay đổi luật định để hướng tới phát thải ròng bằng 0 năm 2050.
Các công trình cũ thường có hiệu suất sử dụng năng lượng kém và phát thải nhiều hơn so với các công trình mới. Điều này mang đến nhiều rủi ro cho các bên liên quan như chủ sở hữu, người thuê và nhà đầu tư, khi các quy định về luật thay đổi và các công trình này chịu sức ép không còn được cho phép tiếp tục vận hành.

Bên cạnh việc tránh được các rủi ro về việc thay đổi luật định, việc cải tạo xanh còn mang lại nhiều lợi ích khác như: Giảm chi phí vận hành và làm tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Cải tạo xanh cũng giúp gia tăng mức độ hài lòng của khách thuê trên khía cạnh sức khỏe và hạnh phúc (Well-being) cũng như giúp họ đạt được mục tiêu trách nhiệm xã hội khác.
Bên cạnh các lợi ích được nêu ra khi cải tạo xanh, doanh nghiệp vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức khác nhau.
Thách thức đầu tiên liên quan tới việc công trình trải qua nhiều vòng đời lấp đầy, với các chủ sở hữu và người thuê khác nhau. Các chủ sở hữu hoặc người thuê mới thường hay sửa chữa, thay thế hoặc áp dụng các công nghệ quản lý mới vào công trình. Điều này dẫn đến việc rất khó để hiểu được công trình ban đầu được xây dựng như thế nào, cũng như mục đích thiết kế công năng ban đầu ra sao.
Thách thức thứ hai, khi cải tạo xanh là sự thiếu hụt về thông tin. Đây cũng là một trong những lý do chủ chốt trả lời cho câu hỏi vì sao các doanh nghiệp thường hay né tránh cải tạo công trình. Sự thiếu hụt thông tin bao gồm thông tin về hiệu quả vận hành của tòa nhà hoặc các thông tin liên quan đến chi phí khi cải tạo công trình, hoặc cả 2. Từ đó, dẫn tới việc doanh nghiệp hoài nghi về các giải pháp cải tạo hoặc đầu tư có thực sự hiệu quả hay không.
Việc xanh hóa một tòa nhà hiện hữu là công việc không hề đơn giản, bởi vì chúng ta có rất ít lựa chọn cho các giải pháp so với việc xây mới hoàn toàn. Đối với công trình xây mới, doanh nghiệp hoàn toàn có thể điều chỉnh thiết kế, ví dụ như thay đổi lớp vỏ công trình để có thể thông gió tự nhiên hoặc chiếu sáng tự nhiên tốt hơn.
Tuy nhiên, việc xanh hóa đối với công trình hiện hữu gần như rất bị hạn chế. Ngoài ra, việc thay đổi này còn có thể làm ảnh hưởng đến các công trình cạnh bên cũng như có tác động đối với những khách cho thuê khác.
Ví dụ điển hình từ Decathlon
Decathlon đã đăng ký RE100 vào năm 2008 và từ đó triển khai các biện pháp nhằm đạt được 100% sử dụng điện tái tạo cho các dự án của họ vào năm 2026. Một phần của cam kết này nhằm mục đích giảm lượng phát thải CO2 từ các cửa hàng và nhà kho đến 90% vào năm 2026, so với đường cơ sở năm 2016.
Thông qua thỏa thuận hợp tác mở rộng giữa Decathlon và SGS trong việc thúc đẩy chiến lược phát triển xanh cho chuỗi dự án toàn cầu, EDGE đã trở thành công cụ hữu ích giúp Decathlon đánh giá và triển khai việc cải tạo xanh.
Bằng việc mô phỏng công trình thông qua phần mềm EDGE trước khi mở các cửa hàng mới, Decathlon có thể thương thảo với chủ cho thuê những giải pháp chủ chốt giúp cho việc vận hành công trình trở nên hiệu quả hơn.
Một ví dụ điển hình như sau: Nếu công trình là một công trình hoàn toàn mới, Decathlon sẽ yêu cầu chủ thuê lắp đặt hệ thống điều hòa không khí có hiệu suất vận hành cao, xây dựng công trình bằng các vật liệu có carbon hàm chứa thấp cũng như lắp đặt các thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước. Thêm vào đó, ở một số quốc gia, Decathlon sẽ thương thảo với chủ thuê để sử dụng mái của công trình cho việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời.
Đối với các phần công việc nằm trong phạm vi quản lý của Decathlon như chiếu sáng trong nhà, lắp đặt vách phân chia và sàn hoàn thiện của cửa hàng, Decathlon sẽ dựa vào phần mềm EDGE để lựa chọn các giải pháp mang tính hiệu quả cao, ít có tác động lên môi trường, cộng với việc tối ưu sử dụng nguồn năng lượng tái tạo khi có thể.

Dưới đây là một ví dụ cụ thể mà Decathlon đã trải nghiệm khi cải tạo cửa hàng đầu tiên của họ Decathlon Bandar Sri Damansara ở Malaysia. Cửa hàng này đã được xây dựng và vận hành hơn 7 năm và có hệ thống điều hòa trên 9 năm tuổi. Do đó, đa số thiết bị đều bắt đầu có vấn đề trong quá trình vận hành.
Thông qua sự hỗ trợ từ phần mềm EDGE, Decathlon đã mô phỏng 2 phương án cho cửa hàng của họ.
Phương án 1: Thay thế bằng hệ thống đơn giản, chi phí thấp, hiệu quả năng lượng không cao. 1. CAPEX = 45.000 USD 2. Điện tiêu thụ/năm = 40.500 USD 3. Dấu chân carbon/năm = 176tCO2eq.
|
Phương án 2: Thay thế bằng hệ thống phức tạp hơn, và hiệu quả hơn, chi phí đầu tư cao hơn. 1. CAPEX = 100.000 USD 2. Điện tiêu thụ/năm = 21.750 USD (18.750 USD tiết kiệm/năm) 3. Dấu chân carbon/năm = 94.5tCO2eq 4. Hoàn vốn trong 3 năm. |

Đối với tình huống thứ nhất, Decathlon sẽ lắp đặt 1 hệ thống điều hòa R32 mới đơn giản và rẻ tiền nhưng hiệu quả năng lượng không cao. Đối với tình huống 2, Decathlon sẽ lắp đặt 1 hệ thống phức tạp hơn với chi phí cao hơn, tuy nhiên có hiệu suất tiêu thụ năng lượng tốt hơn.
Ví dụ điển hình từ Decathlon cho thấy, bằng việc lựa chọn phương án đầu tư cho hệ thống thiết bị hiệu suất cao ngay từ đầu, Decathlon đã thiết lập thời gian hoàn vốn trong 3 năm với mực phát thải carbon giảm đến 46% so với hệ thống cũ.