Tháo gỡ vướng mắc cho tổ chức hoạt động “xe chở người bốn bánh có gắn động cơ”

13:01 18/03/2025
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có văn bản số 21/CV-HHVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc cho tổ chức hoạt động của “xe chở người bốn bánh có gắn động cơ”.
Tháo gỡ vướng mắc cho tổ chức hoạt động “xe chở người bốn bánh có gắn động cơ”
Ảnh minh họa, nguồn: ITN.

Theo Hiệp hội, tại khoản 2, Điều 24, Nghị định số 165/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ và Điều 77 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, quy định cụ thể như sau: “Từ ngày 15/02/2025, đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, chỉ tổ chức hoạt động trên các tuyến đường có đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa 30 km/h áp dụng cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông…”.

Hiệp hội cho rằng, đây là quy định không phù hợp với thực tế, bởi: Thứ nhất, theo quy định tại khoản 5 Điều 56 và Điều 66 Luật Đường bộ và tại điểm d khoản 1 Điều 34 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định cụ thể về phương tiện “xe bốn bánh có gắn động cơ” và giao cho UBND cấp tỉnh, thành phố quy định chi tiết về hoạt động cho loại phương tiện này.

Thứ hai, thực tế hiện nay trên lãnh thổ Việt Nam không có bất cứ con đường, tuyến phố nào cắm “Biển báo tốc độ khai thác tối đa 30 km/h áp dụng cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông”.

Thứ ba, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện các đơn vị kinh doanh vận tải trên cả nước đã đầu tư và được cơ quan đăng kiểm cấp phép lưu hành khoảng 12.000 - 15.000 “xe bốn bánh có gắn động cơ” để vận chuyển đưa, đón hành khách tại nội đô các thành phố và các điểm du lịch trọng điểm của đất nước, góp phần quan trọng trong việc giảm ô nhiễm môi trường.

Thứ tư, từ ngày 15/02/2025, thực hiện quy định tại Nghị định số 165/2024/NĐ-CP, hầu hết loại “xe bốn bánh có gắn động cơ điện để chở người” tại các địa phương phải dừng hoạt động, gây khó khăn rất lớn đến hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục nghìn người lái xe điều khiển loại phương tiện này.

Thứ năm, nếu không có giải pháp để sớm tháo gỡ cho loại phương tiện này, thì khoảng 15.000 phương tiện này phải “đắp chiếu”, gây lãng phí rất lớn tiền đầu tư của các đơn vị vận tải... Hiệp hội tạm tính: 15.000 xe x 350 triệu/xe (tính bình quân) = 5.250 tỷ đồng.

Hiệp hội cho rằng, quy định như trên đồng nghĩa với việc cấm loại phương tiện này hoạt động. Trong khi đó, ngay từ khi thiết kế, chế tạo, các hãng sản xuất “xe bốn bánh có gắn động cơ điện” đã khống chế tốc độ tối đa không quá 30 km/giờ để đảm bảo an toàn.

Vì vậy, Hiệp hội kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm quan tâm, xem xét có giải pháp tháo gỡ cho vấn đề này.

Bình luận