Gần về đích lại đình trệ
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) do Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam là nhà đầu tư, thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay), phương án thanh toán bằng quỹ đất kết hợp tiền.
Theo nhà đầu tư, đến nay, dự án đạt hơn 93% khối lượng công việc, trong đó tại 9 hạng mục chính của dự án, gồm: Cống Bến Nghé (đạt 97%), cống Tân Thuận (93%), cống Phú Xuân (90%), cống Mương Chuối (93%), cống Cây Khô (86%), cống Phú Định (88%), tuyến đê kè (85%), cầu Kinh Bà Bướm (92%), Nhà quản lý trung tâm (85%), hệ thống SCADA cũng đã hoàn tất mua thiết bị và nhập kho cũng như hoàn tất lắp đặt kết cấu các hạng mục.
Tuy nhiên, “siêu” dự án này đã phải dừng thi công vào giữa tháng 11/2020 do UBND TP Hồ Chí Minh chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng hết hạn từ tháng 6/2020), dù cho dự án gần về đích. Trước đó, dự án được khởi công giữa năm 2016, theo kế hoạch sẽ hoàn thành sau ba năm, nhưng đã hơn bảy năm trôi qua dự án vẫn chưa biết khi nào sẽ xong và vận hành.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, nhu cầu vốn để hoàn thành dự án còn lại khoảng 1.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa được Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cấp vốn để tiếp tục triển khai do vướng mắc liên quan việc thanh toán.
Cụ thể, đối với việc thanh toán bằng quỹ đất, thành phố đã chuẩn bị các quỹ đất (đã bồi thường giải phóng mặt bằng) nhưng chưa có cơ sở để thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư do đang phải phối hợp với các bộ, ngành T.Ư thực hiện rà soát pháp lý.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chưa thể thực hiện thanh toán bằng tiền mặc dù đã phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với giá trị hơn 5.771 tỷ đồng để bố trí vốn thanh toán.

Về phía nhà đầu tư, Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam thông tin, dự án ngừng thi công từ tháng 11/2020 đã khiến vốn đầu tư tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó lãi vay phát sinh hơn 1.500 tỷ đồng, mỗi ngày còn phải trả thêm tiền lãi 1,46 tỷ đồng. Dự án chỉ còn 7% khối lượng nhưng đình trệ kéo dài dẫn đến lãng phí và thiệt hại như vậy là quá lớn.
Ghi nhận tại công trường các hạng mục chính của dự án vào những ngày đầu tháng 9 này, dễ dàng nhận ra sự ngưng trệ của công trình trọng điểm này. Đơn cử, tại cống Bến Nghé (quận 1) là hạng mục gần như hoàn thiện với 97% tiến độ thi công, nhưng vẫn để lộ ra sắt thép hoen gỉ theo thời gian; cống Cây Khô đã ngừng thi công ba năm nay khi đạt 86% tiến độ.
Đây là cống có vị trí xa trung tâm thành phố nhất, thuộc khu vực huyện Bình Chánh - Nhà Bè. Cống ngăn triều từ sông Soài Rạp và sông Cần Giuộc đổ vào trung tâm thành phố; trong khi đó, hệ thống đê kè cũng đạt 85% khối lượng thi công và đã hoàn thiện tường chắn sóng. Hiện, phải tạm dừng thi công các công tác bơm cát, hoàn thiện các công tác sau kè, thảm đá gia cố bờ sông phía trước kè.
Là một trong số những hộ dân sống gần với khu vực có tuyến cống ngăn triều được xây dựng, ông Lương Hai Xuân (ở xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) chia sẻ, khu vực này là vùng trũng thấp, thường xuyên chịu cảnh ngập nước mỗi khi mưa xuống, triều lên, vì thế rất mong dự án sớm hoàn thành để hạn chế phần nào đó tình trạng ngập nước, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Bài toán nào để dự án thông suốt?
Trước sự sốt ruột của nhà đầu tư và người dân, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh liên tục có hai văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 18/7 và ngày 28/7, trong đó nêu hàng loạt khó khăn, hệ lụy khi dự án chậm tiến độ cũng như đề xuất hướng xử lý cụ thể. Theo đó, thành phố đề xuất hai cơ chế gỡ vướng cho dự án.
Cơ chế thứ nhất, thành phố thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành, đồng thời bằng quỹ đất và bằng tiền, phù hợp với lịch thanh toán đã thỏa thuận. Đối với phần giá trị thanh toán bằng tiền, đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn BIDV chưa thu nợ ngay mà tạo điều kiện để cho nhà đầu tư có đủ điều kiện tiếp tục thi công, hoàn thành dự án.
Cơ chế này có ưu điểm là phù hợp với cơ chế tái cấp vốn đã được Thủ tướng và ngân hàng chấp thuận, nhưng không chủ động về thời gian thực hiện, hoàn thành. Đồng thời, rủi ro là trong trường hợp BIDV vẫn giữ nguyên các điều kiện như ban đầu, dự án sẽ tiếp tục chậm tiến độ, lãi vay phát sinh tiếp tục tăng cao.
Cơ chế thứ hai, TP Hồ Chí Minh đề xuất là Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố (HFIC) nhận ủy thác cho vay để tiếp tục thi công từ nguồn ngân sách thành phố (khoảng 1.800 tỷ đồng). Sau khi công trình được nghiệm thu, thành phố sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng thỏa thuận tại hợp đồng BT, phụ lục hợp đồng đã ký và nhà đầu tư thanh toán nợ cho HFIC.
Ưu điểm của cơ chế này là thành phố chủ động trong việc bố trí vốn từ ngân sách địa phương, chi phí lãi vay của nhà đầu tư thấp, tuy nhiên cần có hướng dẫn trong việc triển khai thực hiện. Đồng thời, rủi ro xảy ra nếu khi hoàn thành, công trình không đáp ứng được về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng để nghiệm thu thì khó thu hồi vốn, có khả năng thất thoát ngân sách. Tuy vậy, thành phố vẫn kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận thực hiện theo cơ chế thứ hai do có nhiều thuận lợi trong việc triển khai. TP Hồ Chí Minh cam kết sẽ bảo đảm nguồn vốn ủy thác cho nhà đầu tư vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, sớm triển khai thi công và hoàn thành dự án.
Theo Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh, với tình hình hiện nay, việc thanh toán cho nhà đầu tư là yêu cầu cấp bách và là điều kiện tiên quyết để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hoàn thành công trình. Việc ngừng thi công đã gây ra nhiều hệ lụy về tài chính, kinh tế - xã hội đối với Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là người dân trong khu vực chịu tác động của dự án. Cũng theo Sở KH&ĐT thành phố, với khối lượng công việc còn lại, sau khi được giải ngân và thi công trở lại, dự án cần khoảng 9 - 12 tháng để hoàn thành.
Theo quan điểm của TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh, Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực từ tháng 8, trong đó có nghiên cứu giải pháp, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho những công trình trọng điểm được thực hiện theo hợp đồng BT. Đây được xem là tín hiệu khả quan để nhà đầu tư, chính quyền thành phố tìm ra phương án tái khởi động dự án, sớm hoàn thành.
Trước đó, vào giữa tháng 8 vừa qua, tại Hội thảo khu vực miền nam về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng thông tin, hiện nay, thành phố đang tập trung tháo gỡ cho Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), đồng thời cố gắng khởi động lại trong quý III/2023.
Cũng theo quan điểm của ông Bùi Xuân Cường, Nghị quyết 98 mà Quốc hội ban hành sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ được các khó khăn liên quan đến phần cơ chế thanh toán bằng quỹ đất đã được xác định trong hợp đồng BT. Tuy vậy, do các dự án còn nhiều vướng mắc khác liên quan đến cấp vốn và tái cấp vốn tín dụng cho nhà đầu tư; vướng giải phóng mặt bằng; các thủ tục giám sát đầu tư; duyệt điều chỉnh dự án đầu tư… nên thành phố sẽ tiếp tục tìm phương án tháo gỡ.
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 là một trong những dự án trọng điểm, có vai trò trọng yếu trong việc kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km, với khoảng 6,5 triệu dân, thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, dự án chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát của các dự án thoát nước đô thị thông qua hệ thống các trạm bơm đặt tại các cống kiểm soát triều; hỗ trợ trữ nước mưa khi có mưa kết hợp với triều cường; góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dự án; bảo đảm giao thông thủy theo cấp và quy định của TP Hồ Chí Minh.
Nguồn: Báo Nhân dân